Thứ ba, 01/12/2020 20:50 GMT+7

Sức bật để phát triển thị trường khoa học và công nghệ

Sau 5 năm thực hiện, Chương trình Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020 đã mang lại những tác động tích cực về mặt khoa học, công nghệ, kinh tế, xã hội và tính liên kết lan tỏa cao. Đặc biệt, Chương trình đã tạo được môi trường pháp lý về thị trường khoa học và công nghệ dần được hoàn thiện, thích ứng hơn với kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng chủ trì tọa đàm tại Hội thảo tổng kết Chương trình Phát triển thị trường khoa học và công nghệ giai đoạn 2015-2020 trong tuần lễ “Kết nối công nghệ  và Đổi mới sáng tạo năm 2020”. Ảnh: Thùy Dung
 

Những kết quả bước đầu

Ở các nước phát triển, thị trường khoa học và công nghệ đã hình thành và đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tại Việt Nam, Đề án “Tái cơ cấu ngành Khoa học và Công nghệ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng góp phần phát triển kinh tế” đã đề ra các giải pháp thực hiện. Trong đó, phát triển thị trường khoa học và công nghệ là một giải pháp quan trọng.

Tháng 11-2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020 (gọi tắt là Chương trình 2075) để từng bước phát triển thị trường khoa học và công nghệ.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, Chương trình 2075 bắt đầu thực hiện từ năm 2015, đặt mục tiêu tăng giá trị giao dịch mua bán các sản phẩm và dịch vụ khoa học và công nghệ trên thị trường; tăng tỷ trọng giao dịch mua bán tài sản trí tuệ như giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật; thiết lập mạng lưới sàn giao dịch công nghệ kèm theo hệ thống tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ hỗ trợ, trọng tâm là thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), cho biết: Sau 5 năm thực hiện, Chương trình 2075 đã có 25 sản phẩm được đăng ký quyền sở hữu trí tuệ (giai đoạn 2016-2020); 1.200 hợp đồng được ký kết với giá trị gần 1.000 tỷ đồng (giai đoạn 2015-2018); tổ chức 1.000 phiên kết nối cung - cầu, kết nối đầu tư cho 5.000 tổ chức (giai đoạn 2016-2018)…

"Chương trình đã tạo được môi trường pháp lý về thị trường khoa học và công nghệ, giúp thúc đẩy hoạt động dịch vụ trung gian của thị trường khoa học và công nghệ; hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ; nâng cao nhận thức của xã hội về thương mại hóa kết quả nghiên cứu", ông Phạm Đức Nghiệm cho biết thêm.

Đến nay, Chương trình 2075 đã phê duyệt được 63 nhiệm vụ trong số 500 đề xuất đăng ký với tổng kinh phí 340 tỷ đồng, trong đó 194 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước (55%), còn lại là đối ứng từ các doanh nghiệp tham gia. Các nhiệm vụ tập trung vào 5 nhóm chính: Phát triển thị trường công nghệ (chợ công nghệ, thiết bị - Techmart), kết nối cung - cầu công nghệ (Techdemo), ngày hội khởi nghiệp công nghệ (Techfest), triển lãm chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông (ICT COMM)...; hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ; phát triển, nâng cao năng lực hoạt động của các tổ chức trung gian; nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển thị trường khoa học và công nghệ…

GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, thời gian qua, Học viện đã được Chương trình 2075 hỗ trợ thành công một số dự án thương mại hóa công nghệ, như: Sản phẩm hạt gốm xốp kỹ thuật phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị; công nghệ sản xuất bầu ươm cây theo phương pháp gieo hạt và giâm cành phục vụ sản xuất cây giống quy mô hàng hóa… Chương trình cũng hỗ trợ Học viện hình thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo nông nghiệp.

Thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ

Chương trình 2075 nhận được nhiều phản hồi tích cực của các đơn vị tham gia. Tuy nhiên, việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn. Theo ông Phạm Đức Nghiệm, khung pháp lý cho việc tổ chức thực hiện các dự án đầu tư thuộc Chương trình chưa đồng bộ với các văn bản theo pháp luật đầu tư, dẫn đến tính không khả thi trong việc triển khai các dự án thành lập, nâng cấp tổ chức trung gian, đặc biệt là các sàn giao dịch công nghệ quốc gia tại Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh. Thủ tục hành chính cho việc xét duyệt thẩm định nhiệm vụ thuộc Chương trình còn rườm rà…

“Việc thúc đẩy liên kết và chuyển giao công nghệ giữa viện, trường với doanh nghiệp vẫn là một bài toán khó. Chỉ 5,7% doanh nghiệp được hỏi cho biết tìm đến viện, trường khi có nhu cầu ứng dụng đổi mới công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm”, ông Phạm Đức Nghiệm cho biết.

Để phát huy các kết quả đạt được, hướng đến phát triển thị trường khoa học và công nghệ giai đoạn 2021-2030, ông Tạ Bá Hưng, Chủ nhiệm Chương trình cho biết, thời gian tới, Chương trình sẽ tập trung hoàn thiện thể chế chính sách để phát triển thị trường khoa học và công nghệ trong bối cảnh mới; phát triển các tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Ngoài ra, chú trọng phát triển hạ tầng quốc gia của thị trường khoa học và công nghệ; thúc đẩy phát triển nhu cầu về hàng hóa khoa học và công nghệ, nâng cao năng lực hấp thụ, tiếp thu, làm chủ và áp dụng công nghệ tại các doanh nghiệp; thúc đẩy phát triển nguồn cung hàng hóa khoa học và công nghệ trên thị trường khoa học và công nghệ; tăng cường các hoạt động xúc tiến thị trường khoa học và công nghệ; đẩy mạnh việc xã hội hóa các sự kiện thúc đẩy kết nối cung - cầu công nghệ với sự tham gia của khu vực tư nhân…

Liên kết nguồn tin:

http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Khoa-hoc/984957/suc-bat-de-phat-trien-thi-truong-khoa-hoc-va-cong-nghe

Nguồn: Báo Hànộimới

Lượt xem: 2632

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)