Thứ ba, 16/03/2021 15:14 GMT+7

Hội thảo Tham vấn về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

Tiếp theo hội thảo tham vấn tại Hà Nội, ngày 12/3/2021 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tổ chức Hội thảo "Tham vấn về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ” nhằm lấy ý kiến về các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT).

Đến dự và chỉ đạo Hội thảo có Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt. Tham gia Hội thảo có Lãnh đạo và một số Ủy viên thường trực của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; lãnh đạo các cơ quan trực tiếp biên tập dự án Luật: ông Đinh Hữu Phí- Cục trưởng Cục SHTT, ông Nguyễn Văn Bảy- Phó Cục trưởng Cục SHTT, bà Phạm Thị Kim Oanh- Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, bà Trần Thị Hòa- Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cùng hơn 120 đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương, cơ quan thực thi, hiệp hội, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp.

Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ Dự án Phát triển lĩnh vực tài chính và SHTT tại Đông Nam Á (FSIP) thuộc Quỹ Thịnh vượng của Vương quốc Anh với mục tiêu mở rộng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực SHTT nhằm tăng cường vai trò của SHTT trong các hoạt động đổi mới sáng tạo.



Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu khai mạc Hội thảo

 

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, thông qua kết quả từ hội thảo tại Hà Nội, có thể thấy hoạt động lấy ý kiến thông qua hình thức hội thảo, tọa đàm để trực tiếp trao đổi và ghi nhận ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan là một kênh thông tin rất hiệu quả bên cạnh việc lấy ý kiến dưới hình thức văn bản, vì vậy Bộ trưởng mong rằng tại hội thảo này, các ý kiến đóng góp có giá trị tiếp tục được tập trung thảo luận, nhất là các vấn đề trong chính sách về tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp, đảm bảo mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hoặc tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ, hoạt động thực thi về sở hữu trí tuệ.

Hội thảo đã nhận được ý kiến từ 26 đại biểu với rất nhiều nội dung khác nhau, bao trùm tất cả các lĩnh vực, từ các ý kiến đóng góp liên quan đến thuật ngữ, khái niệm, hay nội hàm của các quy định, cơ chế, đến các vướng mắc, khó khăn có thể gặp phải khi áp dụng các quy định trong thực tiễn.



Đại biểu phát biểu ý kiến trong Hội thảo

 

Trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, các vấn đề liên quan đến cơ chế kiểm soát an ninh sáng chế, chính sách khuyến khích thương mại hóa các sáng chế từ ngân sách nhà nước tiếp tục được đưa ra thảo luận sâu hơn, trong đó đáng chú ý về ý kiến cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước về quyền SHTT với các cơ quan thuế, tài chính... để chính sách ưu đãi trong lĩnh vực SHTT thực sự đến được với doanh nghiệp. Cơ chế phân luồng về ý kiến của người thứ ba cùng với quy định về thời hạn cụ thể cho từng đối tượng cũng nhận được nhiều sự quan tâm như một giải pháp nhằm hạn chế lạm dụng quyền và đẩy nhanh hơn thời gian thẩm định đơn SHCN.

Trong lĩnh vực giống cây trồng, vấn đề khảo nghiệm giống và các đánh giá điều kiện bảo hộ, nhất là tính mới của giống cây cũng nhận được sự quan tâm từ các đại diện đến từ doanh nghiệp cũng như cơ quan nhà nước theo hướng cần làm sao tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bớt khó khăn trong các thủ tục xác lập quyền đối với giống cây trồng trước khi đưa được các giống này ra thị trường.

Trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan, các vấn đề liên quan đến từ bỏ quyền nhân thân, các trường hợp ngoại lệ của việc sử dụng tác phẩm trong thư viện, trong trường học, hay các biện pháp bảo đảm cân bằng trong việc bảo hộ quyền của chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan với quyền tiếp cận, hưởng thụ của công chúng cũng được thảo luận rất sôi nổi với nhiều tình huống thực tiễn xảy ra trong cuộc sống và những đề xuất giải pháp cho các tình huống này.

Về thực thi quyền, vấn đề giới hạn các đối tượng quyền SHTT bị xử phạt hành chính và vấn đề trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ trung gian (ISP) thu nhận được nhiều ý kiến góp ý từ cả các cơ quan quản lý lẫn từ phía doanh nghiệp. Mảng các dịch vụ hỗ trợ thực thi bao gồm giám định SHTT và đại diện SHCN cũng thu hút được nhiều sự quan tâm, đặc biệt là các quy định liên quan đến kết luận giám định và cơ chế ưu đãi cho các luật sư có chứng chỉ hành nghề.

Kết luận tại Hội thảo, ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ ghi nhận các đóng góp hữu ích từ các cơ quan, tổ chức và sẽ tiếp tục cùng với đại diện Cục Bản quyền tác giả, Cục Trồng trọt nghiên cứu tiếp thu và nhanh chóng hoàn thiện dự thảo để kịp trình Bộ Tư pháp thẩm định, sau đó trình Chính phủ trước khi trình UBTVQH vào tháng 8 năm 2021 và trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10 năm 2021.

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ

Lượt xem: 2043

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)