Thứ hai, 20/09/2021 19:32 GMT+7

Khai mạc Đại hội đồng lần thứ 65 của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế

Ngày 20/9/2021, Đại hội đồng lần thứ 65 của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã được khai mạc tại thủ đô Vienna, Cộng hòa Áo.

Đây là cuộc họp thường niên của IAEA được tổ chức từ ngày 20-24/9/2021 với sự tham dự của đại diện cấp cao đến từ 173 quốc gia thành viên của IAEA.Đại diện các nước thành viên sẽ chia sẻ và trao đổi thông tin liên quan đến vấn đề bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân; vai trò của IAEA trong phát triển khoa học, công nghệ và thúc đẩy ứng dụng hạt nhân thông qua các chương trình hợp tác kỹ thuật của IAEA; nâng cao hiệu quả của các hoạt động thanh sát hạt nhân...Tại khóa họp năm nay, Đại hội đồng sẽ bầu 24 thành viên mới vào Hội đồng Thống đốc, bao gồm 13 nước có công nghệ hạt nhân tiên tiến hoặc có đóng góp đáng kể cho quá trình phát triển và ứng dụng công nghệ hạt nhân và được Hội đồng thống đốc đương nhiệm chỉ định có nhiệm kỳ từ 2021-2022 và 11 thành viên đại diện cho các nhóm khu vực thuộc IAEA, có nhiệm kỳ từ 2021-2023.
 

Các đại biểu tham dự Đại hội đồng IAEA lần thứ 6.
 

Việt Nam là ứng viên được nhóm các nước Viễn Đông đề cử vào Hội đồng Thống đốc, nhiệm kỳ 2021-2023. Đại hội đồng cũng sẽ thông qua báo cáo tài chính và báo cáo thường niên năm 2020 của IAEA, chương trình và ngân sách hoạt động của IAEA giai đoạn 2022-2023; thông qua các nghị quyết liên quan đến hoạt động của IAEA trong thời gian tới.

Tại Phiên toàn thể diễn ra vào sáng ngày 20/9/2021 (giờ Vienna), ông Sadiq M.Marafi, Đại sứ Kuwait đã được bầu làm Chủ tịch Đại hội đồng IAEA lần thứ 65. Đại hội đồng cũng đã bầu Việt Nam là một trong 08 quốc gia đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch Đại hội đồng.

Tại Phiên khai mạc, bà Ghada Fathy Ismail Waly, Trưởng Văn phòng Liên hợp quốc tại Áo đã gửi đến Đại hội đồng IAEA Thông điệp của Tổng thư ký Liên hợp quốc, trong đó đánh giá cao những nỗ lực của IAEA hỗ trợ hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm hơn 35 quốc gia kém phát triển nhất, sử dụng kỹ thuật hạt nhân (nuclear-derived techniques) với tên gọi “Phản ứng chuỗi polymerase sao chép ngược thời gian thực (real time RT-PCR) được xem là phương pháp phát hiện chủng virus corona COVID-19 nhanh nhất và chính xác nhất kể từ khi đại dịch bùng phát trên toàn thế giới từ đầu năm 2020. Bà cũng hoan nghênh nỗ lực của IAEA trong vấn đề chống phổ biến vũ khí hạt nhân đe dọa đến nhân loại, đồng thời kêu gọi các quốc gia nghiêm túc thực hiện Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân. Liên hợp quốc hoan nghênh các sáng kiến hợp tác của IAEA với các cơ quan của Tổ chức này nhằm thúc đẩy ứng dụng khoa học hạt nhân trong ứng phó với biến đổi khí hậu, y tế, nông nghiệp, cũng như nghiên cứu chuyển đổi năng lượng sạch và thúc đẩy an toàn, an ninh hạt nhân, đồng thời khẳng định IAEA đóng vai trò tiên phong hỗ trợ các quốc gia thành viên thúc đẩy ứng dụng năng lượng nguyên tử trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, hợp tác khoa học, kỹ thuật trong lĩnh vực hạt nhân vì mục đích hòa bình và phát triển.
 

Bà Ghada Fathy Ismail Waly, Trưởng Văn phòng Liên hợp quốc tại Áo đã gửi đến Đại hội đồng IAEA Thông điệp của Tổng thư ký Liên hợp quốc.
 

Phát biểu tại phiên khai mạc, Tổng Giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi đã nhấn mạnh sự đóng góp kịp thời của IAEA về cung cấp thiết bị để phát hiện và chẩn đoán virus corona cho các quốc gia, đồng thời khuyến khích các quốc gia thành viên tích cực tham gia Dự án Hành động Tích hợp chống dịch bệnh lây truyền qua động vật (ZODIAC) với mục tiêu thiết lập một mạng lưới toàn cầu các phòng thí nghiệm chẩn đoán quốc gia để theo dõi, giám sát, phát hiện sớm và kiểm soát dịch bệnh truyền từ động vật sang con người.

Trong vấn đề an ninh và không phổ biến vũ khí hạt nhân, IAEA đang tích cực phối hợp với các bên liên quan tìm ra các giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Cộng hòa Iran và Cộng hòa dân chủ nhân Triều Tiên, kêu gọi các nước tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ của mình theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an, hợp tác kịp thời với IAEA trong việc thực hiện đầy đủ Hiệp định không phổ biến vũ khí hạt nhân và giải quyết các vấn đề còn tồn tại.

Ông Grossi cũng nhấn mạnh đến vấn đề bình đẳng giới, chú trọng đến vai trò của phụ nữ trên thế giới và đặc biệt là những tiến bộ vững chắc mà IAEA đã đạt được về vấn đề bình đẳng giới và nâng cao vai trò của phụ nữ của IAEA. Để khuyến khích phụ nữ trên khắp thế giới nghiên cứu về khoa học và công nghệ hạt nhân, IAEA đã khởi động Chương trình Học bổng Marie Sklodowska Curie đào tạo thạc sĩ về khoa học và công nghệ hạt nhân, an toàn, an ninh và không phổ biến vũ khí hạt nhân. IAEA khuyến khích các quốc gia thành viên tạo điều kiện cho phụ nữ được tham gia chương trình học bổng có ý nghĩa quan trọng này.
 

Tổng Giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi phát biểu khai mạc Khóa họp thường niên lần thứ 65 Đại hội đồng IAEA.
 

Tổng Giám đốc IAEA cũng nhấn mạnh bảo đảm an toàn, an ninh, không phổ biến vũ khí hạt nhân, sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình là tôn chỉ hành động của IAEA, đồng thời kêu gọi các nước thành viên đoàn kết, nỗ lực hướng đến mục tiêu chung nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu, thực hiện các mục tiêu phát triển.

Về phía Việt Nam, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong nước, Trưởng đoàn Việt Nam là ông Nguyễn Trung Kiên - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Cộng hòa Áo, Đại diện thường trực Việt Nam tại IAEA cùng cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tham dự trực tiếp kỳ họp và sẽ có bài Phát biểu trong thời gian diễn ra Khóa họp. Các cán bộ của Bộ Khoa học và Công nghệ cùng tham dự Phiên toàn thể cũng như các cuộc họp kỹ thuật bên lề theo hình thức trực tuyến.

Trong khuôn khổ Đại hội đồng có khoảng 80 sự kiện bên lề gồm các cuộc họp kỹ thuật của Hiệp định hợp tác vùng về nghiên cứu, phát triển và đào tạo khoa học và công nghệ hạt nhân khu vực châu Phi (AFRA), cuộc họp chuẩn bị cho kỷ niệm 50 năm Hiệp định hợp tác vùng Châu Á – Thái Bình Dương (RCA), Hiệp định hợp tác vùng cho các nước Tiểu vương quốc Ả rập về nghiên cứu, phát triển và đào tạo khoa học công nghệ hạt nhân (ARASIA); các cuộc họp/diễn đàn về phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân, Cuộc họp tham vấn chuẩn bị Hội nghị sửa đổi Công ước bảo vệ thực thể và vật liệu hạt nhân; cuộc họp cấp cao về an toàn và an ninh hạt nhân và các cuộc họp kỹ thuật khác. Bên lề Đại hội đồng IAEA lần thứ 65 cũng sẽ diễn ra triển lãm của các quốc gia thành viên, các tổ chức quốc tế và Ban thư ký IAEA.

Trong 02 ngày 21-22/9/2020, Diễn đàn khoa học với chủ đề Ứng phó với dịch bệnh có nguồn gốc động vật: vai trò của khoa học hạt nhânsẽ được tổ chức ở cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.  Tại đây, các quan chức cấp cao và chuyên gia hàng đầu cùng nhau thảo luận về các kỹ thuật phát hiện mầm bệnh và giám sát bệnh động vật; cơ chế truyền bệnh từ động vật sang người; vai trò của kỹ thuật bức xạ trong việc đối phó với tác động của bệnh truyền nhiễm động vật đối với sức khỏe con người; tăng cường năng lực ứng phó toàn cầu để kiểm soát bệnh truyền nhiễm từ động vật.

Cũng trong khuôn khổ khóa họp Đại hội đồng IAEA lần thứ 65, Lãnh đạo Cục Năng lượng nguyên tử, đồng thời là Điều phối viên quốc gia hợp tác với IAEA sẽ chủ trì và tham dự các cuộc họp trực tuyến về dự án hợp tác kỹ thuật giữa IAEA và Việt Nam; tham dự và có bài phát biểu tại Cuộc họp về Các chương trình hợp tác kỹ thuật ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương: Đóng góp quan trọng thúc đẩy sự phát triển.

 

Nguồn: Cục Năng lượng nguyên tử

Lượt xem: 1944

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)