Thứ tư, 27/10/2021 17:42 GMT+7

Nghiên cứu xây dựng quy trình tách chiết collagen từ sứa

Hiện nay, sản xuất collagen chủ yếu lấy nguyên liệu từ xương và da của lợn và trâu bò, không đủ nguồn cung. Trong khi đó, collagen được tách chiết từ nguồn tài nguyên biển, trong đó có sứa, có nhiều ưu việt hơn lại ít được nghiên cứu sử dụng. Đặc biệt, tại Việt Nam chưa có một nghiên cứu nào tách chiết collagen từ sứa. Trong khi Hải Phòng là ngư trường chính phân bố loài sứa Rhopilema Hispidum, các sản phẩm chế biến từ sứa chủ yếu chỉ được chế biến làm món ăn, có giá trị kinh tế chưa cao. Thực trạng này là cơ sở để nhóm nghiên cứu Viện Tài nguyên và Môi trường biển đề xuất và triển khai đề tài "Nghiên cứu xây dựng quy trình tách chiết collagen từ sứa Rhopilema Hispidum (Vanhoffen, 1888) tại Hải Phòng", TS. Phạm Thế Thư làm chủ nhiệm đề tài. Kết quả nghiên cứu được Hội đồng khoa học cấp thành phố đánh giá tại Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hải Phòng sáng 27/10/2021.


Hội đồng đánh giá kết quả thực hiện đề tài

 

Nghiên cứu thực hiện các công đoạn: Thử nghiệm và xử lý nguyên liệu (sứa tươi, sứa muối) để loại bỏ tạp chất phi collagen bằng việc sử dụng NaOH, C2H5OH; thử nghiệm các công nghệ tách chiết collagen từ sứa biển (công nghệ vật lý - sử dụng sóng siêu âm, công nghệ hóa học - sử dụng axit axetic CH3COOH, công nghệ sinh học - sử dụng enzyme pepsin và công nghệ kết hợp hóa - lý - sinh); xác định, đánh giá chất lượng và độ an toàn sản phẩm collagen tách chiết từ sứa. Kết quả cho thấy, với hơn 100mg bột collagen khô, hơn 100mg bột collagen ướt và hơn 100mg dung dịch collagen nồng độ 30mg/ml sản phẩm thu được từ quá trình tách chiết, sản phẩm collagen tách chiết chủ yếu là protein, chiếm tới 89%, tiếp đến là hàm lượng carbohydrate và tro. Đặc biệt, trong thành phần của collagen không phát hiện lipit. Đây là thông số có tính chất ưu việt trong khả năng ứng dụng collagen vào nhiều lĩnh vực khác nhau. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu chất lượng khác đều nằm trong ngưỡng an toàn theo quy định của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế.

Từ các nghiên cứu trên, nhóm nghiên cứu đề xuất 3 quy trình công nghệ tách chiết collagen từ sứa gồm: quy trình 1 tách chiết collagen từ sứa bằng CH3COOH; quy trình 2 tách chiết collagen từ sứa kết hợp sóng siêu âm; quy trình 3 tách chiết collagen từ sứa kết hợp enzyme pepsin với các công đoạn: sơ chế; xả mặn; ngâm NaOH loại tạp chất phi collagen; tách chiết bằng CH3COOH (quy trình 1), tách chiết bằng CH3COOH và sóng siêu âm (quy trình 2), tách chiết bằng CH3COOH và pepsin (quy trình 3); ly tâm thu dịch; tủa, ly tâm thu tủa; tinh sạch - thẩm tách; đông khô); quy trình tách chiết collagen từ sứa kết hợp sóng siêu âm. Hiệu suất các quy trình lần lượt đạt 60,5%; 72,46% và 91,95%. Nhóm nghiên cứu đánh giá, hiệu suất tách chiết collagen bằng công nghệ sinh học sử dụng enzyme pepsin có nhiều ưu việt cho phát triển ứng dụng.

Đề tài được Hội đồng khoa học đánh giá cao. Kết quả nghiên cứu của đề tài chính là cơ sở để nhóm nghiên cứu phát triển giai đoạn 2, với việc ứng dụng các quy trình này để sản xuất collagen từ sứa biển ở quy mô công nghiệp, từ đó phát triển các sản phẩm ứng dụng collagen được tách chiết từ sứa và thị trường hóa các sản phẩm.

Nguồn: Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hải Phòng

Lượt xem: 1799

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)