Thứ hai, 22/11/2021 16:21 GMT+7

Khóa họp lần thứ hai Ủy ban Hỗn hợp hợp tác KH&CN Việt Nam - Cộng hòa Liên bang Đức

Ngày 18/11/2021 tại Hà Nội, Khóa họp lần thứ hai Ủy ban hỗn hợp hợp tác khoa học và công nghệ (KH&CN) giữa Bộ KH&CN và Bộ Liên bang về Giáo dục và Nghiên cứu Cộng hòa Liên bang Đức (BMBF) đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến nhằm đánh giá kết quả hợp tác song phương về KH&CN và thảo luận, thống nhất các định hướng hợp tác ưu tiên trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy và Đại sứ Guido Hildner tại Khóa họp

Khóa họp được đồng chủ trì bởi Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ KH&CN Trần Thị Thu Hương và Phó Tổng Vụ trưởng Tổng vụ Hợp tác quốc tế Frithjof Maennel. Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy và Đại sứ Đức tại Việt Nam Guido Hildner đã tham dự và phát biểu khai mạc Khóa họp.

Tham dự Khóa họp từ đầu cầu Việt Nam có đại diện các đơn vị thuộc Bộ, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, các nhà khoa học là chủ nhiệm các nhiệm vụ KH&CN hợp tác với Đức, tham tán và tùy viên khoa học Sứ quán Đức tại Hà Nội; từ đầu cầu Cộng hòa liên bang Đức có các Vụ chức năng Bộ BMBF, đại diện Bộ Ngoại giao Đức, các nhà khoa học Đức từ các viện nghiên cứu, trường đại học đối tác và đại diện KH&CN Việt Nam tại địa bàn Berlin và Frankfurt.

Khóa họp lần thứ 2 Ủy ban Hỗn hợp hợp tác KH&CN Việt - Đức diễn ra trong bối cảnh quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước sau 10 năm ngày càng phát triển tích cực trên tất cả các lĩnh vực, đi vào chiều sâu và thực chất, trong đó hợp tác về khoa học và công nghệ đóng vai trò quan trọng.
 

Toàn cảnh Khóa họp

Đóng góp thiết thực cho khoa học và phát triển kinh tế - xã hội

Trong giai đoạn 2005 - 2019, trải qua 6 Khóa họp Ủy ban hỗn hợp về hợp tác KH&CN Việt Nam - Đức, hai bên đã triển khai 4 chương trình hợp tác nghiên cứu chung trong các lĩnh vực: Đối tác quốc tế về đổi mới sáng tạo bền vững (CLIENT II); y tế và phát triển đô thị bền vững; kinh tế sinh học; và liên kết hàn lâm - doanh nghiệp trong đổi mới sáng tạo (ZIM). Qua đó, đã triển khai hàng chục dự án nghiên cứu chung giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp hai nước, công bố nhiều bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế và trong nước uy tín, đào tạo hàng trăm cán bộ khoa học, tiến sỹ, thạc sỹ, đồng thời, góp phần nâng cấp hạ tầng nghiên cứu, năng lực và trình độ nghiên cứu ở Việt Nam. Nhiều dự án ứng dụng tiến bộ công nghệ đã trực tiếp giúp giải quyết có hiệu quả các nhu cầu bức thiết của người dân địa phương. 

Chương trình CLIENT II tập trung cho 4 lĩnh vực: Sử dụng năng lượng hiệu quả, kinh tế tuần hoàn, quản lý tài nguyên đất và nước, ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai. Chương trình Y tế và Phát triển đô thị bền vững tập trung giải quyết các vấn đề bức thiết trong điều trị viêm gan E, viêm gan D, giao thông thông minh và tiết kiệm điện năng. Chương trình Kinh tế sinh học hướng tới nền kinh tế sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dựa trên sinh học để tạo sản phẩm, dịch vụ mới có hàm lượng tri thức cao trong các lĩnh vực: An ninh lương thực, sản xuất nông nghiệp bền vững, an toàn thực phẩm, tài nguyên tái tạo và năng lượng sinh khối. Chương trình ZIM hướng tới thúc đẩy liên kết viện-trường-doanh nghiệp thông qua các dự án hợp tác đổi mới sáng tạo và thương mại hóa.

Trong nhiều dự án nghiên cứu chung, nổi bật nhất là hai dự án triển khai rất thành công ở miền núi phía Bắc (Hà Giang) và Đồng bằng sông Cửu Long. Dự án về công nghệ khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước ở các vùng núi đá vôi Việt Nam, áp dụng thử nghiệm ở Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (Kawatech) sau 6 năm triển khai, các nhà khoa học hai nước đã ứng dụng công nghệ bơm kết hợp turbine, không dùng điện, kết nối với các nhà máy thủy điện công suất nhỏ để dẫn nước lên bể chứa ở độ cao 700m, qua đó cấp nước sạch cho người dân Hà Giang ở thị trấn Đồng Văn và các vùng lân cận. Dự án về các giải pháp tích hợp phục vụ phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (Viwat), 2018 - 2021, đã và sẽ góp phần giúp bảo vệ bờ biển, quản lý nước và phòng chống sụt lún, kiểm soát xói mòn, cải tạo đất và điều hành có hiệu quả các dịch vụ về môi trường và nước ở địa phương.

Theo đề xuất của phía bạn, Khóa họp Ủy ban Hợp tác KH&CN Việt Nam - Đức được tổ chức tại Berlin tháng 4/2019 được xem là Khóa họp lần thứ nhất kể từ khi hai bên triển khai Hiệp định hợp tác KH&CN giữa hai Chính phủ ký kết năm 2015, có hiệu lực từ năm 2017. Khóa họp ngày 18/11/2021 được tính là Khóa họp lần thứ hai.

Triển vọng hợp tác tương lai

Đức là quốc gia có nền KH&CN mạnh hàng đầu thế giới với đội ngũ các nhà khoa học xuất sắc trong nhiều lĩnh vực như công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu, công nghệ nước và môi trường, y tế và phát triển bền vững. Trong những năm gần đây, phía Đức có xu hướng đầu tư các dự án hợp tác KH&CN với kinh phí lớn, lên tới nhiều triệu Euro, trong đó có sự kết hợp tham gia của các nhà khoa học, giới doanh nghiệp, các nhà quản lý và các bên liên quan khác. Vì vậy, các dự án hợp tác KH&CN ngày càng có tác động lớn về kinh tế - xã hội và có tiềm năng chuyển giao công nghệ cao.

Là một nước đi sau với tiềm lực và nguồn lực còn khiêm tốn, nhưng với đội ngũ các nhà khoa học năng động và sẵn sàng cầu thị hợp tác nghiên cứu trong môi trường quốc tế, việc thúc đẩy hơn nữa hợp tác KH&CN với Đức sẽ mang lại nhiều cơ hội quý báu giúp Việt Nam nâng cao năng lực và trình độ KH&CN trong nước. Quan hệ hợp tác về KH&CN giữa Việt Nam và Đức đã có truyền thống tốt đẹp hơn 25 năm qua với nhiều thành tựu đáng ghi nhận và đây là tiền đề và nền tảng quan trọng cho việc tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác đối tác chiến lược trong những năm tiếp theo.

Trong năm 2022, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình hợp tác đã ký kết, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp với Bộ BMBF định kỳ tổ chức các đối thoại chính sách như đã thực hiện trong năm 2020-2021 để kịp thời cập nhật thông tin chính sách, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu chung. Qua đó, sẽ cùng thảo luận về việc tổ chức Ngày khoa học Việt - Đức, Hội thảo nhóm chuyên trách về phát triển bền vững (FONA WG) trong năm 2022 tại Việt Nam. Đồng thời, sẽ bàn khả năng mở các đợt kêu gọi đồng tài trợ nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu chung trong khuôn khổ của 3 Chương trình: Đối tác quốc tế về đổi mới sáng tạo bền vững (CLIENT); Y tế và phát triển đô thị bền vững; Kinh tế sinh học. Hai bên cũng nhất trí tăng cường hoạt động xây dựng năng lực và trao đổi học thuật, đồng tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế, kết nối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của hai nước. Khóa họp tiếp theo sẽ được tổ chức trong năm 2023 tại Cộng hòa Liên bang Đức./.

Nguồn: Vụ Hợp tác quốc tế, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Văn phòng Bộ KH&CN

Lượt xem: 1712

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)