Thứ năm, 25/11/2021 22:54 GMT+7

Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Ngày 24/11/2021, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng bằng hình thức trực tuyến tại 635 điểm cầu với 14.559 đại biểu tham dự.

Tại điểm cầu Bộ Khoa học và Công nghệ, có sự tham dự của các đồng chí đại diện Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Khoa học và Công nghệ, các ban tham mưu của Đảng ủy Bộ Khoa học và Công nghệ. Đồng chí Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối, Bí thư Đảng ủy Bộ chủ trì điểm cầu của Bộ.



Toàn cảnh đại biểu tham dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tại điểm cầu Bộ Khoa học và Công nghệ

 

Khơi dậy khát vọng từ mạch nguồn dân tộc

Nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội XIII, Ban Bí thư chỉ đạo Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đây là một hội nghị rất quan trọng nhằm tổng kết những thành tựu đã đạt được cũng như những hạn chế cần khắc phục trên lĩnh vực xây dựng, phát triển văn hóa, con người trong thời gian qua, nhất là qua 35 năm đổi mới và đề ra những định hướng, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045.

Hội nghị là diễn đàn để lắng nghe và là dịp cổ vũ, động viên các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí, hành động; liên kết các lực lượng làm công tác văn hóa, văn nghệ trong và ngoài nước tạo thành một mặt trận đồng lòng, dốc sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, triển khai thắng lợi nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Văn hóa có vai trò hết sức quan trọng, là nền tảng tinh thần, động lực phát triển của xã hội. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, nhân dân, ông cha ta đã xây dựng nên một nền văn hóa đặc sắc, kết tinh quá trình lao động sáng tạo, đấu tranh chống thiên tai, địch họa, mang đậm tâm hồn cốt cách dân tộc, thể hiện sâu sắc trình độ, nghệ thuật ứng xử với tự nhiên và xã hội. Chính nhờ có một nền văn hóa thấm đẫm bản sắc dân tộc làm bệ đỡ, dân tộc ta đã vượt qua được mọi thử thách cam go, không ngừng tiến lên theo dòng chảy của lịch sử.

Nhận thức đúng đắn tầm quan trọng đặc biệt của văn hóa, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của văn hóa, luôn luôn coi văn hóa là một mặt trận đấu tranh cách mạng, là ngọn đuốc “soi đường cho quốc dân đi”. Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng của Đảng, trong những năm qua, đặc biệt là những năm đổi mới, lĩnh vực văn hóa đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, song vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém cần khắc phục.

Để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần xã hội, là mục tiêu, động lực của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới và hội nhập, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (2021) đã xác định: Tập trung khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào, ý chí tự cường, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội và khát vọng phát triển đất nước của toàn dân tộc. Xây dựng các cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của mọi người dân Việt Nam. Phát huy tối đa nhân tố con người; con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển. Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại. Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh; vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế”.

Hội nghị đã nhận được gần 150 bài viết của các ban, bộ, ngành, các tỉnh, thành phố cũng như các nhà khoa học, nhà hoạt động văn hóa, người Việt Nam ở nước ngoài... Các bài viết đã tập trung làm rõ vai trò của văn hóa trong đời sống xã hội, những thành tựu to lớn cũng như những hạn chế, yếu kém, những vấn đề còn tồn tại phải giải quyết, nguyên nhân của những hạn chế, thiếu sót và giải pháp khắc phục, như: quan điểm, nhận thức, cơ chế quản lý, chế độ, chính sách đãi ngộ đối với văn nghệ sĩ, tuổi lao động đối với các ngành nghệ thuật đặc thù, cơ chế tự chủ của các đoàn nghệ thuật, cách thức phát huy nghệ thuật truyền thống, phát triển công nghiệp văn hóa - sáng tạo, hay những kinh nghiệm trong quản lý và phát triển văn hóa ở cơ sở... Những ý kiến tâm huyết của các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, các văn nghệ sĩ, các nhà khoa học, các tổ chức văn hóa, nghệ thuật sẽ là cơ sở để lãnh đạo Đảng, Nhà nước đề ra các chủ trương, chính sách phù hợp xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Nhiều giải pháp trọng tâm xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ sự hào hứng, phấn khởi khi tham dự hội nghị có ý nghĩa quan trọng trên nhiều phương diện này. Nhắc lại quá trình lịch sử của các thời kỳ, Tổng Bí thư khẳng định: Từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn luôn coi trọng vai trò của văn hoá và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hoá trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nhận thức của Đảng về văn hoá ngày càng toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn. Nhìn lại những thành tựu trên lĩnh vực xây dựng và phát triển văn hoá Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là trong 35 năm đổi mới gần đây, chúng ta có quyền tự hào về những đóng góp to lớn của nền văn hoá vào sự nghiệp cứu quốc và kiến quốc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết: Trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, lần đầu Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hoá, trong đó nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt là: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hoá và con người Việt Nam... kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất".

Để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hoá của dân tộc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị cần tập trung thực hiện thật tốt một số nhiệm vụ trọng tâm: Khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hoá, giá trị của quốc gia - dân tộc; phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hoá, môi trường văn hoá, đời sống văn hoá; phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hoá là nhân dân; chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hoá, về đạo đức; xây dựng môi trường văn hoá số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số.

Tổng Bí thư cũng đã nêu một số giải pháp để chấn hưng và phát triển văn hoá, xây dựng con người Việt Nam theo phương hướng nói trên. Trong đó nhấn mạnh phải Khắc phục tư tưởng “duy kinh tế”, chỉ tập trung cho kinh tế mà ít quan tâm đến văn hoá. Phải quán triệt nghiêm túc quan điểm “văn hoá phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.

75 năm sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24/11/1946), Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc để bước sang một thời kỳ mới, tập trung phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, GS.TS Lê Hồng Lý- Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, PGS.TS. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân- Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương- Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã có các bài tham luận nhằm thảo luận và làm rõ ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; làm rõ những vấn đề lý luận, thực tiễn về vai trò của văn hóa trong sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước, tìm ra những giải pháp cụ thể, phù hợp để tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức về văn hóa. Từ đó, chuyển hóa nhận thức thành hành động, đưa phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa phát triển sâu rộng, thực chất, thực sự là phong trào tự nguyện, tự giác của người dân, từng gia đình, tập thể cộng đồng. Bên cạnh đó, các tham luận cũng nêu rõ những thành tựu, hạn chế trong thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối, chủ trương phát triển của Đảng, bằng pháp luật, cơ chế, chính sách đồng bộ, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi, khơi dậy tinh thần, cống hiến, đổi mới sáng tạo của nhân dân, đặc biệt là đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ. Đồng thời, tìm ra những giải pháp cụ thể, phù hợp để xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa…

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Chấn hưng văn hóa là việc làm cần thiết để làm cho văn hóa sáng hơn, phát triển hơn. Phó Thủ tướng khẳng định, các nghị quyết của Đảng về văn hóa đã rất đầy đủ, "không thiếu bất cứ điều gì" để ưu tiên phát triển văn hóa, chiến lược phát triển văn hóa cũng đã có, chỉ cần làm đủ những điều như Bác Hồ dạy thôi cũng đủ để chấn hưng, phát triển văn hóa. Ngành văn hóa phải làm sao thực hiện chiến lược này, góp phần khơi dậy khát vọng trong toàn dân tộc về dựng xây đất nước giàu mạnh, hạnh phúc, phải chống "giặc tụt hậu" bằng tinh thần "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" năm xưa.

Trong kỷ nguyên của khoa học và công nghệ, cần tiếp thu văn minh tốt đẹp của nhân loại, đồng thời cũng phải cầu thị, mạnh dạn thay đổi những lề thói, biểu hiện về văn hóa đã không còn phù hợp; tạo môi trường cổ vũ sáng tạo không chỉ với văn nghệ sĩ mà với toàn dân, toàn xã hội. "Cần cổ vũ cái mới, tôn trọng các ý kiến khác, thậm chí khác biệt, miễn là cái khác biệt đó không đi ngược lại lợi ích của dân tộc, của đất nước", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định.

Nói đến văn hóa là nói đến xây dựng con người, nói đến con người phải nói đến giáo dục. Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện đổi mới giáo dục và gặp rất nhiều khó khăn, do đó mọi người dân, dù ở cương vị nào đều phải cùng với ngành giáo dục thực hiện bằng được công cuộc đổi mới với tinh thần cầu thị và kiên trì. Các cấp, các ngành bằng hành động cụ thể chú trọng hơn đến văn hóa, dành cho văn hóa nhiều thời gian và nguồn lực hơn nữa.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: "Tất cả chúng ta lan tỏa tinh thần đề cao giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, khiêm tốn nhưng cũng cần bồi dưỡng thêm tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc. Chúng ta tin có thể xây dựng được đất nước phát triển phồn vinh, vì hạnh phúc của nhân dân, nền văn hóa, văn hiến của Việt Nam sẽ bừng sáng, sẽ hòa vào dòng chảy của văn minh nhân loại".

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tin tưởng, mọi người dân Việt Nam, toàn ngành văn hóa, các địa phương sẽ nỗ lực triển khai những nội dung đã được chỉ đạo tại Hội nghị để tạo ra sức bật mạnh mẽ, nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 1441

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)