Chủ nhật, 05/12/2021 15:09 GMT+7

Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN: Cầu nối ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ KH&CN vào sản xuất

Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) có vai trò quan trọng trong hoạt động tiếp nhận, đánh giá, lựa chọn, cầu nối và ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất theo đặc thù của địa phương, phục vụ đời sống dân sinh. Thời gian qua, các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN đã chủ động dịch chuyển và tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp trong hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo được uy tín cho ngành KH&CN.

Phóng viên (PV) đã phỏng vấn ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ.



Ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ

 

PV: Xin ông đánh giá về hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ địa phương trong thời gian vừa qua?

- Ông Tạ Việt Dũng: Trong thời gian qua Bộ KH&CN đã chỉ đạo tăng cường hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ tại các địa phương thông qua hoạt động của các Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN (Trung tâm) thuộc Sở Khoa học và Công nghệ. Có thể thấy, Trung tâm có vai trò quan trọng trong hoạt động tiếp nhận, đánh giá, lựa chọn, cầu nối và ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất theo đặc thù của địa phương, phục vụ đời sống dân sinh, không vì mục tiêu lợi nhuận, là đầu mối cung cấp thông tin phục vụ cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình định hướng, xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển KH&CN. Giai đoạn 2016-2021, các Trung tâm đã chủ động dịch chuyển và tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp trong hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo được uy tín cho ngành KH&CN, một số kết quả nổi bật như:

Về làm chủ công nghệ, hệ thống Trung tâm đã làm chủ gần 400 công nghệ, tập trung ở một số lĩnh vực: Công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm, công nghệ thông tin, xử lý môi trường, bảo quản sản phẩm nông nghiệp, tiết kiệm năng lượng,...

Về dịch vụ tư vấn, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ triển khai công nghệ: Đã có hơn 14.000 hợp đồng tư vấn, chuyển giao công nghệ do các Trung tâm thực hiện (trung bình 2.800 hợp đồng/năm) với tổng giá trị hợp đồng tư vấn, chuyển giao công nghệ khoảng 320 tỷ đồng, tăng trưởng 10 - 12%/năm. Lĩnh vực tư vấn chủ yếu là nông nghiệp, công nghệ thông tin, xử lý môi trường, an toàn bức xạ, năng lượng, kiểm nghiệm.

Về triển khai nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ: các Trung tâm đã và đang thực hiện 1.030 nhiệm vụ KH&CN trong các lĩnh vực chủ yếu sau: Nông nghiệp, an toàn bức xạ, năng lượng, công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm, công nghệ thông tin, xử lý môi trường, vật liệu xây dựng, điều khiển tự động... đáp ứng yêu cầu ứng dụng, đổi mới công nghệ tại địa phương.

PV: Trước diễn biến của tình hình dịch COVID-19, các Trung tâm ứng dụng, chuyển giao công nghệ địa phương đã thích ứng ra sao trong việc triển khai các hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ? Ông có thể chia sẻ một số kết quả nổi bật?

- Năm 2020 và 2021, trước tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, thích ứng linh hoạt với những khó khăn đó các Trung tâm vẫn đảm bảo hoạt động thường xuyên. Đồng thời, các Trung tâm đã chủ động hỗ trợ phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại địa phương thông qua các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ. Những công nghệ, sản phẩm của Trung tâm đã đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại các địa phương. Điển hình như: Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh Nghệ An phối hợp với Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt Hàn đã đề xuất và triển khai nhiệm vụ “Nghiên cứu thiết kế lắp đặt buồng khử khuẩn di động phục vụ công tác tiệt trùng cho người, vật tại các công sở, bệnh viện, trường học, nhà ga,… trong phòng dịch bệnh Covid-19”. Kết quả đã thiết kế lắp đặt buồng khử khuẩn di động phục vụ công tác tiệt trùng cho người tại các công sở, bệnh viện, trường học, nhà ga nơi tập trung đông người; Nghiên cứu sản xuất dung dịch dung dịch sát khuẩn Anolyte. Trung tâm đã chuyển giao 03 buồng khử khuẩn (cho Bệnh viện đa khoa Nghệ An, Khu cách ly Khoa Quân sự - Đại học Vinh và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An) và cung cấp được hơn 10.000 lít dung dịch Anolyte cho công tác phòng trừ dịch bệnh COVID-19 tại tỉnh Nghệ An.

Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN thành phố Cần Thơ đã liên kết với Công ty TNHH Một thành viên Sinh hóa Phù Sa để thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu chế tạo hệ thống phát hiện nhanh để sàng lọc chủng virus corona mới (2019-nCoV)”. Đến nay Trung tâm và đối tác đã hoàn thiện Bộ sinh phẩm sinh học phân tử (50 test/bộ) và Hệ thống SPOT CHECK (50 test/bộ). Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị thực hiện đề tài liên quan đến xét nghiệm nhanh chủng virut Corona như đề tài “Chế tạo và thẩm định chứng dương nhân tạo và đoạn mồi chẩn đoán tác nhân gây viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virut corona” do Viện Pastuer thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, Trung tâm đối ứng cơ sở vật chất đăng ký tiêu chuẩn ISO 13485, đề tài đã nghiệm thu xếp loại xuất sắc. Phối hợp với trường Đại học Y dược Cần Thơ triển khai phòng thí nghiệm xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV2. Phòng xét nghiệm đã được Viện Pasteur cấp giấy chứng nhận đủ năng lực xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR. Đã thực hiện xét nghiệm hơn 15.000 mẫu (tương đương 150.000 người được lấy mẫu) tầm soát COVID-19.

Trung tâm Ứng dụng và Thống kê KH&CN tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Trường cao đẳng Công nghiệp và xây dựng Quảng Ninh nghiên cứu sản xuất máy phun khử khuẩn phòng chống Covid 19. Đến nay Trung tâm đã sản xuất được 100 máy phun khử khuẩn và tiến hành áp dụng khử khuẩn tại các bệnh viện, trường học, UBND huyện của tỉnh  Quảng Ninh.



Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Cần Thơ bàn giao buồng lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật Cần Thơ

 

PV: Theo ông, khó khăn hiện nay của các Trung tâm là gì? Đâu là vấn đề mấu chốt cần tập trung tháo gỡ tại các Trung tâm trong triển khai hoạt động ứng dụng, chuyển giao và thực hiện cơ chế tự chủ?

- Trong thời gian qua, từ những khó khăn và đề xuất, kiến nghị của các Trung tâm Ứng dụng tại các Hội nghị toàn quốc, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ đã tham mưu đề xuất các cơ chế chính sách trong Nghị định số 76/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ 2017 (thay thế cho Luật Chuyển giao công nghệ 2006), liên quan đến việc hỗ trợ NSNN đối với hoạt động liên kết giữa tổ chức KH&CN với Trung tâm trong việc hoàn thiện kết quả nghiên cứu theo đặc thù của địa phương, đồng thời, quy định Trung tâm là một trong các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN, tổ chức xây dựng, vận hành, khai thác điểm kết nối cung cầu công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình thử nghiệm, hoàn thiện, ứng dụng, đổi mới và chuyển giao công nghệ...). Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ cũng đã tham mưu, đề xuất với Lãnh đạo Bộ, xây dựng nội dung, kế hoạch làm việc với Lãnh đạo địa phương để cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho một số Trung tâm trong việc chuyển đổi thành công ty cổ phần; sáp nhập, giải thể; thực hiện cơ chế tự chủ, xây dựng nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng. Mạng lưới các Trung tâm từng bước khẳng định định vị trí, vai trò, hiệu quả hoạt động trong việc tiếp nhận, đánh giá, lựa chọn, cầu nối và ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất theo đặc thù của địa phương, phục vụ đời sống dân sinh, không vì mục tiêu lợi nhuận, là đầu mối cung cấp thông tin phục vụ cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình định hướng, xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển KH&CN.

Tuy nhiên, hoạt động của các Trung tâm ứng dụng vẫn còn gặp một số khó khăn cần tập trung tháo gỡ.

Thứ nhất, tiếp tục đào tạo, tập huấn nhân lực cho các Trung tâm ứng dụng để đảm bảo đủ nguồn lực tư vấn, hỗ trợ cho doanh nghiệp trong hoạt động đổi mới công nghệ và tiếp nhận chuyển giao công nghệ. Nguồn nhân lực của Trung tâm có đủ năng lực, kỹ năng về công nghệ và chuyển giao công nghệ của Trung tâm còn hạn chế, nhất là những lĩnh vực chuyên ngành, chuyên sâu. Do đó cần thiết kế chương trình, chuyên gia theo dạng chuyên ngành, chuyên sâu cho từng vùng, từng nhóm Trung tâm tương đồng, để nâng cao năng lực để tiếp thu và chuyển giao các tiến bộ KH&CN phục vụ cho sự phát triển KT-XH của địa phương.

Thứ hai, tiếp tục đầu tư nâng cao hạ tầng cho các Trung tâm đảm bảo các Trung tâm có đủ điều kiện để tư vấn, trình diễn các mô hình công nghệ mới, công nghệ tiên tiến cho doanh nghiệp.

Thứ ba, xây dựng cơ sở dữ liệu về công nghệ sẵn chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp và thường xuyên cung cấp thông tin và cập nhật các thông tin, dữ liệu, công nghệ mới... hỗ trợ các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tìm kiếm và lựa chọn công nghệ.

Thứ tư, việc chủ động tiếp cận doanh nghiệp để tư vấn, hỗ trợ trong ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới công nghệ còn hạn chế; chưa khai thác hiệu quả trang thông tin điện tử của Trung tâm để quảng bá, trao đổi về các công nghệ, sản phẩm của các trung tâm sẵn sàng chuyển giao và thương mại hóa.

Thứ năm, về vấn đề hợp tác, liên kết hình thành mạng lưới giữa các Trung tâm, liên kết phát triển theo chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng: Ở một số vùng các Trung tâm chưa xây dựng được kế hoạch hợp tác, liên kết hợp tác định kỳ giao lưu nhằm giới thiệu, khai thác thế mạnh lẫn nhau, hỗ trợ và liên kết nghiên cứu ứng dụng các thành quả nghiên cứu lẫn nhau.

PV: Xin ông chia sẻ định hướng hoạt động cho các Trung tâm để phát huy hiệu quả tự chủ, thúc đẩy chuyển giao công nghệ phục vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực ứng dụng và phát triển công nghệ?

- Trong thời gian tới, để phát huy hiệu quả tự chủ, thúc đẩy chuyển giao công nghệ phục vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực ứng dụng, phát triển công nghệ và đổi mới công nghệ, hệ thống Trung tâm cần tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tập trung tham mưu và triển khai hoạt động phục vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực ứng dụng, phát triển công nghệ, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo tại địa phương, đó là: Tham mưu xây dựng các chương trình, kế hoạch, dự án về ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo; Tổ chức theo dõi, đánh giá, tổng kết, báo cáo định kỳ về hoạt động ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN tại địa phương; Thực hiện hoạt động dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước; Triển khai đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của doanh nghiệp, đánh giá trình độ và năng lực công nghệ các ngành, lĩnh vực sản xuất tại địa phương theo hướng dẫn tại Thông tư 17/2019/TT-BKHCN; Hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến cơ chế, chính sách khuyến khích ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ trong phạm vi, chức năng nhiệm vụ được giao.

Hai là, đẩy mạnh việc tư vấn, hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp, hình thành mối liên kết với doanh nghiệp thông qua các hoạt động như: Xây dựng cơ sở dữ liệu về công nghệ và chuyên gia công nghệ, cung cấp thông tin công nghệ để hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng và đổi mới công nghệ; Tổ chức các hoạt động tư vấn cho doanh nghiệp triển khai ứng dụng, đổi mới công nghệ với sự tham gia của các chuyên gia chuyên ngành. Hình thành mối liên kết với các doanh nghiệp theo hướng: tìm kiếm, nắm bắt nhu cầu ứng dụng, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp để có thể hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, đồng thời có thể cung cấp nhu cầu này cho các viện trường nghiên cứu ứng dụng. Thông qua các hoạt động này vừa có thể khai thác hiệu quả các chương trình hỗ trợ, vừa có thể huy động nguồn xã hội hóa cho hoạt động ứng dụng và chuyển giao công nghệ, nhất là từ khối doanh nghiệp.

Ba là, tăng cường hoạt động và hình thành liên kết mạng lưới giữa các Trung tâm với các viện trường để khai thác thế mạnh, hỗ trợ và liên kết nghiên cứu ứng dụng các thành quả nghiên cứu. Tạo các sân chơi của khu vực, vùng để nhân rộng các kết quả nghiên cứu, khảo nghiệm các công nghệ đã có trên thị trường phù hợp với điều kiện của địa phương, tập trung vào việc chuyển giao, ứng dụng công nghệ thay vì đầu tư nguồn vốn KH&CN để nghiên cứu lại, dễ bị trùng lắp, không hiệu quả; đồng thời mỗi Trung tâm cần nghiên cứu sở hữu một công nghệ, sản phẩm công nghệ chuyên biệt để có thể tạo ra sản phẩm đặc thù, có thế mạnh, thương hiệu riêng cho mình, tạo nguồn thu ổn định lâu dài cho Trung tâm.

Bốn là, ứng dụng và khai thác hiệu quả trang thông tin điện tử của mạng lưới các Trung tâm để quảng bá, giới thiệu các công nghệ, sản phẩm của trung tâm sẵn sàng chuyển giao, nhất là quan tâm đầu tư ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin để phát triển các kênh giao dịch thương mại điện tử đối với các sản phẩm công nghệ của trung tâm, thích ứng linh hoạt với điều kiện dịch bệnh Covid19 đang diễn biến phức tạp trong thời gian qua và phù hợp với xu thế thương mại điện tử trên toàn cầu.

Năm là, thường xuyên tổ chức các hoạt động trao đổi kinh nghiệm, khảo sát thực tế; tổ chức hội thảo, hội nghị phổ biến, hướng dẫn về các văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động ứng dụng, đổi mới và chuyển giao công nghệ, đồng thời giới thiệu mô hình ứng dụng, chuyển giao công nghệ thành công để các Trung tâm chia sẻ, học tập kinh nghiệm lẫn nhau, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Liên kết với các viện trường và các chuyên gia độc lập để cùng hợp tác nghiên cứu gắn với hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực KH&CN của trung tâm.



Mô hình công nghệ ứng dụng năng lượng mặt trời kết hợp hệ thống ổn nhiệt và đảo tự động nâng cao hiệu quả nghề chế biến nước mắm do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Hà Tĩnh nghiên cứu và hoàn thiện

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN - Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ

Lượt xem: 2484

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)