Thứ sáu, 17/12/2021 10:29 GMT+7

Hội nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ 14: Cơ hội chuẩn bị về năng lực và nhân lực cho Dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân

Diễn ra trong hai ngày 9 và 10/12/2021 tại thành phố Đà Lạt, Hội nghị Khoa học và Công nghệ (KH&CN) hạt nhân toàn quốc lần thứ 14 (VINANST-14) do Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNTVN) phối hợp cùng Sở KH&CN Lâm Đồng tổ chức đã thực sự trở thành một diễn đàn học thuật trong lĩnh vực KH&CN hạt nhân không chỉ trong nước, mà còn tiệm cận một hội nghị quốc tế, hướng đến là nơi giao lưu của các nhà khoa học trong nước và nước ngoài.

Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến song vẫn nhận được sự quan tâm của đông đảo các nhà quản lý và chuyên gia: Thứ trưởng Bộ KH&CN TS. Phạm Công Tạc; ông H.E. Sadykov T. Sirozhevich, Tổng Lãnh sự Liên bang Nga tại TP. Hồ Chí Minh; TS. Rafael Mariano Grossi, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA); ông Anthony Wier, Đại diện Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ; TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNTVN); PGS. TS. Nguyễn Tuấn Khải, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân; PGS.TS. Nguyễn Nhị Điền, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng KH&CN và Đào tạo Viện NLNTVN; TS. Trần Bích Ngọc, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Năng lượng nguyên tử… Cùng với hơn 40 tổ chức trong và ngoài nước và hơn 300 đại biểu tham gia trực tuyến và trực tiếp là các cán bộ nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng năng lượng nguyên tử thuộc các tổ chức khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, các cán bộ quản lý thuộc các bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan trong cả nước, nghiên cứu sinh và sinh viên các trường đại học.
 

Toàn cảnh Hội nghị trực tiếp và trực tuyến

Qua việc tiến hành phản biện một cách nghiêm túc của các Hội đồng khoa học, Hội nghị đã chọn được 181 báo cáo, trong đó có 111 báo cáo được trình bày (Oral presentation) tại các Tiểu ban chuyên môn và 70 báo cáo dán bảng (Posters) ở các nội dung: Lò phản ứng, điện hạt nhân và đào tạo nguồn nhân lực; Vật lý hạt nhân, số liệu hạt nhân, máy gia tốc và phân tích hạt nhân; Ghi đo bức xạ, an toàn bức xạ và quan trắc môi trường; Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong y tế, công nghiệp và các lĩnh vực khác; Hóa phóng xạ, hóa bức xạ và hóa học hạt nhân, chu trình nhiên liệu, công nghệ nhiên liệu hạt nhân, quản lý chất thải phóng xạ.

Đẩy mạnh ứng dụng KH&CN hạt nhân

Trong các bài phát biểu của mình tại phiên Toàn thể, Thứ trưởng Phạm Công Tạc và Tổng Giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi đều nhấn mạnh đến vai trò của các kỹ thuật hạt nhân trong việc giải quyết những vấn đề cấp bách như xét nghiệm PCR phát hiện các trường hợp nhiễm COVID, khử khuẩn thiết bị y tế… cũng như những vấn đề lâu dài như phục vụ sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực, tích hợp những kỹ thuật để giảm thiểu vi nhựa đại dương… Hiện nay, Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới đang đối diện với những thách thức lớn về vấn đề năng lượng, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh. Ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình sẽ giúp Việt Nam cũng như các nước trên thế giới phát triển kinh tế xã hội, chống chọi với những thách thức lớn hiện nay.
 

Thứ trưởng Phạm Công Tạc phát biểu tại Hội nghị
 

TS. Rafael Mariano Grossi, Tổng Giám đốc IAEA phát biểu tại Hội nghị

Đây cũng là những nội dung quan trọng được thảo luận ở các tiểu ban kỹ thuật trong hai ngày diễn ra hội thảo: Lò phản ứng, điện hạt nhân và đào tạo nguồn nhân lực; Vật lý hạt nhân, số liệu hạt nhân, máy gia tốc và phân tích hạt nhân; Ghi đo bức xạ, an toàn bức xạ và quan trắc môi trường; Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong y tế, công nghiệp và các lĩnh vực khác; Hóa phóng xạ, hóa bức xạ và hóa học hạt nhân, chu trình nhiên liệu, công nghệ nhiên liệu hạt nhân, quản lý chất thải phóng xạ…

Phần lớn các báo cáo oral và dán bảng đều hướng theo mục tiêu làm sâu sắc thêm các hiểu biết trong những hướng nghiên cứu quan trọng và tiên tiến của thế giới, qua đó nâng cao năng lực đội ngũ nghiên cứu cũng như mở ra những khả năng ứng dụng trong đời sống kinh tế xã hội: xử lý bức xạ cho các ứng dụng hóa học và vật liệu; công nghệ bức xạ trong sinh học và nông nghiệp; sinh học phóng xạ và những ứng dụng của nó; bức xạ hạt nhân và kỹ thuật hạt nhân trong nông nghiệp (tiểu ban D3-D4 Ứng dụng kỹ thuật phóng xạ và các kỹ thuật hạt nhân trong nông nghiệp); Y học hạt nhân; xạ trị; sản xuất dược chất phóng xạ; kỹ thuật và vai trò của ứng dụng vật lý y học và sinh học phóng xạ trong thực hành lâm sàng của YHHN, xạ trị Ung thư (tiểu ban D1 Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong Y tế); Lò phản ứng quy mô nhỏ; nhà máy điện hạt nhân; lò phản ứng nghiên cứu (tiểu ban A Lò phản ứng, điện hạt nhân và đào tạo nguồn nhân lực); Vật lý lý thuyết; vật lý thực nghiệm; phân tích hạt nhân; máy gia tốc (tiểu ban B Vật lý hạt nhân, số liệu hạt nhân, máy gia tốc và phân tích hạt nhân); Công nghệ trí tuệ nhân tạo mới để xác định các đồng vị phóng xạ; sử dụng ARGOS và Delft-3D mô phỏng phát tán phóng xạ trong không khí và nước biển (tiểu ban C Ghi đo bức xạ, an toàn bức xạ và quan trắc môi trường); Ứng dụng của kỹ thuật NDT trong các ngành công nghiệp, nghiên cứu phương pháp tái tạo hình ảnh chụp cắt lớp phát xạ động vật nhỏ sử dụng chuẩn trực dạng pinhole, hoàn thiện nghiên cứu cơ sở dữ liệu các đồng vị nước (tiểu ban D2 Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp và các lĩnh vực khác); Chu trình nhiên liệu hạt nhân, hóa phóng xạ, hóa bức xạ, hóa học hạt nhân, công nghệ nhiên liệu hạt nhân, quản lý chất thải phóng xạ (tiểu ban E Hóa phóng xạ, hóa bức xạ, hóa học hạt nhân, công nghệ nhiên liệu hạt nhân, quản lý chất thải phóng xạ).

Nâng cao năng lực để chuẩn bị cho dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân quốc gia (CNST)

 Những ứng dụng của kỹ thuật hạt nhân vào các lĩnh vực của đời sống xã hội cần được thúc đẩy bằng các tiến bộ trong nghiên cứu cơ bản cũng như những hướng nghiên cứu hiện đại hơn và được thực hiện trên các công cụ mới. Dự án CNST hứa hẹn sẽ đáp ứng những mục tiêu đó. Do vậy, một trong những mục tiêu quan trọng của Hội nghị năm nay là chuẩn bị về năng lực chuyên môn và đội ngũ các nhà khoa học, sẵn sàng cho Dự án CNST. Do đó, tại Lễ khai mạc, PGS.TS. Nguyễn Nhị Điền đã trình bày về tình hình thực hiện dự án Trung tâm và đề xuất các hướng nghiên cứu và ứng dụng chính của lò phản ứng nghiên cứu mới cũng như TS. Phạm Ngọc Sơn, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, trình bày về ứng dụng chùm nơtron của lò phản ứng nghiên cứu và một số kết quả tại lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Trong lĩnh vực nghiên cứu về vật lý hạt nhân, TS. Võ Văn Thuận, Đại học Duy Tân trao đổi vấn đề: Bằng chứng thực nghiệm về hiện thực vật lý của photon đơn năng trong giao thoa hai khe bất đối xứng.

Để có được những bước tiến bộ mới, các nhà nghiên cứu Việt Nam cần mở rộng hợp tác quốc tế. Các cơ hội đó đã được hé mở ngay tại hội nghị thông qua các tham luận và báo cáo của các diễn giả khách mời: TS. Grigory V. Trubnikov, Chủ tịch Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Dubna (JINR) trình bày chương trình hợp tác về nghiên cứu hạt nhân giữa Việt Nam và JINR: Hiện tại và tương lai; Giáo sư Hiroyoshi Sakurai, Giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu Hóa Lý – RIKEN, Nhật Bản trình bày về thành tựu và những hoạt động nghiên cứu trong vật lý và kỹ thuật hạt nhân tại RIKEN; GS. Đinh Trúc Nam, Trường Đại học Bang Bắc Carolina, Hoa Kỳ, trình bày về những ứng dụng của phương pháp định hướng dữ liệu và trí tuệ nhân tạo trong kỹ thuật lò phản ứng hạt nhân; GS. Masaki Saito đến từ TITECH, Nhật Bản thảo luận về vấn đề: Liệu năng lượng hạt nhân có phải là sự lựa chọn tốt cho Việt Nam?

Cũng tại Hội nghị này, Viện trưởng Trần Chí Thành cũng đã có bài trình bày về hiện trạng nghiên cứu và phát triển của Viện NLNTVN trong 5 năm vừa qua, trong đó nhấn mạnh một trong những chủ đề quan trọng hiện nay, đặc biệt trong những tháng gần đây, đó chính là vài trò của năng lượng nguyên tử trong biến đổi khí hậu. Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 được tổ chức tại Anh tháng 11/2021, cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của vấn đề biến đổi khí hậu, song song với đó là việc chuyển đổi nguồn năng lượng. Việt Nam cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa và đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Tại Việt Nam, thủy điện gần như đã khai thác hết, các nhà máy điện than và khí nên giảm bớt, năng lượng tái tạo có triển vọng, tuy nhiên không đáng tin cậy do chiếm diện tích đất lớn và nhiều trở ngại khác. Năng lượng hạt nhân trở nên đáng tin cậy với việc hầu như không phát thải CO2. Việt Nam đã hủy chương trình điện hạt nhân 5 năm trước, nhưng giờ đây xu thế của rất nhiều nước trên thế giới bắt đầu quay lại với điện hạt nhân, đang là ưu tiên lựa chọn của các nước trên thế giới như: Pháp, Trung Quốc, Nga, Mỹ, Ấn Độ, Anh, các nước Đông Âu… Dự kiến trong 10 năm tới sẽ có hơn 10 nước đưa vào điện hạt nhân. Đây là một bài toán và là một câu hỏi lớn cho Việt Nam trong việc xem xét rằng Việt Nam có quay trở lại với điện hạt nhân hay không?
 

TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam tổng kết Hội nghị

Tại Lễ tổng kết và bế mạc Hội nghị, Viện trưởng Trần Chí Thành gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các nhà khoa học, cơ quan, tổ chức có liên quan ở trong nước và quốc tế, các đại biểu tham dự Hội nghị, đồng thời thông tin mới về Dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân: Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga (từ ngày 30/11 đến 02/12/2021) của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Việt Nam đã trao Hồ sơ yêu cầu lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án xây dựng Trung tâm cho đại diện Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Liên bang Nga ROSATOM – Phó Tổng Giám đốc N.N Spassky. Đây là dự án nhận được sự quan tâm sâu sắc của Lãnh đạo cấp cao hai nước, được triển khai trên cơ sở Hiệp định ký kết giữa hai Chính phủ và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. Nhiệm vụ đặt ra từ nay đến tháng 3/2022 là ký Hợp đồng FS và triển khai thực hiện Dự án CNST với lò hạt nhân nghiên cứu mới. Bước tiếp theo, Viện NLNTVN sẽ mời các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực hạt nhân và lĩnh vực khác để triển khai thực hiện; sẽ hình thành các nhóm nghiên cứu song hành cùng Dự án. Đây thực sự là bước tiến quan trọng sau 10 năm trải qua rất nhiều khó khăn để thực hiện mới có được kết quả như vậy.

Nhấn mạnh ý nghĩa về mặt khoa học sau hai năm diễn ra Hội nghị KH&CN hạt nhân toàn quốc lần thứ 14, Viện trưởng Trần Chí Thành cho biết đã có những tiến bộ vượt bậc trong một số lĩnh vực nghiên cứu như: Lò phản ứng; Y học hạt nhân (đặc biệt là sản xuất ra những dược chất mới); Mô phỏng phát tán phóng xạ; Đất hiếm. Thành công của Hội nghị đã mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới trong lĩnh vực KH&CN hạt nhân ở tất cả các nội dung: Lò phản ứng, điện hạt nhân và đào tạo nguồn nhân lực; Vật lý hạt nhân, số liệu hạt nhân, máy gia tốc và phân tích hạt nhân; Ghi đo bức xạ, an toàn bức xạ và quan trắc môi trường; Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong y tế; Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp, nông nghiệp, ứng dụng công nghệ bức xạ; Hóa phóng xạ, hóa bức xạ và hóa học hạt nhân, quản lý chất thải phóng xạ.

Trong bối cảnh hiện nay với nhiều thách thức mới, Viện trưởng Trần Chí Thành bày tỏ tin tưởng và kỳ vọng, thời gian tới sẽ có nhiều hướng nghiên cứu mới và kết quả tốt hơn nữa trong lĩnh vực KH&CN hạt nhân được báo cáo tại Hội nghị KH&CN hạt nhân toàn quốc lần thứ 15 sẽ được tổ chức vào năm 2023.

Qua thẩm định và phản biện nghiêm túc của Hội đồng khoa học cùng sự đề cử của các tiểu ban chuyên môn, Hội nghị đã trao 21 giải thưởng cho các nhà khoa học có báo cáo nghiên cứu xuất sắc. Cụ thể:

 8 giải thưởng cho các nhà khoa học có báo cáo xuất sắc:

 – Nghiên cứu ảnh hưởng độ bất định của thư viện ENDF/B-VII.1 tới kết quả tính toán của lò ADS sử dụng nhiên liệu CERMET bằng chương trình tính toán sử dụng phương pháp Monte Carlo, Vũ Thanh Mai – Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội;

 – Nghiên cứu sự đảo ngược spin của trạng thái cơ bản trong đồng vị giàu neutron 49Cl, Bùi Duy Linh – Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân;

– Thuật toán nhận diện đồng vị phóng xạ trên detector nhấp nháy PVT dựa trên nền tảng mạng thần kinh nhân tạo, Cao Văn Hiệp – Viện Hóa học môi trường Quân sự;

– Kết quả bước đầu hóa xạ trị tiền phẫu ung thư thực quản 1/3 giữa – dưới giai đoạn II – III, Nguyễn Thị Hà – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108;

 – Nghiên cứu điều chế hạt vi cầu thủy tinh Y-90 tại lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, Nguyễn Thanh Nhàn – Viện Nghiên cứu hạt nhân;

 – Nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thiết bị chụp ảnh cắt lớp cấu tạo cấu hình chùm tia hình nón ứng dụng trong công nghiệp, Bùi Ngọc Hà – Trường Đại học Bách khoa Hà Nội;

 – Nghiên cứu ảnh hưởng của suất liều, liều hấp thụ và nồng độ H2O2 đến khối lượng phân tử alginate cắt mạch bằng xử lý chiếu xạ tia gamma Co-60, Nguyễn Văn Bính – Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội;

 – Nghiên cứu công nghệ điều chế dysprozi kim loại từ oxit bằng phương pháp khử nhiệt kim, Nguyễn Trọng Hùng -Viện Công nghệ xạ hiếm.
 

Trao Giải thưởng cho các nhà khoa học có báo cáo xuất sắc
 

8 giải thưởng được trao cho các nhà khoa học trẻ có báo cáo ấn tượng:

 – So sánh hiệu năng dự đoán hệ số pha hơi dòng chảy sôi dưới bão hòa trong kênh dẫn đứng của mô hình dựa trên mạng nơ-ron nhân tạo và các công thức tương quan thực nghiệm, Nguyễn Ngọc Đạt – Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội;

 – Đối xứng trao đổi lõi và hiệu ứng khúc xạ trong tán xạ hạt nhân – hạt nhân, Nguyễn Tri Toàn Phúc – Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.Hồ Chí Minh;

 – Tổng quan bố trí thí nghiệm trong nghiên cứu cấu trúc hạt nhân 7H thông qua phản ứng trao đổi 2H(8He,3He)7H tại Dubna, Mai Quỳnh Anh – Viện Nghiên cứu hạt nhân;

 – Phát triển cảm biến gamma nhỏ gọn sử dụng quang trở CDS, Lê Viết Huy – Trường Đại học Osaka, Nhật Bản;

– Mô phỏng hệ thống xạ phẫu Leksell Gamma Knife để tính toán phân bố liều trong PHANTOM nước sử dụng chương trình PHITS, Bùi Tiến Hưng – Trường Đại học Bách khoa Hà Nội;

 – Nghiên cứu về cơ chế lão hóa do bức xạ ở bê tông kết cấu trong các cơ sở hạt nhân bằng cách sử dụng bức xạ ion trên các vật liệu mô hình, Lưu Vũ Nhựt – Trung tâm Đánh giá không phá hủy;

 – Ảnh hưởng của bức xạ chùm tia điện tử đến độ đồng đều liều và chất lượng xoài cát Hòa Lộc, Nguyễn Thị Lý – Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai công nghệ bức xạ;

  – Tính toán, thiết kế và chế tạo hệ thống khuấy lắng dạng hộp sử dụng trong quá trình chiết dung môi phân chia đất hiếm ở quy mô phòng thí nghiệm, Nguyễn Văn Tùng – Viện Công nghệ xạ hiếm.
 

Trao Giải thưởng cho các nhà khoa học trẻ có báo cáo ấn tượng
 

Có 5 Giải thưởng dành cho các nhà khoa học có báo cáo Posters tốt nhất: “Tính toán hoạt độ phóng xạ tích lũy trong vành phản xạ graphite của lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt” (Trần Quốc Dưỡng, Bùi Phương Nam – Viện Nghiên cứu hạt nhân); “Đánh giá liều hiệu dụng chiếu ngoài gây bởi phóng xạ có trong vật liệu xây dựng sử dụng Resrad-build và phương pháp bán thực nghiệm (Nguyễn Thị Thanh Nga – Viện Nghiên cứu hạt nhân); “Phép đo bề dày của tấm vật liệu sử dụng kỹ thuật truyền qua của các tia X năng lượng thấp” (Huỳnh Đình Chương – Đại học Khoa học Tự nhiên Tp.Hồ Chí Minh); “Nghiên cứu phân tích vi lượng đất hiếm trong chế phẩm thức ăn chăn nuôi bằng phương pháp ICP-MS” (Nguyễn Thị Kim Dung, Đỗ Tâm Nhân – Trung tâm Đào tạo hạt nhân); “Năng lượng ngưỡng của hợp kim 3 thành phần V-Cr-Ti” (Hoàng Sỹ Minh Phương – Viện Nghiên cứu hạt nhân).
 

Trao Giải thưởng dành cho các nhà khoa học có báo cáo Poster tốt nhất
 

Hội nghị KH&CN hạt nhân toàn quốc (VINANST) được tổ chức hai năm một lần, là sự kiện khoa học quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình./.

Nguồn: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam

Lượt xem: 1610

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)