Tham dự hội nghị có các đồng chí: Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang; các đồng chí Thứ trưởng Bộ KH&CN: Trần Văn Tùng, Phạm Công Tạc, Bùi Thế Duy và đại diện các cơ quan trực thuộc Bộ KH&CN, Giám đốc Sở KH&CN các tỉnh, thành phố.
Toàn cảnh Hội nghị Giám đốc Sở KH&CN toàn quốc năm 2022
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết: Năm 2022 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng, năm thứ hai thực hiện Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025, là năm tăng tốc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.
Ngày 08/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022. Trong các Nghị quyết này, nội hàm về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) được đề cập nhiều. “Có thể nói Chính phủ đã coi KH,CN&ĐMST là giải pháp đột phá để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa. Đồng thời ở cả trong 2 Nghị quyết đó, Chính phủ cũng đã giao cho Bộ KH&CN nói riêng và ngành KH&CN nói chung rất nhiều nhiệm vụ phải tập trung triển khai thực hiện”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu khai mạc tại Hội nghị
Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, hội nghị là dịp để toàn ngành tăng cường kết nối, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp hoạt động giữa các đơn vị trong Bộ với các Sở KH&CN, giữa các địa phương với nhau để cùng hướng tới mục tiêu chung là triển khai thực hiện nhiệm vụ đạt kết quả cao, KH&CN đóng góp nhiều hơn nữa cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thứ trưởng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá kết quả hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo thời gian qua, đồng thời nhìn nhận những khó khăn, vướng mắc, chia sẻ bài học kinh nghiệm cũng như đề xuất các giải pháp trong thời gian tới.
Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2021 là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, song nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ, sự chủ động của các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp KH,CN&ĐMST, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng.
Cụ thể về hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN phục vụ phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương, Bộ KH&CN đã xem xét hỗ trợ 311 nhiệm vụ thuộc các Chương trình KH&CN cấp quốc gia. Các nhiệm vụ KH&CN đã giúp cho các địa phương giải quyết những vấn đề lớn, cũng như những thách thức đang đặt ra từ thực tiễn của sản xuất như: Tập trung phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương, Vùng và Quốc gia theo hướng nâng cao giá trị gia tăng của chuỗi giá trị sản phẩm và tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao trình độ công nghệ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; ứng dụng công nghệ trong phòng chống thiên tai: lũ lụt, sạt lở, hạn hán, xâm nhập mặn và dịch bệnh,..
Về lĩnh vực khoa học nông nghiệp, xuất khẩu nông sản của Việt Nam ước đạt 47 tỷ USD. Năm 2021. Theo báo cáo địa phương năm 2021, sản lượng vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang tiêu thụ và xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Đức… cao nhất từ trước đến nay. Đã sản xuất Na Chi Lăng, Hữu Lũng tại Lạng Sơn với diện tích trên 3.500ha, trong đó hơn 400ha Na được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; tổng giá trị sản xuất ước đạt 1.200 tỷ đồng.
KH&CN đã tập trung vào một số lĩnh vực mũi nhọn, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có giá trị kinh tế lớn như: khảo nghiệm các giống cây; phục tráng và chuyển giao thành công quy trình kỹ thuật canh tác và giống lúa Khẩu Hốc siêu nguyên chủng; chọn tạo được bộ giống lúa chất lượng cao phục vụ gieo trồng; làm chủ công nghệ sản xuất giống tôm chất lượng cao có khả năng kháng 5 loại bệnh nguy hiểm; làm chủ được công nghệ nuôi cá tra tạo ra năng suất trung bình khoảng 300 tấn cá tra/ha…
Về lĩnh vực khoa học y - dược, được quan tâm đầu tư tập trung nghiên cứu dược liệu, phát triển y học cổ truyền, đề xuất chuyển giao ứng dụng kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị bệnh y tế cộng đồng…
Về hoạt động KH&CN phục vụ phòng chống dịch COVID-19, KH&CN đã thể hiện rõ vai trò trong phòng chống dịch như: Xây dựng, triển khai Bản đồ số tổng hợp số liệu về dịch COIVD-19; chuyển giao ứng dụng công nghệ GIS để quản lý dịch bệnh Covid-19; ứng dụng công nghệ sản xuất dung dịch sát khuẩn hoạt hóa điện hóa Anolyte dùng để xịt, súc miệng, họng và sản xuất dung dịch nước rửa tay khô dùng để làm sạch tay, sát khuẩn nhanh hỗ trợ cho các khu cách ly tập trung, các chốt kiểm dịch và các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động KH,CN&ĐMST tại các địa phương vẫn tồn tại những hạn chế như: nguồn kinh phí chi cho KH&CN còn thiếu, chưa có cơ chế đột phá khơi thông và huy động các nguồn lực đầu tư cho KH,CN&ĐMST; nguồn nhân lực địa phương chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KH&CN tuy đã tập trung hơn vào việc phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm lợi thế của địa phương theo chuỗi giá trị, song việc tổ chức triển khai vẫn còn dàn trải, manh mún, chưa tạo được các đột phá lớn…
Báo cáo cũng chỉ rõ, nhằm đẩy mạnh hoạt động KH,CN&ĐMST tại địa phương, năm 2022 Bộ KH&CN và các Sở KH&CN địa phương sẽ đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách; triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST giai đoạn 2021-2030, Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030; Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030; Các chương trình KH&CN quốc gia giai đoạn 2021-2030; chương trình, đề án KH&CN trọng tâm phục vụ các chương trình phát triển KT-XH mà Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh/thành phố đã đề ra giai đoạn 2020 – 2025. Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa Bộ KH&CN và các địa phương trong việc triển khai nghiên cứu, phát triển đồng bộ chuỗi giá trị đối với sản phẩm chủ lực, sản phẩm có tiềm năng có tính liên vùng phục vụ phát triển kinh tế- xã hội.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã trình bày tham luận về: Triển khai xây dựng bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương; Hướng dẫn xây dựng kế hoạch KH,CN&ĐMST năm 2023; Triển khai Chiến lược Sở hữu trí tuệ quốc gia giai đoạn 2021 – 2030 và những nội dung chính sửa đổi Luật SHTT sẽ báo cáo thông qua vào Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa 14; Thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu KH,CN&ĐMST tại các địa phương hướng tới chuyển đổi số; Hoạt động KH,CN&ĐMST thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn một số tỉnh,… Đồng thời trao đổi, thảo luận về các giải pháp để triển khai hiệu quả hoạt động KH,CN&ĐMST trong kế hoạch năm 2022 và định hướng cho những năm tiếp theo.
Bộ trưởng Bộ KH&CN phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương sự cố gắng, nỗ lực và các kết quả mà toàn ngành đã đạt được trong năm 2021 nhiều khó khăn vừa qua. Bộ trưởng đề nghị các đồng chí Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, chủ động nghiên cứu, tiếp tục trao đổi, hướng dẫn địa phương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, lắng nghe ý kiến của địa phương, tham mưu đề xuất cho Lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ.
Bộ trưởng nhấn mạnh, năm nay, ngành KH&CN sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật SHTT sửa đổi và dự kiến từ nay đến cuối nhiệm kỳ sẽ trình thông qua 4 Luật (Luật KH&CN, Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Năng lượng nguyên tử). Do đó, lãnh đạo các Sở KH&CN quan tâm tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố tổ chức tổng kết, đánh giá tình hình triển khai các Luật, đồng thời đề xuất, kiến nghị các quy định cần đưa vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung. Đồng thời, Chiến phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030 đang được Chính phủ xem xét sớm ban hành nên các địa phương quan tâm thực hiện ngay trong năm 2022 bằng các kế hoạch, đề án cụ thể, phù hợp với đặc điểm từng địa phương.
Bộ trưởng cũng đề nghị Vụ Phát triển KH&CN địa phương thường xuyên cập nhật tình hình thực hiện các chương trình KH&CN cấp quốc gia cho giai đoạn 5 năm tới để các tỉnh, thành phố nắm bắt, cùng tham gia phổ biến đến các nhà khoa học, các tổ chức KH&CN; tổ chức đề xuất các nhiệm vụ phục vụ phát triển KT-XH địa phương.
Đặc biệt, tháng 4/2022, Bộ KH&CN sẽ báo cáo Bộ Chính trị Đề án phát triển công nghệ sinh học cho giai đoạn tới và dự kiến Trung ương sẽ ban hành một Nghị quyết riêng về nội dung này. Đây là chủ trương lớn trong lĩnh vực KH&CN nên các địa phương cần chủ động tham mưu với Thành ủy, Tỉnh ủy tổ chức triển khai ngay sau khi Nghị quyết được ban hành.
Đối với chỉ số đổi mới sáng tạo cấp tỉnh, dự kiến sẽ thí điểm tại một số địa phương đại diện cho 7 vùng kinh tế để rút kinh nghiệm triển khai rộng trong toàn quốc. Đây sẽ là căn cứ quan trọng để các địa phương nhìn nhận rõ điểm mạnh, điểm yếu về KH,CN&ĐMST, từ đó đưa ra các giải pháp khắc phục phù hợp, hiệu quả.
Bộ trưởng lưu ý, năm 2022 được Đại Hội đồng Liên Hợp quốc chọn là Năm quốc tế khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững và cũng là năm đầu tiên Thủ tướng Chính phủ giao Bộ KH&CN tổ chức hưởng ứng Ngày Đổi mới sáng tạo thế giới (21/4). Do đó các Sở KH&CN cần quan tâm đến hai sự kiện này, chủ trì tổ chức các hoạt động tại địa phương, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm.
Bộ trưởng Bộ KH&CN và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang tặng hoa chúc mừng một số đồng chí mới được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở KH&CN
Một số đại biểu trình bày tham luận tại Hội nghị