Tham dự Hội nghị có đại diện từ 07 quốc gia thành viên (Cambodia, Lào, Malaysia, Myanma, Philippin, Thái Lan và Việt Nam) và Ban Thư ký ASEAN. Đoàn Việt Nam bao gồm đại diện đến từ Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ), Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) và Hiệp hội Cao su Việt Nam. Hội nghị của Nhóm công tác sản phẩm cao su (RBPWG) lần thứ 33 do Bà Trần Thị Thanh Xuân, Trưởng phòng Tiêu chuẩn Chất lượng về Hóa chất và sản phẩm công nghiệp hóa chất, dầu khí, khoáng sản, xây dựng, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, điều hành với vai trò là Chủ tịch. Phó Chủ tịch là ông Khem Vireak, Phó tổng giám đốc Viện Tiêu chuẩn Cambodia.
Hội nghị đã nghe báo cáo kết quả Cuộc họp lần thứ 24 của Nhóm đặc trách sản phẩm cao su (TFRBP) và Cuộc họp lần thứ 4 của Ủy ban Phòng thử nghiệm cao su ASEAN (ARTLC) cũng như báo cáo của Malaysia, Thái Lan và Việt Nam về việc tham gia với tư cách là trưởng các dự án xây dựng tiêu chuẩn quốc tế ISO trong lĩnh vực cao su theo các chương trình làm việc của Ban Kỹ thuật về cao su của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế – ISO/TC 45.
Hội nghị tập trung chủ yếu vào nội dung hài hòa tiêu chuẩn ASEAN trong lĩnh vực cao su. Việc hài hoà tiêu chuẩn giúp loại bỏ các rào cản kỹ thuật đối với thương mại đặc biệt khi những rào cản này nảy sinh là do những khác biệt trong các tiêu chuẩn được viện dẫn trong quy chuẩn kỹ thuật và các tiêu chuẩn sử dụng trong các thủ tục đánh giá sự phù hợp bắt buộc. Việc hài hòa dựa trên các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế. ASEAN đã quyết định không thiết lập thêm một cấp tiêu chuẩn hóa giữa cấp tiêu chuẩn quốc gia và cấp tiêu chuẩn quốc tế và không ban hành tiêu chuẩn khu vực của ASEAN mà thay vào đó là dựa trên nền tảng tiêu chuẩn hóa quốc tế hiện hành.
Tiêu chuẩn được lựa chọn để hài hòa bao gồm: tiêu chuẩn được viện dẫn trong quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn hỗ trợ cho các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau của ASEAN, các quy chế quản lý được hài hòa và các sáng kiến hoặc công cụ khác cho phép loại bỏ các rào cản thương mại mang tính kỹ thuật hoặc liên quan đến việc hình thành, duy trì thị trường và cơ sở sản xuất chung của ASEAN; tiêu chuẩn đối với các sản phẩm không thuộc quản lý nhà nước do ngành công nghiệp và các bên liên quan khác trong ASEAN sử dụng. Các tiêu chuẩn này có thể được hài hòa khi đáp ứng được mục đích của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) về lưu thông hàng hóa tự do và thiết lập một cơ sở sản xuất chung trong ASEAN.
Dựa trên các căn cứ tại Hướng dẫn Hài hòa tiêu chuẩn ASEAN như: Tác động dự báo liên quan đến việc giảm bớt rào cản thương mại và tăng cường thương mại nội khối ASEANGiá trị thương mại hàng hóa hiện tại trong nội khối ASEAN liên quan đến tiêu chuẩn; Mối quan tâm của các nước thành viên và các bên liên quan đối với việc xây dựng một tiêu chuẩn hài hòa; Tính khả thi của việc hài hòa dựa trên các yếu tố như: sự sẵn có tiêu chuẩn quốc tế, có ít sự khác biệt giữa các tiêu chuẩn của các nước thành viên hoặc các yếu tố khác. Nhóm công tác sản phẩm cao su ASEAN (RBPWG) đã xác định được lĩnh vực ưu tiên để hài hòa tiêu chuẩn. Trên cơ sở đó, RBPWG đã triển khai hài hòa được 72 tiêu chuẩn ISO về cao su và sản phẩm cao su. Ngoài 04 tiêu chuẩn đã được xác định hài hòa tại Hội nghị lần thứ 30 trước đó thì tại Hội nghị này RBPWG tiếp tục xem xét 07 tiêu chuẩn quốc tế ISO cao su và sản phẩm cao su vừa được ISO ban hành năm 2020, 2021 để đưa vào hài hòa ASEAN, 06 Tiêu chuẩn được xác định dựa trên Danh mục sản phẩm hàng hóa thiết yếu – Khuôn khổ phục hồi toàn diện ASEAN [ASEAN Comprehensive Recovery Framework (ACRF)]; cập nhật các tiêu chuẩn để hài hòa đối với các sản phẩm cao su mới như cao su đàn hồi giảm địa chấn sử dụng trong các công trình tòa nhà và công trình cầu; Thảo luận hài hòa 23 tiêu chuẩn đối với các sản phẩm cao su ô tô Non-UNECE và xây dựng tiêu chuẩn cao su tờ sấy khô trong không khí do Philippin thực hiện. Hội nghị cũng cập nhật, đề xuất hủy bỏ một số tiêu chuẩn đã hài hòa do các tiêu chuẩn này có phiên bản mới.
Việc áp dụng các tiêu chuẩn hài hòa ASEAN giúp doanh nghiệp của các nước thành viên trong khối ASEAN thuận lợi hơn trong việc tránh và vượt qua các hàng rào kỹ thuật trong thương mại một cách bài bản và thúc đẩy xuất khẩu bền vững, tạo cơ hội cho việc hợp tác và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu trong lĩnh vực cao su và sản phẩm cao su.
Ngoài những nội dung trên, Hội nghị cũng nghe báo cáo các công việc đã được triển khai của Ủy ban ba bên Quốc tế về Cao su (ITRC); cập nhật thông tin về các hội nghị và triển lãm găng tay cao su quốc tế, phân hủy sinh học găng tay cao su,…
Những hoạt động của Việt Nam trong khuôn khổ nhóm công tác cao su là một điển hình, đóng góp tích cực vào hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực ASEAN, khẳng định vị trí, vai trò của công tác tiêu chuẩn hóa đối với các lĩnh vực sản phẩm cụ thể.