Nhiều vụ việc vi phạm bị phát hiện
Theo thống kê của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của ngành dầu nhớt Việt Nam thường ở mức từ 8 – 10%, trong đó hơn một nửa tiêu thụ tại thị trường phía Nam, còn lại là ở phía Bắc và một số ít ở khu vực miền Trung, với mức 90.000 tấn dầu nhớt mỗi năm.
Với sự cạnh tranh gay gắt của hàng chục thương hiệu dầu nhờn trên thị trường, bên cạnh những thương hiệu uy tín vẫn còn xuất hiện không ít sản phẩm không đảm bảo chất lượng, gây ảnh hưởng không nhỏ tới doanh nghiệp kinh doanh chân chính và người tiêu dùng.
Thời gian qua, mặc dù cơ quan chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tuy nhiên, trên thị trường vẫn xảy ra tình trạng sản xuất, kinh doanh dầu nhờn (hay dầu nhớt) giả, kém chất lượng. Điển hình như vụ việc ngày 6/3/2022, Phòng Cảnh sát hình sự, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an huyện Long Thành (Đồng Nai) phối hợp với Cơ quan điều tra Hình sự Khu vực 2, Quân khu 7, tổ chức bắt quả tang Nguyễn Thị Tho (sinh năm 1978); Đồng Văn Quân (sinh năm 1986); Lê Anh Tuấn (sinh năm 1996) và một số đối tượng khác đang tiến hành sản xuất dầu nhớt giả tại khu vực Xí nghiệp Chế biến nông sản thực phẩm thuộc Công ty tránh nhiệm hữu hạn một thành viên Đông Hải, Quân khu 7 (gọi tắt là Kho 580), ở địa chỉ ấp 7, xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Cùng thời điểm trên, lực lượng chức năng tiến hành khám xét xưởng sản xuất dầu nhớt giả của đối tượng Vũ Thị Nở (sinh năm 1974) tại khu vực Kho 580 và khu phố 5A, phường Long Bình, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai.
Lực lượng chức năng đã thu giữ 273 thùng đựng hơn 5.000 xô, can, chai thành phẩm các loại dầu nhớt, bên ngoài bao bì mang nhãn hiệu Castrol, Honda, Yamaha, Shell; 134 thùng phuy sắt nghi là dầu nhớt giả, 4 xe tải và nhiều tài liệu, sổ sách liên quan đến việc mua bán. Đồng Nai triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán dầu nhớt giả liên tỉnh.
Dầu nhớt giả được đóng thùng chuẩn bị đưa ra thị trường. Ảnh: Công an Đồng Nai
Bước đầu xác định, các đối tượng mua dầu nhớt kém chất lượng, dầu nhớt thải tái chế và bao bì, tem của các nhãn hiệu nổi tiếng về sản xuất dầu nhớt giả để bán ra thị trường. Để tránh bị lực lượng chức năng phát hiện, các đối tượng thiết kế nhà kho thành nhiều lớp khóa cửa, ngày đêm cảnh giới, không cho người lạ tiếp cận gần nơi sản xuất.
Khi vận chuyển thành phẩm đi tiêu thụ, các đối tượng luôn đề cao cảnh giác, nếu phát hiện nghi vấn sẽ lập tức cắt đuôi nên gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng phá án. Theo thông tin điều tra, vào năm 2015, các đối tượng trên đã bị Công an huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, bắt giữ về hành vi sản xuất dầu nhớt giả, nhưng sau đó lại tiếp tục phạm tội với phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hơn. Cụ thể, các đối tượng thuê kho của đơn vị quân đội làm nơi sản xuất, cất giấu hàng giả nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.
Cũng theo Công an tỉnh Đồng Nai, trước đó qua công tác nắm tình hình địa bàn, Công an tỉnh Đồng Nai phát hiện có hai nhóm đối tượng thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán dầu nhớt giả các thương hiệu nổi tiếng trên thị trường. Xác định đây đường dây sản xuất, mua bán nhớt giả với số lượng rất lớn, gồm nhiều đối tượng, liên quan nhiều địa phương, Công an tỉnh Đồng Nai đã xác lập chuyên án, tập trung lực lượng đấu tranh triệt phá.
Một vụ việc điển hình khác là vào ngày 7/4/2022, lực lượng của Công an TP. Tam Điệp kiểm tra hành chính thì phát hiện cơ sở tái chế dầu nhớt trái phép tại khu vực thôn Hang Nước (xã Quang Sơn, TP.Tam Điệp). Cơ sở tái chế dầu nhớt trái phép trên do ông Trần Văn Đức (34 tuổi, ngụ xã Nam Vân, TP. Nam Định, Nam Định) làm chủ. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện có khoảng 20.000 lít dầu nhớt đã qua tái chế, và khoảng 18.000 lít dầu nhớt chưa qua tái chế đang chứa trong các bể chứa, bồn nhựa.
Tại thời điểm kiểm tra, ông Trần Văn Đức không xuất trình được bất cứ giấy tờ gì liên quan đến hoạt động tái chế dầu nhớt. Ông Đức khai nhận đã thu mua dầu thải từ các cửa hàng sửa chữa xe máy, ô tô trên địa bàn các tỉnh Hà Nam, Nam Định và đưa về TP.Tam Điệp tái chế để bán kiếm lời.
Trước đó, cuối tháng 6/2021, Công an TP. Tam Điệp cũng đã bắt quả tang cơ sở tái chế dầu nhớt trái phép tại thôn Hang Nước (xã Quang Sơn), do ông Bùi Quang Định (51 tuổi, ngụ xã Trung Đông, H.Trực Ninh, Nam Định) làm chủ. Lực lượng chức năng đã phát hiện, thu giữ khoảng 19.600 lít dầu nhớt đã qua sử dụng chờ để tái chế và 1.000 lít dầu nhớt đã qua tái chế, được đựng trong các bể chứa.
Cùng với các cơ quan chuyên môn của các Bộ, ngành khác, trong năm 2021, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL), Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Cục QLCL) đã chủ động triển khai kế hoạch công tác trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Về hoạt động kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu, Cục QLCL đã tiếp nhận và kiểm tra 3.463 hồ sơ (5.741 lô) xăng, dầu DO, LPG, và dầu nhờn động cơ đốt trong. So với năm 2020, số hồ sơ lô hàng nhập khẩu xử lý trên 1 cửa quốc gia tăng 1.911 lô. Việc thực hiện tiếp nhận đăng ký và ra thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng xăng, dầu, LPG, dầu nhờn động cơ nhập khẩu được thực hiện 100% trên hệ thống Một cửa Quốc gia, trừ một vài trường hợp do hệ thống trục trặc không gửi được hồ sơ điện tử thì doanh nghiệp gửi hồ sơ giấy qua bưu điện. Về xử lý vi phạm, Cục QLCL đã xử lý theo thẩm quyền, tạm dừng lưu thông hàng hóa không đạt về chất lượng đối với 4.700 mét dây điện, 17.222 lít dầu nhờn động cơ, 13.265 lít xăng E5 RON92.
Tiếp tục kiểm tra, khảo sát chất lượng dầu nhờn trên thị trường
Theo ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hoá (Cục QLCL), trước khi có QCVN 14:2018/BKHCN, việc sản xuất kinh doanh, nhập khẩu dầu nhờn động cơ đốt trong thực hiện đối với sản phẩm hàng hóa nhóm 1. Theo đó, các doanh nghiệp tự công bố tiêu chuẩn chất lượng và thực hiện theo công bố tiêu chuẩn chất lượng của mình.
Kể từ ngày 15/9/2019, sản phẩm dầu nhờn động cơ đốt trong sản xuất, pha chế, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường phải áp dụng các quy định của QCVN 14:2018/BKHCN và sửa đổi 1:2018 QCVN 14:2018/BKHCN.
Cụ thể là, dầu nhờn động cơ đốt trong sản xuất, pha chế trong nước phải thực hiện công bố hợp quy phù hợp với các quy định tại mục 2 của Quy chuẩn kỹ thuật này và phải được gắn dấu hợp quy CR trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường; Dầu nhờn động cơ nhập khẩu phải thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu theo phương thức hậu kiểm quy định tại Nghị định số 74/2018/NĐ - CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ.
Cũng theo ông Trần Quốc Tuấn, việc kiểm tra nhà nước về chất lượng dầu nhờn động cơ được thực hiện trong nhập khẩu, trên thị trường và trong sản xuất theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Trong thời gian qua, do dịch bệnh Covid- 19 diễn biến phức tạp, việc kiểm tra chất lượng dầu nhờn động cơ nhập khẩu chủ yếu đã được thực hiện theo phương thức điện tử trên cơ chế Một cửa quốc gia và cơ chế hậu kiểm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, qua kiểm tra chất lượng dầu nhờn động cơ nhập khẩu cho thấy tình trạng doanh nghiệp nhập khẩu dầu nhờn đông cơ đốt trong không phù hợp QCVN có chiều hướng liên tục gia tăng trong thời gian qua. Các doanh nghiệp có lô hàng dầu nhờn động cơ đốt trong nhập khẩu phát hiện không đạt chất lượng theo QCVN đã bị xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt tính theo giá trị lô hàng theo quy định tại Nghị định số 119/2017/NĐ CP (Tổng số tiền xử phạt đối với các DN vi phạm tới nay là trên 2,6 tỷ đồng...). Hành vi nhập khẩu và tiêu thụ dầu nhờn không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật đã gây tổn thất cho chính các doanh nghiệp vi phạm và người tiêu dùng, đặc biệt trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp càng gây khó khăn, phức tạp thêm cho các bên liên quan.
Ông Trần Quốc Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Tổng cục TCĐLCL).
Cục trưởng Cục QLCLSPHH chỉ ra hành vi vi phạm phổ biến doanh nghiệp mắc phải là: Nhập khẩu dầu nhờn động cơ đốt trong có chất lượng không phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 14:2018/BKHCN; Kinh doanh dầu nhờn động cơ có nhãn hàng hóa không đúng quy định (nhãn ghi thiếu nội dung bắt buộc hoặc không có nhãn phụ bằng tiếng Việt,...)
Đối với doanh nghiệp có hành vi vi phạm nêu trên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Đối với vi phạm về chất lượng, mức phạt theo giá trị lô hàng 2-3 lần giá trị lô hàng nhập khẩu đã tiêu thụ và từ 3-5 lần giá trị lô hàng vi phạm trong lưu thông. Ngoài ra doanh nghiệp còn phải áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả: Tái xuất, tái chế, tiêu hủy theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, trong vai trò là cơ quan quản lý chất lượng dầu nhờn, ngày 8/9/2020 Tổng cục TCĐLCL đã Công văn số 2932/TĐC-QLCL về cảnh báo dầu nhờn động cơ đốt trong nhập khẩu không phù hợp Quy chuẩn quốc gia. Theo đó, khuyến cáo đối với các doanh nghiệp nhập khẩu dầu nhờn động cơ đốt trong về việc thông báo cho nhà sản xuất sản phẩm dầu nhờn động cơ đốt trong tại nước ngoài biết quy định quản lý của Việt Nam hiện nay thực hiện theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 14:2018/BKHCN và Sửa đổi 1:2018 QCVN 14:2018/BKHCN;
Yêu cầu nhà sản xuất sản phẩm dầu nhờn động cơ đốt trong tại nước ngoài cần có biện pháp kiểm soát chất lượng sản phẩm này theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Việt Nam (QCVN 14:2018/BKHCN và Sửa đổi 1:2018 QCVN 14:2018/BKHCN) nếu muốn xuất khẩu sản phẩm dầu nhờn động cơ đốt trong vào thị trường Việt Nam; Có biện pháp kiểm soát chất lượng dầu nhờn động cơ đốt trong của nhà sản xuất nước ngoài theo QCVN 14:2018/BKHCN và Sửa đổi 1:2018 QCVN 14:2018/BKHCN trước khi nhập khẩu vào Việt Nam;
Quy định rõ trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc bồi thường thiệt hại cho người nhập khẩu (người bán hàng) hoặc người tiêu dùng khi hàng hóa gây thiệt hại do lỗi của nhà sản xuất không bảo đảm chất lượng hàng hóa theo quy định tại Mục 2 Chương V Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Đối với người tiêu dùng khi mua và sử dụng dầu nhờn động cơ đốt trong lưu ý: Mua, sử dụng những sản phẩm hàng hóa đã được chứng nhận hợp quy, gắn dấu hợp quy CR và có nhãn ghi rõ ràng, đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định của pháp luật như tên hàng hóa, tên địa chỉ tổ chức cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa, xuất xứ hàng hóa, đặc tính kỹ thuật, thể tích/ khối lượng, hướng dẫn sử dụng, bảo quản, thông tin cảnh báo.
"Gần đây, tình hình buôn lậu xăng dầu diễn biến rất phức tạp, các đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi để qua mắt lực lượng chức năng. Chính vì vậy, rất cần những giải pháp quyết liệt để hạn chế tình trạng này. Thứ nhất là, nghiên cứu cơ chế, biện pháp quản lý, kiểm tra chất lượng xăng dầu trong bối cảnh phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh công tác khảo sát, kiểm tra chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường, trong quá trình sản xuất. Trong đó, chú trọng hoạt động kiểm tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm", ông Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh.