Thứ năm, 05/05/2022 16:19 GMT+7

Hội nghị quốc tế về Luật hạt nhân lần thứ nhất (ICNL2022)

Ngày 25-4-2022, Hội nghị quốc tế về Luật hạt nhân lần thứ nhất do Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tổ chức đã khai mạc tại Trụ sở IAEA tại Thủ đô Viên của CH Áo. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Hơn 900 luật gia, luật sư, đại diện của các cơ quan quốc gia, các tổ chức quốc tế, ngành công nghiệp hạt nhân và tổ chức xã hội dân sự từ 127 nước đã tham gia "Hội nghị quốc tế về Luật hạt nhân: Cuộc tranh luận toàn cầu" đầu tiên của IAEA để thảo luận về các vấn đề và xu hướng mới nổi trong luật hạt nhân và các khuôn khổ pháp lý hiện hành.
 

Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Giám đốc IAEA, ông Rafael Grossi, nêu rõ luật hạt nhân không chỉ quy định về cách hành xử và tuân thủ các nguyên tắc quan trọng của luật mà còn chịu tác động của sự phát triển khoa học công nghệ. Ông nhấn mạnh năng lượng hạt nhân có thể giúp đem lại lợi ích cho con người, nhưng đồng thời cũng có thể đặt ra các thách thức cần phải giải quyết.

Hội nghị cung cấp một diễn đàn toàn cầu cho các chuyên gia và luật gia làm việc trong các cơ quan chính phủ, các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ, viện nghiên cứu và các hiệp hội dân sự để thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề luật hạt nhân có tính thời sự nhằm phát triển hơn nữa các nội dung khác nhau của luật hạt nhân và thúc đẩy chuyên môn quốc tế trong lĩnh vực này.

Hội nghị là một cơ hội hiếm có để các chuyên gia và quan chức về luật hạt nhân gặp gỡ và thảo luận về các vấn đề luật hạt nhân mà cộng đồng quốc tế và các quốc gia phải đối mặt hiện nay và trong tương lai. Luật hạt nhân là một lĩnh vực không ngừng phát triển và điều quan trọng là phải giải quyết những vấn đề đó một cách kịp thời để bảo đảm hiệu quả của các ứng dụng và công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Hội nghị của IAEA, bao gồm các diễn đàn, triển lãm và các cuộc họp bên lề khác, kết thúc vào chiều thứ sáu, ngày 29-4-2022.

Việt Nam có 6 đại biểu tham dự Hội nghị từ các cơ quan, tổ chức sau: Vụ Pháp luật quốc tế, Vụ Các tổ chức quốc tế (Bộ Ngoại giao), Viện Pháp luật quốc tế và So sánh thuộc Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh), Đại sứ quán Việt Nam tại CH Áo và Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ).

 

Nguồn: Cục An toàn bức xạ và hạt nhân

Lượt xem: 2066

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)