Tham dự Lễ khai mạc Khóa đào tạo, về phía Ấn Độ có Ngài Pranay Verma, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền và Ngài Sushash Gupta, Phó Đại sứ nước Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam; Ông Ranajit Kumar, Trưởng phòng Kế hoạch và Kiểm soát Hạt nhân (NCPW), kiêm Chủ tịch AC, Trung tâm Đối tác năng lượng hạt nhân toàn cầu Ấn Độ (GCNEP), Bộ Năng lượng nguyên tử Ấn Độ; Ông Deependra Singh, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành, Công ty TNHH Đất hiếm Ấn Độ (IREL).
Về phía Việt Nam có TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM), ThS. Bùi Đăng Hạnh, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Hợp tác quốc tế VINATOM cùng gần 40 học viên đến từ Viện Công nghệ xạ hiếm, Công ty Đầu tư khoáng sản Hưng Thịnh và Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp.
Toàn cảnh khóa đào tạo
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Ngài Pranay Verma, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam cho biết: Khóa đào tạo này là sự khởi đầu của nhiều chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ nói chung, giữa VINATOM và Đại sứ quán Ấn Độ nói riêng. Ngài Đại sứ khẳng định: Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội mong muốn trong thời gian tới phía Ấn Độ sẽ tổ chức được nhiều chương trình đào tạo lớn hơn cho các cán bộ, chuyên gia phía Việt Nam để chia sẻ những kinh nghiệm trong việc khai thác, chế biến đất hiếm vì đây cũng là một lĩnh vực quan trọng trong chương trình hợp tác giữa Ấn Độ – Việt Nam trong tương lai. Và Khóa đào tạo về đất hiếm này là chương trình đào tạo đầu tiên do Ấn Độ tài trợ cho Việt Nam. Điều này cũng chứng tỏ sự hợp tác gắn bó ngày càng chặt chẽ giữa 2 nước.
Được sự đồng ý của hai Chính phủ, hai bên đã tổ chức thành công 2 kỳ họp của Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam – Ấn Độ về hợp tác sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình lần lượt vào năm 2018 và 2021. Nhân dịp này, Đại sứ quán Ấn Độ bày tỏ mong muốn kỳ họp của Ủy ban Hỗn hợp giữa Việt Nam – Ấn Độ lần thứ 3 sẽ sớm được tổ chức. Ngài Đại sứ chân thành cảm ơn IREL về sự hợp tác thực hiện chương trình này và đưa ra đề xuất VINATOM và GCNEP trong tương lai sẽ có nhiều chương trình hợp tác đào tạo hơn nữa do GCNEP tài trợ. Ngài Đại sứ cũng bày tỏ quan điểm nếu Việt Nam phục hồi lại chương trình phát triển điện hạt nhân, Ấn Độ sẽ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam.
Ngài Pranay Verma phát biểu tại Lễ khai mạc khóa đào tạo
Cùng phát biểu tại Lễ khai mạc, TS. Trần Chí Thành đã bày tỏ sự biết ơn đối với đất nước Ấn Độ đã dành nhiều tình cảm cho Việt Nam, cảm ơn Chính phủ Ấn Độ đã giúp đỡ và tài trợ cho Viện Công nghệ xạ hiếm dây chuyền công nghệ chế biến monazite quy mô pilot công suất 60 tấn quặng/năm vào giai đoạn 1991-1995. Cùng với việc lắp đặt hệ thống pilot chế biến quặng, phía Ấn Độ đã hỗ trợ Việt Nam đào tạo các chuyên gia, nhân viên kĩ thuật chất lượng cao trong lĩnh vực nghiên cứu và chế biến các nguyên tố đất hiếm, xử lý, quản lý nguyên tố phóng xạ và chu trình nhiên liệu hạt nhân….
TS. Trần Chí Thành phát biểu tại Lễ khai mạc khóa đào tạo
Viện trưởng Trần Chí Thành cũng gửi lời cảm ơn chân thành tới Bộ Năng lượng nguyên tử Ấn Độ, Trung tâm Đối tác năng lượng hạt nhân toàn cầu Ấn Độ, Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội và các đồng nghiệp Việt Nam đã rất nỗ lực cùng nhau hợp tác tổ chức khóa đào tạo quan trọng về đất hiếm này.
Viện trưởng Trần Chí Thành nhấn mạnh: đất hiếm là một khoáng sản chiến lược, có giá trị đặc biệt không thể thay thế và đóng vai trò rất quan trọng trong các lĩnh vực như: điện tử, công nghệ năng lượng nguyên tử, chế tạo máy, công nghiệp hóa chất, lĩnh vực luyện kim và thậm chí cả trong ngành nông nghiệp. Nhiều quốc gia coi đất hiếm là vàng của thế kỷ 21, có thể là của cả thế kỷ 22.
Nhận thấy tiềm năng to lớn của khoáng sản đất hiếm đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam đã và đang tích cực triển khai các hoạt động nghiên cứu, thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản đất hiếm. Tuy nhiên, công nghệ khai thác và thăm dò đất hiếm ở Việt Nam vẫn còn chưa phát triển.
Ấn Độ là một quốc gia sở hữu trữ lượng lớn về đất hiếm cũng như là một trong những nước đứng đầu thế giới về nghiên cứu, khai thác và chế biến đất hiếm, với nhiều công ty và tập đoàn lớn có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Vì vậy, thông qua việc tổ chức khóa đào tạo này, phía Việt Nam mong muốn các chuyên gia của Ấn Độ sẽ chia sẻ những kinh nghiệm quý báu, từ nghiên cứu, khai thác, sản xuất và ứng dụng đất hiếm vào thực tiễn, cũng như các vấn đề liên quan đến lĩnh vực quản lý chất thải phóng xạ, quan trắc môi trường và an toàn bức xạ trong quá trình khai thác đất hiếm và lưu giữ chất thải phóng xạ.
Viện trưởng Trần Chí Thành phát biểu bày tỏ hy vọng rằng sau khóa học này, các cán bộ nghiên cứu của Việt Nam nói chung và VINATOM nói riêng sẽ hiểu sâu hơn về các công nghệ khai thác đất hiếm để từ đó góp phần thực hiện các dự án trong tương lai hiệu quả hơn.
Khóa đào tạo trực tuyến Việt Nam – Ấn Độ về đất hiếm diễn ra từ 25 – 29/4/2022 với các chủ đề: Ứng dụng của Khoáng sản và Đất hiếm; Sự hình thành khoáng sàng monazite và các khoáng sàng đất hiếm ở trong nền đá cứng; Phương pháp khai thác đối với các trầm tích khoáng sản nguyên tử ven biển; Làm giàu khoáng vật sa khoáng ven biển; Tuyển khoáng; Đặc điểm kỹ thuật sản phẩm và các tạp chất; Các nguồn tài nguyên đất hiếm – Viễn cảnh toàn cầu; Làm giàu khoáng vật chứa đất hiếm; Chiết xuất đất hiếm; Quản lý chất thải phóng xạ; Các phương pháp chiết đất hiếm; Nguyên lý tách chiết bằng dung môi; Các phương pháp tiên tiến để tách chiết đất hiếm; Tổng quan về quy trình tinh chế đất hiếm, Các khía cạnh quản lý và an toàn trong chiết xuất đất hiếm và lưu giữ vật liệu phóng xạ.
Phát biểu tại Lễ Bế giảng khóa đào tạo vào ngày 29/4/2022, TS. Phạm Quang Minh, Phó Viện trưởng VINATOM đã gửi lời cảm ơn và đánh giá cao những chuyên gia và giảng viên Ấn Độ về những bài học bổ ích và có nhiều thông tin cung cấp cho các đồng nghiệp của VINATOM. Đồng thời, TS. Phạm Quang Minh cảm ơn tất cả các học viên đã tham gia học tập tích cực và sôi nổi trong 5 ngày để hoàn thành khóa đào tạo.
Qua khóa đào tạo này, các đồng nghiệp của VINATOM có cơ hội hiểu rõ hơn về đất hiếm, cụ thể là ứng dụng của khoáng sản và đất hiếm, các phương pháp khai thác được triển khai đối với các mỏ khoáng sản nguyên tử ven biển, quá trình phân tách khoáng sản, v.v. góp phần vào nâng cao năng lực nghiên cứu và hiệu quả sản xuất chế biến đất hiếm ở Việt Nam.
TS. Phạm Quang Minh phát biểu bày tỏ sự đánh giá cao đối với sự hỗ trợ nhiệt tình và quý báu của Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội, DEA, GCNEP và IREL, đồng thời thể hiện mong muốn hai bên Việt Nam và Ấn Độ sẽ ngày càng có mối quan hệ hợp tác sâu rộng hơn nữa trong thời gian tới.
Trong bài phát biểu của mình tại Lễ Bế giảng khóa đào tạo, Ngài Shubhash Gupta, Phó Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội đã chúc mừng sự thành công của Khóa đào tạo và cho biết Công ty TNHH Đất hiếm Ấn Độ – IREL sẽ thu thập tất cả những câu hỏi và phản hồi từ phía các học viên Việt Nam sau 5 ngày học tập. Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội sẵn sàng hỗ trợ các học viên Việt Nam nếu có bất kỳ vấn đề, câu hỏi gì cần trao đổi, thảo luận.