Thứ tư, 25/05/2022 15:26 GMT+7

Thắp lửa tri thức từ những cuốn sách

Trong khuôn khổ Tuần Lễ sách Khoa học và Công nghệ lần thứ I năm 2022, chiều 19/5, tại Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật đã tổ chức buổi tọa đàm “Thắp lửa tri thức”. Tìm đường đưa tri thức khoa học vào đại chúng- Hành trình của những người làm sách, làm khoa học.

Toàn cảnh buổi tọa đàm “Thắp lửa tri thức”

Với thông điệp này, nhiệm vụ trọng tâm của buổi tọa đàm là kết nối, tận dụng tất cả các nguồn lực xã hội để chung tay thắp lên ngọn lửa tri thức trong toàn xã hội. Đây cũng là cơ hội rất tốt cho các sinh viên, nghiên cứu sinh và các nhà khoa học trao đổi, chia sẻ các thông tin quý báu, phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu khoa học.

Sách khoa học kỹ thuật, công nghệ có loại mang tính chất phổ biến kiến thức đại cương, đại chúng, có sách phục vụ nghiên cứu, sách chuyên khảo, chuyên sâu. Đây là nguồn tri thức quan trọng góp phần nâng cao dân trí, trình độ nhà khoa học, năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia.

Xuất bản sách là cả một quá trình phức tạp bao gồm nhiều công đoạn và thường được triển khai bởi một nhóm các chuyên gia với kiến thức ở những lĩnh vực khác nhau và kiến thức chuyên môn ngành sách. Mà ở đó, tác giả được ví như linh hồn của cuốn sách và đội ngũ xuất bản sẽ là những người hiện thực hóa cuốn sách đó, đảm bảo cuốn sách đáp ứng được nhu cầu của thị trường, tuân thủ đầy đủ yêu cầu từ phía nhà xuất bản, và tối ưu hóa thời gian thực hiện.

Hiện nay, việc xuất bản sách khoa học và công nghệ gặp nhiều khó khăn như: Số lượng các đầu sách khoa học quá ít ỏi, số lượng ấn phẩm hạn chế; Các nhà xuất bản nắm tác quyền không quan tâm thị trường Việt Nam, bởi số lượng in quá nhỏ. Việc mua tác quyền khó khăn; Việc viết, dịch sách khoa học đã không đem lại những phần thưởng vật chất đáng kể cho người bỏ công ra, và không phát triển thành một “nghề chuyên nghiệp”. Thực tế viết sách là rất ít, dịch là nhiều, tìm người dịch có chất lượng là rất khó. Hơn nữa, để dịch một quyển sách khoa học không phải chỉ biết những từ ngữ chuyên môn, mà phải biết cả văn hóa khoa học. Cho nên, người dịch sẽ gặp nhiều vấn đề hơn là từ ngữ khoa học. Và cái thiếu ở người dịch là tinh thần học thuật, truy cứu tìm tòi.

Tại buổi tọa đàm, các diễn giả đã chia sẻ về mảng đề tài sách khoa học và công nghệ, một mảng đề tài chuyên biệt. “Khoa học là hệ thống tri thức về bản chất, quy luật tồn tại và phát triển của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy”, đó là cách tư duy chặt chẽ, mọi lý giải hay giả thuyết phải luôn được kiểm nghiệm bằng thực tế.

Bên cạnh đó, các diễn giả còn chia sẻ về quá trình làm sách gồm các công đoạn: Tổ chức bản thảo, khai thác đề tài; Giao dịch bản quyền; Triển khai dịch/ tổ chức biên soạn/ đặt tác giả viết; Hiệu đính; Biên tập; Thiết kế minh họa, vẽ bìa; Chế bản, dàn trang; In ấn; Truyền thông, Phát hành.

Thông qua việc chia sẻ trải nghiệm quá trình tổ chức xuất bản 3 cuốn sách: “Hai Nhà máy Thuỷ điện ngầm của Việt Nam”, “Tiếng vọng Sông Đà” và “An toàn bức xạ - những điều cần biết”, các diễn giả đã tập trung chia sẻ về bối cảnh ra đời của những cuốn sách đó, xuất phát từ tình yêu nghề nghiệp, từ trách nhiệm với công việc, đã kết nối những người làm sách, dịch sách, hiệu đính, xuất bản liên kết thực hiện công việc, như cuốn “Hai nhà máy điện ngầm của Việt Nam” và “Tiếng vọng Sông Đà”, xuất phát từ trăn trở của Thầy giáo Lê Đức Mẫn, người đầu tiên khởi xướng dịch cuốn sách “20 năm trôi qua, từ khi xây dựng Thuỷ điện Hoà Bình, cho đến nay vẫn chưa có một cuốn sách, tài liệu nào tổng kết, ghi chép được quá trình tổ chức thiết kế thi công và vận hành Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình.” Trong khi có Thủy điện Hòa Bình nước nhà chuyển sang một trang mới, làm thay đổi căn bản nền kinh tế đưa đất nước tiến lên, thoát khỏi nghèo nàn và tăm tối, thay hẳn diện mạo và vị thế của Quốc gia dân tộc, thoát vĩnh viễn nạn tàn phá của thiên tai lũ lụt......nhân dân được ấm no bởi mốc son hòa mạng tổ máy 8 Thủy điện Hòa Bình trên sông Đà. Tại toạ đàm, ông Bùi Thức Khiết, nguyên Giám đốc đầu tiên của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình và bà Nguyễn Ngọ phát biểu về Thủy điện Sông Đà và ngọn lửa tình yêu nhiệt huyết của những thế hệ Sông Đà đã quyết định phát động Quỹ xuất bản Bộ sách Sông Đà và cũng là người hiệu đính cuốn sách Hai Nhà máy thủy điện ngầm của Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Nguyễn Việt Long và Bùi Tiến trao đổi về một số vần đề về dịch sách và tài liệu khoa học kỹ thuật đòi hỏi kỹ năng ngôn ngữ, kỹ năng chuyên môn, hiểu chắc chắn hệ thống thuật ngữ chuyên ngành…

Toạ đàm còn trao đổi ý kiến làm sao để đánh giá một cuốn sách khoa học công nghệ chất lượng; Những yếu tố nào đánh giá thành công của một cuốn sách, một tủ sách; Làm sao để giới trẻ đón nhận sách một cách hứng thú và quý trọng giá trị mà sách mang lại.

Carl Edward Sagan là nhà thiên văn học, vật lý thiên văn, vũ trụ học, sinh học vũ trụ, tác giả sách, nhà phổ biến khoa học và là nhà phát ngôn khoa học người Mỹ đã từng nói “Khoa học không chỉ là một khối kiến thức, nó còn là cách tư duy”. Đó là cách tư duy chặt chẽ, mọi lý giải hay giả thuyết phải luôn được kiểm nghiệm bằng thực tế. Chỉ khi nào người dân, nhất là giới trẻ, ý thức được rằng khoa học là nguồn tri thức không thể thiếu, thắp sáng con đường đi lên văn minh, mà trong đó sách khoa học là công cụ chủ yếu trang bị tri thức cho chúng ta, thì mới mong đất nước ta sánh vai với các cường quốc năm châu.

Thông qua chương trình, Ban tổ chức chức hy vọng sẽ thắp lên ngọn lửa tri thức thông qua đọc sách, cổ vũ phát triển văn hóa đọc sôi động trong cả nước, giúp bạn đọc có thật nhiều niềm vui, ý nghĩa, đem lại nhiều giá trị thiết thực cho cuộc sống.

 

Nguồn: Trung tâm NC&PT truyền thông KH&CN

Lượt xem: 1733

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)