Thứ ba, 09/08/2022 22:47 GMT+7

Hội thảo khoa học “Xây dựng dữ liệu nghiên cứu mở phục vụ chia sẻ, dùng chung trong kỷ nguyên số”

Dữ liệu khoa học và công nghệ mở là toàn bộ dữ liệu phát sinh trong quá trình nghiên cứu. Đó là các số liệu điều tra, khảo sát, làm thí nghiệm trong phòng thí nghiệm và trên thực địa, các số liệu điều tra cũng như trong quá trình vận hành, khai thác các tổ hợp thiết bị khoa học phục vụ nghiên cứu và sản xuất. Do vậy, việc kế thừa và sử dụng lại dữ liệu này sẽ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí xây dựng và thu thập cho các nhóm nghiên cứu sau.

Nhằm tiếp tục chuỗi sự kiện thúc đẩy việc tạo lập, sử dụng và khai thác dữ liệu khoa học và công nghệ mở cũng như khuyến khích sự quan tâm và tham gia của các nhà nghiên cứu trong việc chia sẻ dữ liệu khoa học và công nghệ phục vụ dùng chung, ngày 04/8/2022 tại Thừa Thiên Huế, Cục Thông tin KH&CN quốc gia phối hợp với Đại học Huế; Viện Công nghệ thông tin, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam; Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn, Quỹ Đổi mới sáng tạo VinGroup tổ chức Hội thảo “Dữ liệu nghiên cứu mở phục vụ chia sẻ, dùng chung trong kỷ nguyên số”. Tham dự Hội thảo có ông Trần Đắc Hiến, Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia; ông Đào Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia; bà Đỗ Thị Xuân Dung, Phó Giám đốc Đại học Huế; ông Nguyễn Kim Tùng, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế; ông Hoàng Bảo Hùng – Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế; ông Nguyễn Long Giang, Phó Viện trưởng Viện CNTT, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam và gần 80 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực khác nhau đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học tại Huế và một số tỉnh miền trung.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, ông Trần Đắc Hiến – Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia đã đưa ra bức tranh toàn cảnh về vấn đề nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ nói chung và chia sẻ dữ liệu nghiên cứu mở nói riêng, cùng với đó mong muốn nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng tích cực của các nhà khoa học trong việc đóng góp dữ liệu, góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, khai thác và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm thời gian, kinh phí trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN.



Ông Trần Đắc Hiến, Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia phát biểu khai mạc Hội thảo

 

Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, Bà Đỗ Thị Xuân Dung, Phó Giám đốc Đại học Huế gửi lời cảm ơn Lãnh đạo Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia đã chọn Huế và Đại học Huế là nơi tổ chức Hội thảo, đồng thời đánh giá cao mục tiêu Hội thảo đề ra và tin tưởng vào sự thành công của Hệ thống nền tảng chia sẻ dữ liệu mở phục vụ chia sẻ, dùng chung.



Bà Đỗ Thị Xuân Dung, Phó Giám đốc Đại học Huế phát biểu chào mừng Hội thảo

 

Tại hội thảo, ông Đào Mạnh Thắng – Phó Cục trưởng Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia có tham luận về hiện trạng chia sẻ, dùng chung dữ liệu nghiên cứu mở từ góc độ của cơ quan quản lý. Theo ông Đào Mạnh Thắng, hiện nay các dữ liệu thu thập được chỉ thể hiện dưới dạng thuyết minh nhiệm vụ, bài báo đăng tạp chí, tham luận tại các hội nghị, hội thảo, các báo cáo kết quả nghiên cứu đều chỉ ở dạng text thông thường. Đó mới là thành quả cuối cùng được công bố trong quá trình nghiên cứu, còn lại tất cả các dữ liệu trung gian bao gồm: số liệu điều tra, khảo sát, thu thập phát sinh trong quá trình nghiên cứu, các file ảnh, video, các thí nghiệm thực tế, các mô hình quan trắc, các mã nguồn, ứng dụng mẫu trong CNTT… hầu hết đều chưa được nhắc tới và chưa thu thập được. Ông cũng đưa ra đề xuất phát triển các ứng dụng lưu trữ và khai phá dữ liệu phát sinh trong quá trình nghiên cứu, tạo cơ sở thiết lập hạng tầng chia sẻ dữ liệu mở nhằm cung cấp thông tin khoa học công nghệ một cách công khai, minh bạch, hiệu quả cho toàn xã hội.



Ông Đào Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia tham luận tại Hội thảo

 

Tiếp đến, PGS.TS Bùi Thu Lâm – Đại diện Học viện Kỹ thuật Mật mã đã trình bày phần tham luận về “Hiện trạng chia sẻ, dùng chung dữ liệu nghiên cứu mở ở Việt Nam”. Theo đó, thực trạng dữ liệu hiện nay đã và đang trở thành hạ tầng quan trọng của nghiên cứu phát triển, đặc biệt trong bối cảnh công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ. Đối với xã hội, dữ liệu đang từng bước trở thành tài sản cho các tổ chức và cá nhân, trở thành yếu tố đem lại lợi thế cạnh tranh cho các tổ chức và doanh nghiệp. Đối với công tác nghiên cứu khoa học, nhu cầu về dữ liệu quá khứ là hết sức cần thiết để phục vụ các nội dung phân tích, xây dựng mô hình và đưa ra các dự báo.



PGS. TS Bùi Thu Lâm, Học viện Kỹ thuật Mật mã

 

TS. Đinh Văn Dũng – Viện Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội đã trình bày tham luận “Xây dựng nền tảng quản trị dữ liệu nghiên cứu khoa học và công nghệ mở phục vụ chia sẻ, dùng chung quy mô quốc gia”. Trong đó, đã đề cập đến 4 nội dung trọng tâm: (1) Thị trường nền tảng kỹ thuật số; (2) Đánh giá nền tảng đám mây và kiến trúc nền tảng quản lý dữ liệu lớn; (3) Kiến trúc nền tảng quản lý dữ liệu nghiên cứu (KH&CN); (4) Giải pháp nguồn mở cho nền tảng quản lý dữ liệu nghiên cứu KH&CN.



TS. Đinh Văn Dũng, Viện CNTT, Đại học Quốc gia Hà Nội

 

Tiếp nối chương trình Hội thảo, TS. Võ Sỹ Nam – VinBigData & GeneStory cũng đã giới thiệu về hệ thống lưu trữ dữ liệu Gene của VinBigData và cách thức kết nối, chia sẻ dữ liệu Gene với hệ thống chia sẻ dữ liệu nghiên cứu mở.



TS. Võ Sỹ Nam, Giám đốc VinBigData&Genestory

 

Trong phiên thảo luận đề xuất về cơ chế quản lý chia sẻ dữ liệu nghiên cứu mở phục vụ chia sẻ, dùng chung trong cộng đồng các nhà khoa học tại Việt Nam, bà Đỗ Thị Xuân Dung – Phó Giám đốc Đại học Huế đã gợi mở cách thức: Xây dựng cơ chế trên từng giai đoạn, bước đầu cần hình thành ứng dụng nền tảng hoàn chỉnh để thu hút người dùng, tiếp đến cần đưa ra chiến lược về xây dựng cơ chế trong việc chia sẻ dữ liệu dùng chung giữa các nhà khoa học bằng cách, có đóng góp thì mới được thụ hưởng, cách làm này sẽ giúp gia tăng một cách nhanh chóng dữ liệu cho kho lưu trữ cơ sở dữ liệu quốc gia.



Bà Đỗ Thị Xuân Dung, Phó Giám đốc Đại học Huế đặt vấn đề thảo luận tại Hội thảo

 

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Kim Tùng – Phó Giám đốc Sở KH&CN Thừa Thiên Huế cũng đã đặt ra một số vấn đề thảo luận tại Hội thảo. Thứ nhất, nhà quản lý cần đưa ra chiến lược, xây dựng cơ chế mở như thế nào? Việc phân cấp, phân tầng, phân quyền sử dụng đối với nhà khoa học, các tổ chức khoa học công nghệ, các doanh nghiệp được quy định ra sao? Thứ hai, cần có cách làm mới để thu hút người dùng, có cơ chế xác thực tài khoản đăng ký một cánh thuận tiện, nhanh chóng. Đồng thời, đề xuất với Cục Thông tin KH&CN quốc gia về cách giải quyết bài toán quản lý cơ sở dữ liệu đang có sự chồng chéo giữa các cấp. Ông Tùng thông tin thêm, Huế là một địa phương có nhiều cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn như Bệnh viện Trung ương Huế, Đại học Huế,… chính vì vậy, Thừa Thiên Huế có một lượng cơ sở dữ liệu về nghiên cứu khoa học tương đối lớn. Do đó, nếu giải quyết tốt bài toán quản trị các cơ sở dữ liệu phức tạp tại Thừa Thiên Huế sẽ tạo ra một mô hình thí điểm thành công và dễ dàng triển khai, nhân rộng sang các tỉnh thành khác.



Ông Nguyễn Kim Tùng, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế đặt câu hỏi tại Hội thảo

 

Trên cơ sở các ý kiến đóng góp của các đại biểu đến tham dự hội thảo, Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia sẽ nghiên cứu tiếp thu và chỉnh sửa hệ thống quản lý dữ liệu nghiên cứu mở đáp ứng nhu cầu phục vụ chia sẻ, dùng chung trong kỷ nguyên số.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 1438

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)