Thứ tư, 07/09/2022 09:20 GMT+7

Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới Hasan Kleib thăm và làm việc với Cục Sở hữu trí tuệ

Sáng 6/9/2022, ông Hasan Kleib, Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) phụ trách hợp tác phát triển quốc gia và khu vực đã tới thăm và làm việc với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tại Hà Nội.

Buổi làm việc nằm trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc với một số cơ quan hữu quan tại Việt Nam về chương trình hoạt động cụ thể của WIPO nhằm tăng cường hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong việc sử dụng sở hữu trí tuệ như một công cụ thúc đẩy đổi mới sáng tạo vì mục tiêu phát triển đất nước.

Tham dự buổi làm việc còn có bà: Alexandra Bhattacharya, Cán bộ chương trình, Văn phòng Phó Tổng Giám đốc; Yaning Zhang, Chuyên gia dự án, Văn phòng Phó Tổng Giám đốc. Về Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) có: ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục SHTT và lãnh đạo 19 đơn vị thuộc Cục.
 

Đoàn WIPO do ông Hasan Kleib, Phó Tổng Giám đốc làm Trưởng đoàn đã có buổi việc với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) tại Hà Nội.
 

Tại buổi làm việc, Phó Cục trưởng Cục SHTT Trần Lê Hồng cảm ơn sâu sắc Ngài Phó Tổng Giám đốc và các đồng nghiệp tại WIPO vì sự hợp tác chặt chẽ, sự hỗ trợ tích cực dành cho Việt Nam nói chung và dành cho Cục SHTT nói riêng. Ông Trần Lê Hồng, cho biết, quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và WIPO đã đóng vai trò quan trọng trong quá trình hội nhập chủ động vào hệ thống SHTT và thương mại toàn cầu của Việt Nam.
 

Ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục SHTT: “Quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và WIPO đã đóng vai trò quan trọng trong quá trình hội nhập chủ động vào hệ thống SHTT và thương mại toàn cầu của Việt Nam”.
 

Trong đó, có thể kể đến như: Hỗ trợ triển khai một số Dự án về công nghệ thông tin như “Xây dựng hệ thống tự động về quản trị đơn sở hữu công nghiệp (WIPO IPAS) tại Cục Sở hữu trí tuệ” hay “Số hóa tài liệu sở hữu công nghiệp của Cục Sở hữu trí tuệ”; hỗ trợ triển khai các dự án về khai thác và sử dụng tài sản trí tuệ như “Xây dựng mạng lưới các Trung tâm hỗ trợ công nghệ và đổi mới (TISCs)” và “Xây dựng Môi trường kiến tạo về sở hữu trí tuệ (EIE Project)”; hỗ trợ việc gia nhập các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ do WIPO quản lý như Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp hay Hiệp ước Budapest về sự công nhận quốc tế đối với việc nộp lưu chủng vi sinh nhằm tiến hành các thủ tục về sáng chế. Hằng năm, WIPO cấp học bổng cho các cán bộ tham gia các khóa học trực tuyến và chuyên sâu do Học viện WIPO tổ chức và mời tham dự nhiều khóa đào tạo chuyên môn về sở hữu trí tuệ.
 

Phó Tổng Giám đốc WIPO chụp ảnh với đại diện lãnh đạo Cục SHTT và lãnh đạo các phòng/ban của Cục SHTT.
 

Tại buổi làm việc, ông Hasan Kleib, Phó Tổng Giám đốc WIPO bày tỏ ấn tượng mạnh mẽ với tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch vẫn đạt mức độ tăng trưởng dương. Ông Hasan Kleib khẳng định, Cục SHTT Việt Nam là cơ quan SHTT nổi bật nhất, năng động nhất và tiên tiến nhất trong hệ thống ASEAN. Đặc biệt trong thời gian qua ghi nhận số lượng hồ sơ xin đăng ký sáng chế ở Việt Nam tăng gấp 3 lần cũng như là những lĩnh vực khác tăng tới 50%. Ông Hasan Kleib cũng cho biết, ngày nay, phát triển SHTT không chỉ từ khía cạnh pháp lý hoặc kỹ thuật mà phải làm sao vận dụng nó như là một công cụ thúc đẩy tăng trưởng phát triển kinh tế cho con người.

“Khi xác nhận và định hướng như vậy chúng tôi đã trao đổi với quốc gia thành viên, coi SHTT không chỉ là chuyện của các quốc gia phát triển, quốc gia công nghiệp hóa cao mà hướng đến giúp đỡ cho các nước đang phát triển. Không chỉ dành cho các công ty, tập đoàn lớn mà còn dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giới trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và doanh nhân nữ... tức là SHTT cho mọi người, mọi lúc, mọi nơi, và đóng vai trò là một chất xúc tác. Đó cũng là lý do chúng tôi phối hợp với Cục SHTT, Bộ KH&CN tổ chức nhiều hoạt động trong chuyến thăm Việt Nam lần này”.

Ông Hasan Kleib cũng đưa ra khuyến nghị, Việt Nam cần lưu ý đến 3 nhóm đối tượng để thúc đẩy lĩnh vực SHTT tại Việt Nam. Thứ nhất là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hiện nay các nước đang phát triển có tỉ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 95%. Tại Việt Nam, con số này là 98%. Sở hữu trí tuệ không chỉ liên quan đến bằng sáng chế mà còn thiết thực với doanh nghiệp trong đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý…

"Sở hữu trí tuệ không phải điều gì xa vời. Đây không còn là câu chuyện của các quốc gia phát triển nữa mà cũng là vấn đề của các quốc gia đang phát triển, nó gắn với cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ", ông Hasan Kleib bày tỏ quan điểm. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của SHTT đối với hoạt động kinh doanh, tạo việc làm là việc rất quan trọng đối với các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nhóm thứ hai là giới trẻ, thanh niên, bởi tỉ lệ dân số dưới 30 tuổi ở các quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển rất cao. Việt Nam có 25% dân số độ tuổi 15-30 tuổi.

Nhóm thứ ba là phụ nữ. Theo khảo sát, ở các nước trên thế giới, hơn 50% các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ và ở Việt Nam là trên 60%.

"WIPO sẵn sàng tăng cường hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong việc sử dụng SHTT như một công cụ thúc đẩy đổi mới sáng tạo vì mục tiêu phát triển đất nước", ông Hasan Kleib khẳng định.

Thực hiện các cam kết với Việt Nam, WIPO mong muốn thành lập một viện đào tạo về SHTT tại Việt Nam. Hiện nay viện này đã được thành lập ở 12 quốc gia. Trong những năm đầu, WIPO sẽ hỗ trợ viện phát triển, sau đó chuyển giao hoàn toàn cho nước sở tại và sẵn sàng tư vấn nếu có đề nghị, ông Hasan Kleib cho biết thêm.
 

Ông Hasan Kleib: Phát triển SHTT không chỉ từ khía cạnh pháp lý hoặc kỹ thuật mà phải làm sao vận dụng nó như là một công cụ thúc đẩy tăng trưởng phát triển kinh tế cho con người.
 


 

Phó Tổng Giám đốc WIPO thăm một số đơn vị chức năng tại Cục SHTT.
 

Nhân dịp này, Phó Cục trưởng Trần Lê Hồng cũng mong muốn nhận được sự quan tâm của Ngài Phó Tổng Giám đốc và sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị đầu mối triển khai của WIPO (Vụ châu Á - Thái Bình Dương và Văn phòng Phó Tổng Giám đốc) để có thể triển khai thành công Bản ghi nhớ này. Ngoài ra, trong quá trình Cục SHTT tham gia và theo dõi hoạt động của Ủy ban Phát triển và Sở hữu trí tuệ (CDIP) thời gian qua, Cục SHTT cũng đang nghiên cứu khả năng và cách thức để xây dựng đề xuất dự án phát triển trong khuôn khổ Ủy ban Phát triển và SHTT và mong muốn WIPO hỗ trợ nỗ lực này.

Bên lề Phiên họp Đại hội đồng WIPO vào tháng 7/2022 tại trụ sở của WIPO, Giơ-ne-vơ, Thụy Sỹ, Cục SHTT và WIPO đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa WIPO và Cục Sở hữu trí tuệ về việc triển khai Chiến lược SHTT quốc gia. Trong đó, quy định các nội dung hợp tác phù hợp với định hướng phát triển của hệ thống SHTTcủa Việt Nam như: Cập nhật, phổ biến và thi hành pháp luật liên quan đến SHTT; nâng cao kỹ năng và kiến thức cho các chuyên gia, doanh nhân và cán bộ công chức; xây dựng năng lực cho Cục SHTT và các tổ chức trung gian về cung cấp hoạt động hỗ trợ quản lý tài sản trí tuệ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp khởi nghiệp, đồng thời hỗ trợ các đối tượng này thông qua Mạng lưới trực tuyến dành cho Doanh nhân của WIPO (EON).

Đồng thời, Bản ghi nhớ hợp tác giữa WIPO và Cục SHTT còn đề cập đến việc phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là về các kỹ năng cần thiết để tiếp cận và sử dụng tốt nhất cơ sở dữ liệu khoa học và công nghệ toàn cầu cũng như hỗ trợ của WIPO để mở rộng và củng cố mạng lưới quốc gia về hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, bao gồm cả việc dịch các tài liệu của WIPO sang tiếng Việt; cung cấp các tài liệu và nguồn thông tin tham khảo về SHTT; gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế về SHTT theo nhu cầu của Việt Nam./.

 

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 1938

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)