Thứ hai, 19/09/2022 14:56 GMT+7

Phó Cục trưởng phụ trách Cục Năng lượng nguyên tử tham dự Triển lãm thế giới về hợp tác Nam - Nam lần thứ 11

Từ ngày 12-14/9/2022, bà Trần Bích Ngọc, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Năng lượng nguyên tử đã tham dự Triển lãm thế giới về hợp tác Nam - Nam lần thứ 11 tại Bangkok, Thái Lan.

Triển lãm do Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) phối hợp với Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á - Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc, Văn phòng Hợp tác Nam - Nam của Liên Hợp quốc và Chính phủ Thái Lan tổ chức. Đây là sự kiện thường niên nhằm chia sẻ kiến ​​thức và bài học kinh nghiệm, thảo luận phương hướng hợp tác dựa trên sự phối hợp của các quốc gia thuộc Liên hợp quốc với các đối tác. Triển lãm năm nay thu hút sự tham dự của hơn 700 đại biểu đến từ gần 100 quốc gia.
 

Toàn cảnh lễ khai mạc Triển lãm

Trong khuôn khổ Triển lãm, bà Trần Bích Ngọc đã được mời là diễn giả chia sẻ ý kiến tại Cuộc họp nhóm chuyên gia về thúc đẩy hợp tác ba bên và sử dụng hòa bình khoa học và công nghệ hạt nhân: phát huy ưu thế của năng lượng nguyên tử để phục hồi sau đại dịch COVID-19 và giải quyết các thách thức toàn cầu. Cuộc họp do bà Jane Gerardo-Abaya, Giám đốc bộ phận Châu Á - Thái Bình Dương, Vụ Hợp tác kỹ thuật của IAEA chủ trì cùng với sự tham dự của các diễn giả khác tới từ Vụ Hợp tác kỹ thuật của IAEA, Ủy ban Kinh tế và Xã hội châu Á - Thái Bình Dương của Liên hợp quốc, Viện Kỹ thuật hạt nhân Thái Lan, Bộ Nông nghiệp Fiji,... và nhiều đại biểu đến từ các quốc gia trong khu vực. Ông Hua Liu, Phó Tổng Giám đốc IAEA kiêm Vụ trưởng Vụ Hợp tác kỹ thuật đã có bài phát biểu được ghi hình trước để chào mừng sự kiện.

Chia sẻ tại cuộc họp, bà Trần Bích Ngọc nhấn mạnh ngày nay thế giới đang phải đối mặt với những thách thức phức tạp, đòi hỏi những nỗ lực lớn hơn để thúc đẩy đối thoại chân thành và mang tính xây dựng giữa các quốc gia vì mục tiêu phát triển. Trong bối cảnh đó, hợp tác là công cụ hữu hiệu để thúc đẩy liên kết giữa các quốc gia có trình độ phát triển khác nhau, cũng như tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác mới. Trong lịch sử phát triển, Việt Nam ủng hộ và coi trọng quan hệ hợp tác Nam - Nam; tích cực thúc đẩy hợp tác với các nước đang phát triển trong khuôn khổ song phương hoặc thông qua khu vực tiểu Mekong, ASEAN và cơ chế khu vực.

Bà Trần Bích Ngọc phát biểu tại cuộc họp.

Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập hơn với thế giới và đứng trước thềm giai đoạn đầy thách thức để đạt được mục tiêu thiên niên kỷ, những kinh nghiệm quý báu về hợp tác Nam - Nam và hợp tác ba bên cần được coi trọng và phát huy nhằm bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh và nét tương đồng của các nền kinh tế trong khu vực. Tham gia sâu rộng vào các hình thức hợp tác Nam - Nam và ba bên giúp Việt Nam học tập, chia sẻ, và huy động các kinh nghiệm, tri thức, công nghệ, năng lực sẵn có, tăng cường gắn kết, phối hợp chính sách với các quốc gia khác, đồng thời tăng cường vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. 

Trong lĩnh vực khoa học - công nghệ nói chung và ứng dụng, phát triển năng lượng nguyên tử nói riêng, với vai trò là đầu mối quốc gia trong quản lý và thúc đẩy phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp, y tế, ..., trong nhiều năm qua, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã phối hợp với IAEA triển khai nhiều dự án hợp tác kỹ thuật (TC) quốc gia, khu vực và liên khu vực. Nhờ đó năng lực của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử đã đạt trình độ nhóm đầu tại khu vực. Trong khi đó, Lào và Campuchia là những quốc gia thành viên mới và bước đầu tham gia vào các chương trình hợp tác của IAEA, đồng thời cũng là các nước láng giềng có quan hệ đặc biệt với Việt Nam, có sự khởi điểm về ứng dụng năng lượng nguyên tử tương đồng với chúng ta hơn 40 năm trước.

Các diễn giả và chuyên gia tham dự cuộc họp.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các hoạt động dự án một cách bài bản, các bên đã ký kết Thỏa thuận hợp tác ba bên Việt Nam - IAEA - Lào và Việt Nam - IAEA - Campuchia vào ngày 17/9/2019 tại thủ đô Viên, Cộng hòa Áo trong khuôn khổ Đại hội đồng IAEA lần thứ 63. Việc ký kết các Thỏa thuận là cơ hội tốt để Việt Nam nâng cao vị thế trong khu vực về lĩnh vực khoa học và công nghệ, góp phần tăng cường cơ chế hợp tác kỹ thuật giữa các quốc gia đang phát triển cũng như thúc đẩy hợp tác Nam - Nam theo đúng tinh thần hội nhập quốc tế mà Nhà nước ta đã đề ra. Thông qua Dự án, một mặt Việt Nam có thể hỗ trợ IAEA trong việc hướng dẫn Lào và Cam-pu-chia xây dựng dự án, mặt khác có thể cung cấp hỗ trợ kỹ thuật về ứng dụng năng lượng nguyên tử cho nước bạn trên cơ sở năng lực kỹ thuật hiện tại của quốc gia, cũng như xây dựng hạ tầng pháp quy để sử dụng năng lượng nguyên tử một cách an toàn và an ninh.

Thực tiễn triển khai các dự án hợp tác Nam-Nam và hợp tác ba bên cho thấy cần kết hợp hài hòa khả năng của Việt Nam với nhu cầu của các nước đang phát triển; bảo đảm các dự án hợp tác mang lại kết quả thiết thực cho người dân sở tại và kết hợp hiệu quả hỗ trợ tài chính của các đối tác phát triển với kinh nghiệm, kỹ thuật của Việt Nam trong các dự án này.

Cũng tại sự kiện, các diễn giả khác đã chia sẻ kinh nghiệm của mình về hợp tác Nam – Nam và vấn đề an ninh lương thực tại Thái Lan, xử lý vi nhựa tại Mỹ La-tinh, bảo vệ sức khỏe con người tại châu Phi, hợp tác Nam – Nam tại các quốc đảo nhỏ đang phát triển, an ninh năng lượng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương,…

Bên lề Triển lãm, bà Trần Bích Ngọc cũng đã tham dự Lễ kỷ niệm ngày Liên hợp quốc về hợp tác Nam – Nam, Diễn đàn các nhà Lãnh đạo toàn cầu thúc đẩy hợp tác Nam – Nam và hợp tác ba bên.

 

Nguồn: Cục Năng lượng nguyên tử

Lượt xem: 648

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)