Thứ bảy, 17/09/2022 20:20 GMT+7

“Sử dụng tài sản trí tuệ để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh”

Ngày 8/9, tại TP.HCM, Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tổ chức Hội thảo “Sử dụng tài sản trí tuệ để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh”.

Toàn cảnh Hội thảo “Sử dụng tài sản trí tuệ để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh”.

Tham dự Hội thảo, có ông Hasan Kleib – Phó Tổng Giám đốc WIPO phụ trách các vấn đề về hợp tác phát triển quốc gia và khu vực; bà Alexandra Bhattacharya, Cán bộ chương trình, Văn phòng Phó Tổng Giám đốc; bà Yaning Zhang, Chuyên gia dự án, Văn phòng Phó Tổng Giám đốc; hai diễn giả của WIPO tham gia trực tuyến từ đầu cầu Geneva, Thụy Sĩ; ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) và hơn 70 đại biểu đến từ các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, trường đại học và một số cơ quan quản lý nhà nước.

Hội thảo “Sử dụng tài sản trí tuệ để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh” là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện nhân dịp ông Hasan Kleib - Phó Tổng Giám đốc WIPO và các cán bộ của WIPO sang thăm và làm việc tại Việt Nam. Hội thảo nhằm chia sẻ thông tin liên quan đến các chính sách, chương trình của WIPO và Việt Nam trong việc hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ (TSTT). Đồng thời, một số doanh nghiệp cũng chia sẻ kinh nghiệm thành công từ việc bảo hộ SHTT trong và ngoài nước.
 

Ông Hasan Kleib - Phó Tổng Giám đốc WIPO khẳng định tầm quan trọng của việc sử dụng tài sản trí tuệ đối với các doanh nghiệp

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Hasan Kleib - Phó Tổng Giám đốc WIPO khẳng định tầm quan trọng của việc sử dụng TSTT đối với các doanh nghiệp. Việt Nam cần phát triển TSTT như một công cụ để thúc đẩy tăng trưởng phát triển kinh tế. Hơn nữa, ông Hasan Kleib cũng bày tỏ sự ấn tượng số lượng hồ sơ xin đăng ký sáng chế ở Việt Nam tăng gấp 3 lần cũng như những lĩnh vực khác tăng tới 50%.

“Tài sản trí tuệ không chỉ thuộc về phạm trù kỹ thuật, pháp lý mà còn là công cụ để phát triển kinh tế, tăng trưởng cho doanh nghiệp. Hơn nữa, TSTT không chỉ dành cho công ty lớn mà còn dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Ngày nay, TSTT không chỉ là bằng sáng chế mà còn là những thương hiệu, thiết kế và nhãn hiệu. Chúng ta thấy được rằng, TSTT không phải là điều xa vời mà chính là tài sản mọi người dùng”, ông Hasan Kleib chia sẻ.

Hiện nay, ở các nước đang phát triển, tỉ lệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khoảng 90%. Ở Indonesia chiếm 99,3% và tại Việt Nam con số này là 98%. Tại châu Âu, 9% các công ty sử dụng TSTT và tạo ra 70% tăng trưởng cho chính những công ty đó. Có thể thấy, việc sử dụng TSTT để thúc đẩy hoạt động kinh doanh là điều các doanh nghiệp cần quan tâm, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ông Hasan Kleib cũng lưu ý, nhiều doanh nghiệp nhỏ mang tâm lý “nóng vội” tạo ra sản phẩm và nhanh chóng chuyển dịch mà chưa nghĩ đến việc phải bảo vệ sản phẩm như thế nào. Nếu sản phẩm không được bảo vệ tài sản vô hình, trường hợp xấu khoảng 2 - 3 tuần sau đó sẽ xuất hiện những sản phẩm nhái đầy thị trường. Lúc này, nguồn cung tăng dẫn đến mất giá. Khuyến cáo của ông Hasan Kleib cho vấn đề trên là các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần hiểu được TSTT để bảo vệ sản phẩm của mình.
 

Ông Trần Lê Hồng - Phó Cục trưởng Cục SHTT nêu lên thực tế các doanh nghiệp trên thế giới có tài sản trí tuệ chiếm đến 90-95% thì Việt Nam đang ở một con số khiêm tốn.

Cũng tại Hội thảo, ông Trần Lê Hồng - Phó Cục trưởng Cục SHTT đã nhắc đến hai nội dung quan trọng. Thứ nhất, mục tiêu của Việt Nam được xác định trong Văn kiện của Đại hội Đảng, nước ta cơ bản là nước phát triển vào năm 2045. Thứ hai, Việt Nam phải làm sao thoát khỏi thu nhập trung bình - vấn đề mà nhiều quốc gia chưa giải quyết được.

 “Tôi nghĩ rằng, chúng ta thấy bối cảnh của chúng ta hiện nay là bối cảnh nền công nghiệp 4.0. Nói đến vấn đề Việt Nam trở thành nước phát triển hay Việt Nam thoát khỏi mức thu nhập trung bình, chúng ta phải dựa vào khoa học công nghệ. Một trong các tiêu chí là chỉ số về TSTT được tạo ra, sử dụng và được khai thác trong thực tế bởi các doanh nghiệp”, ông Trần Lê Hồng - Phó Cục trưởng Cục SHTT nhấn mạnh.

Theo đó, các doanh nghiệp cần phải thấy được sự phát triển, vận hành của hoạt động kinh doanh hiện tại. Với các doanh nghiệp trên thế giới, vấn đề TSTT chiếm đến 90 - 95% thì tại Việt Nam TSTT đang ở con số khiêm tốn. Ông Trần Lê Hồng - Phó Cục trưởng Cục SHTT cũng nêu lên vấn đề nếu không có cách thức tiếp cận mang tính chất đột phá trong các hoạt động thì khó đạt được những mục tiêu của Đảng và Nhà nước đặt ra.
 

Ba diễn giả từ ba góc độ khác nhau: tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước đã giải đáp những thắc mắc cũng như gợi ý cho các doanh nghiệp về vấn đề sử dụng tài sản trí tuệ.

Hai chuyên gia đến từ Bộ phận SHTT dành cho doanh nghiệp thuộc WIPO, ông Guy Pessarch và bà Tamara Nanayakkara đã trình bày tổng quan về vấn đề khai thác TSTT nhằm tối ưu hóa tiềm năng doanh nghiệp và giới thiệu những chương trình, công cụ hỗ trợ của WIPO giúp các doanh nghiệp quản lý tốt quyền SHTT của mình, cụ thể là các sách, tài liệu hướng dẫn, các phần mềm “chẩn đoán” tình trạng SHTT của doanh nghiệp (IP Diagnostic) hay chương trình chuyên gia tư vấn quản lý TSTT cho doanh nghiệp (IP Management Clinics)… Các tài liệu, phần mềm này sẵn có trên trang web của WIPO, các doanh nghiệp có thể truy cập để sử dụng. Theo kế hoạch, một số hoạt động, chương trình thời gian tới cũng sẽ được triển khai ở Việt Nam như phát triển các tổ chức trung gian hỗ trợ doanh nghiệp quản lý TSTT, các khóa đào tạo, tập huấn hoặc tư vấn về SHTT…
 

Trần Giang Khuê - Trưởng VPĐD Cục SHTT tại TPHCM phát biểu Hội thảo.

Ông Trần Giang Khuê – Trưởng Văn phòng đại diện của Cục SHTT đã đưa ra bức tranh tổng quan về các chính sách của Việt Nam trong việc hỗ trợ phát triển TSTT của doanh nghiệp từ trung ương đến địa phương, một số những kết quả đã đạt được từ các chương trình được triển khai của Bộ KH&CN.

Phần thảo luận, giao lưu giữa các đại biểu với các chuyên gia cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay thực sự còn vướng mắc nhiều vấn đề trong lĩnh vực SHTT, trước tiên có thể thấy nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc bảo hộ quyền SHTT dẫn tới không phát huy được tối đa giá trị TSTT vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp rất quan tâm về các chính sách, cơ chế tài chính trong lĩnh vực SHTT, mong muốn được học hỏi kinh nghiệm quốc tế và sự hỗ trợ của WIPO trong việc nâng cao các kỹ năng chuyên sâu, các mẫu điển hình về thương mại hóa, định giá TSTT.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 1807

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)