Thứ năm, 13/10/2022 20:13 GMT+7

Nghiên cứu ảnh hưởng của Olefin trong xăng thương phẩm đến chất lượng khí thải và hoạt động của động cơ

Ngày 30/9, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) tổ chức Hội thảo khoa học “Nghiên cứu ảnh hưởng của olefin trong xăng thương phẩm đến chất lượng khí thải và hoạt động của động cơ phương tiện giao thông đường bộ”.

Tham dự Hội thảo có TS. Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, ông Phạm Minh Thành – Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT), ông Mai Tuấn Đạt – Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần lọc hoá dầu Bình Sơn, ông Triệu Việt Phương – Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (TCCL Việt Nam) cùng đại diện các Bộ: Công thương, GTVT, Tài nguyên và Môi trường, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô, xe máy, nhà khoa học thuộc các Viện nghiên cứu và trường Đại học.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hoàng Linh cho biết: “Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Viêt Nam là đơn vị tham mưu giúp Tổng cục tổ chức nghiên cứu, xây dựng các tiêu chuẩn về xăng dầu, với sự tham gia của Ban kĩ thuật về xăng dầu, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, đại diện Hiệp hội Người tiêu dùng… 

Trong 4 năm qua có rất nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến chủ đề hội thảo ngày hôm nay đó là hàm lượng Olefin trong tiêu chuẩn nên quy định như thế nào cho phù hợp điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Bản chất Olefin có tác động đến động cơ hay không, có ảnh hưởng đến môi trường hay không?

Trong bối cảnh hiện nay, các nước cũng có những quy định khác nhau, có nước quy định thấp, có nước quy định vừa phải. Chính vì vậy, trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu liên quan nhưng trong phạm vi, với giới hạn năng lực tiêu chuẩn thì cũng yêu cầu rà soát. Theo tìm hiểu của Viện TCCL Việt Nam, các công bố trên thế giới chỉ đánh giá một khía cạnh trong xăng, chưa có nghiên cứu nào đánh giá một cách toàn diện ảnh hưởng của Olefin đối với chất lượng khí thải và hoạt động của động cơ. Các nghiên cứu cũng chưa chỉ ra sự ảnh hưởng rõ ràng của Olefin đến chất lượng khí thải và hoạt động của động cơ”.

“Hội thảo mong muốn nhận được chia sẻ về vấn đề này. Chủ đề này sẽ giải quyết bài toán rất lớn đặt ra đối với Việt Nam trong việc xem xét định hướng sản xuất kinh doanh, chế biến xăng dầu cũng như hoạch định về tiêu chuẩn chất lượng xăng dầu thời gian tới”, Phó tổng cục trưởng nhấn mạnh.
 

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Nguyễn Hoàng Linh.

Tại Hội thảo, chia sẻ về đề tài nghiên cứu, ông Triệu Việt Phương – Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam đánh giá đây là đề tài cấp thiết, thú vị nhưng nhiều thách thức, khó khăn trong quá trình triển khai nghiên cứu. Trong quá trình thực hiện, Viện TCCLVN đã phối hợp với các nhà khoa học, chuyên gia hoá dầu, động cơ xây dựng và thực hiện các nội dung nghiên cứu ảnh hưởng của Olefin trong xăng đến chất lượng khí thải và hoạt động của động cơ.

Cũng tại Hội thảo, ông Mai Tuấn Đạt – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần lọc hoá dầu Bình Sơn chia sẻ tình hình sản xuất của nhà máy lọc dầu Dung Quất và đánh giá đây là nghiên cứu rất quan trọng trong việc hoạch định phát triển và cải tiến hệ thống dây chuyền sản xuất của nhà máy.

Tiếp theo, các diễn giả đã có những tham luận luận giải sự cần thiết và phương pháp nghiên cứu đề tài; báo cáo tổng quan tình hình sử dụng nhiên liệu; báo cáo chế tạo mẫu và ảnh hưởng của Olefin đến chất lượng xăng nhiên liệu; báo cáo phương pháp thử khí thải và hoạt động của động cơ; báo cáo ảnh hưởng của Olefin đến chất lượng khí thải và hoạt động của động cơ.

Từ kết quả thu được, nhóm nghiên cứu nhận thấy không có sự khác biệt rõ ràng giữa 2 mẫu xăng mức 3 có hàm lượng Olefin 30% và 38%, cũng như giữa 2 mẫu xăng mức 5 có hàm lượng Olefin 18% và 30% tới chất lượng khí thải và hoạt động của động cơ.
 

 Ông Mai Tuấn Đạt – Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần lọc hoá dầu Bình Sơn.

Sau phần trình bày của các diễn giả, hội thảo đã nhận được rất nhiều đánh giá tích cực của các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp và hiệp hội. Rất nhiều câu hỏi đưa ra đã được diễn giả trả lời và làm rõ. Đại diện Hiệp hội sản xuất ô tô (VAMA) đưa ra ý kiến thời gian chạy thực tế nên kéo dài khoảng 30.000 km để đánh giá rõ hơn ảnh hưởng của olefin. Nhóm đề tài đã ghi nhận và đề xuất kiến nghị thực hiện pha 2 của đề tài.

PGS. TS. Phạm Hữu Tuyến cũng chia sẻ thêm, sau quãng đường 5.000 km chạy thực tế, nếu ảnh hưởng của Olefin là lớn thì đã có sự khác biệt về đặc tính kinh tế kỹ thuật và khí thải của động cơ. Theo kết quả thử nghiệm không có sự khác biệt rõ ràng sau 5.000 km nên ảnh hưởng của Olefin là nhỏ hoặc không rõ ràng. Kết thúc phần hỏi đáp sôi nổi, các đại biểu cho rằng nghiên cứu này là cơ sở khoa học ban đầu giúp các nhà khoa học, nhà quản lý trong quá trình hoạch định quá trình xem xét xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn trong thời gian sắp tới.

 

Nguồn: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Lượt xem: 1794

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)