Thứ ba, 22/11/2022 16:36 GMT+7

Viện Công nghệ xạ hiếm tiếp đón và thảo luận hợp tác với Tập đoàn Star Group Industries Co. Ltd (SGI) – Hàn Quốc

Trong hai ngày 08 và 09/11/2022, Tập đoàn công nghiệp Star Group Industries Co. Ltd. – Hàn Quốc (SGI) và Viện Công nghệ xạ hiếm – Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (ITRRE) đã có các buổi làm việc chung để tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực chế biến đất hiếm.

Về phía ITRRE có đại diện là TS. Nguyễn Trọng Hùng – Phó Viện trưởng, PGS. TS. Lê Bá Thuận – chuyên gia đất hiếm cùng thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Viện. Về phía SGI có ông Koon Seung Kong, Chủ tịch Tập đoàn cùng các trưởng bộ phận.

Nam châm đất hiếm chứa neodim (Nd), samari (Sm), dysprozi (Dy) và tecbi (Tb) là vật liệu chiến lược quan trọng được sử dụng trong nhiều lĩnh vực từ thiết bị gia dụng, điện thoại di động, ổ cứng máy tính, động cơ xe điện, tuốc bin gió, đến thiết bị quân sự, … SGI là Tập đoàn sản xuất nam châm đất hiếm Nd, Sm, Dy, Tb của Hàn Quốc có trụ sở tại Daegu, Hàn Quốc. SGI đã hoạt động hơn 28 năm và gần đây Tập đoàn mở rộng hoạt động tại Khu kinh tế Chân Mây Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhà máy sản xuất nam châm đặt tại Việt Nam dự kiến ​​sẽ đi vào hoạt động vào đầu năm 2024 (đã xây dựng xong cơ sở hạ tầng) với công suất thiêu kết 5.000 tpa.

Được biết ITRRE là Viện nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực đất hiếm; do vậy mục đích chuyến thăm Viện của SGI là tìm đối tác hợp tác để phát triển ngành công nghiệp đất hiếm Việt Nam, chủ động cung cấp các nguyên tố đất hiếm nhóm nhẹ Nd và Sm, và các nguyên tố nhóm nặng Dy và Tb từ nguồn khoáng đất hiếm Việt Nam, ở quy mô lớn để phục vụ cho việc sản xuất nam châm đất hiếm của Tập đoàn tại Việt Nam.

Trong nội dung buổi làm việc, TS. Nguyễn Trọng Hùng đã giới thiệu với Tập đoàn tài nguyên đất hiếm Việt Nam, các công nghệ chế biến sâu đất hiếm và các thành tựu nghiên cứu KH&CN của ITRRE trong lĩnh vực đất hiếm. Các thành tựu đạt được thông qua quá trình thực hiện các nhiệm vụ KH&CN về chế biến sâu mỏ đất hiếm Đông Pao (Nghị định thư giữa Việt Nam và Hàn Quốc 2000-2010, Nghị định thư giữa Việt Nam và Nhật Bản 2010-2016), mỏ đất hiếm Yên Phú (Đề tài KH&CN cấp Nhà Nước năm 2013-2016), các đề tài KH&CN cấp Bộ 2019-2021 về nghiên cứu điều chế kim loại Dy và Tb, 2020-2022 về nghiên cứu phân chia-tinh chế tổng đất hiếm Bến Đền và các hợp tác KH&CN với các công ty Việt Nam (Công ty cổ phần tập đoàn Thái Dương, Công ty cổ phần đất hiếm Việt Nam, …); qua đó ITRRE đã làm chủ các công nghệ chế biến sâu đất hiếm, từ công nghệ tuyển quặng thu nhận tinh quặng đất hiếm đến công nghệ thủy luyện thu nhận tổng đất hiếm và tiếp đến là công nghệ phân chia-tinh chế, luyện kim thu nhận các sản phẩm cuối cùng là các oxit và kim loại đất hiếm riêng rẽ độ sạch cao, có giá trị gia tăng cao. Phía Tập đoàn SGI cũng giới thiệu về lĩnh vực hoạt động và nhu cầu cụ thể của Tập đoàn.
 


Thảo luận tại cơ sở 48 Láng Hạ, Viện CNXH

Sau buổi làm việc tại 48 Láng Hạ, đại diện Tập đoàn SGI đã có chuyến tham quan và thảo luận tại cơ sở 2 của Viện Công nghệ xạ hiếm tại Phùng (xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng, Hà Nội). Đây là cơ sở thực hiện các hoạt động nghiên cứu triển khai quy mô lớn của Viện Công nghệ xạ hiếm. Tại đây, Tập đoàn đã tham quan hệ thống thiết bị công nghệ hiện đại nhất Việt Nam về nghiên cứu chế biến sâu đất hiếm quy mô pilot, từ giai đoạn tuyển, thủy luyện đến giai đoạn chiết dung môi phân chia-tinh chế thu nhận các nguyên tố đất hiếm riêng rẽ độ sạch cao; đặc biệt là các thiết bị phân tích hiện đại ICP-OES, AAS phục vụ đắc lực, không thể thiếu cho các quá trình nghiên cứu trên.

Việt Nam có nguồn tài nguyên đất hiếm rất phong phú, ITRRE là cơ quan Chính phủ nghiên cứu chuyên sâu về nguyên tố hiếm, Tập đoàn SGI có công nghệ tiên tiến trong sản xuất các sản phẩm nam châm đất hiếm có giá trị cao trong công nghiệp và đang đầu tư tại Việt Nam. Do vậy, hai bên nhận thấy rằng hợp tác về công nghệ đất hiếm rất cần thiết để phát triển ngành công nghiệp đất hiếm Việt Nam và cũng đồng thời chủ động cung cấp nguồn nguyên liệu đất hiếm cho các hoạt động của Tập đoàn. Như vậy, hợp tác sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên. SGI cùng với Viện KIGAM sẽ phối hợp xây dựng hợp tác trong lĩnh vực đất hiếm với ITRRE.


SGI tham quan hệ thống thiết bị công nghệ và phân tích đất hiếm tại cơ sở Phùng, Viện CNXH

 

Nguồn: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam

Lượt xem: 2969

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)