Thứ sáu, 25/11/2022 16:18 GMT+7

Chiến lược tiêu chuẩn hóa - hỗ trợ khả năng cạnh tranh, đổi mới sáng tạo của mọi quốc gia

Các quốc gia cần phải đặt ra tầm nhìn chiến lược trong phát triển tiêu chuẩn để hỗ trợ khả năng cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, cải thiện sức khỏe và an toàn của quốc gia mình, cũng như tăng cường thương mại toàn cầu, đưa ra các định hướng phát triển, đồng thời tham gia vào quá trình phát triển các tiêu chuẩn quốc tế.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, các giao dịch quốc tế về hàng hoá và dịch vụ đang mở rộng, việc sử dụng tiêu chuẩn quốc tế (ISO, IEC…) nhằm loại bỏ các rào cản kỹ thuật đối với thương mại quốc tế được WTO đặc biệt quan tâm, và là yêu cầu tối thiểu đối với hàng hóa của các nước khi thâm nhập vào thị trường toàn cầu, vì vậy các quốc gia cần phải đặt ra tầm nhìn chiến lược trong phát triển tiêu chuẩn để hỗ trợ khả năng cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, cải thiện sức khỏe và an toàn của quốc gia mình, cũng như tăng cường thương mại toàn cầu, đưa ra các định hướng phát triển, đồng thời tham gia vào quá trình phát triển các tiêu chuẩn quốc tế.

Nói cách khác, tiêu chuẩn hóa quốc tế có giá trị chiến lược trong chính sách kinh tế của mỗi quốc gia. Tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương năm 2018 (APEC), Tiểu ban Tiêu chuẩn và Đánh giá sự phù hợp (APEC/SCSC1) cũng khuyến khích các quốc gia thành viên xây dựng Chiến lược tiêu chuẩn hóa và tại Hội nghị này đã thông qua “Hướng dẫn của APEC về Cấu trúc hạ tầng Tiêu chuẩn” (APEC Guidelines on Standards Infrastructure) theo đó nhận định mục tiêu của chiến lược tiêu chuẩn hoá quốc gia nằm trong việc cung cấp điều kiện cần thiết cho các ngành công nghiệp để tối ưu hóa việc sử dụng tiêu chuẩn. Hoạt động tiêu chuẩn hóa cần có tầm nhìn, định hướng, mục tiêu cũng như quan điểm chỉ đạo rõ ràng để hoạch định, điều chỉnh, thực thi và đánh giá các hoạt động tiêu chuẩn hóa ở cấp quốc gia cũng như ở cấp ngành.

Kinh nghiệm quốc tế, các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế như Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (IEC), Liên minh viễn thông quốc tế (ITU), Ủy ban Tiêu chuẩn Châu Âu CEN/CENELIC hoặc các quốc gia như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật bản, Đức, Pháp, Hàn Quốc, Zămbia, Indonesia… đã ban hành chiến lược tiêu chuẩn hóa nhằm xác định nguyên tắc, định hướng cơ bản, thiết lập chương trình hành động tổng thể, phát triển hệ thống tiêu chuẩn trên phạm vi toàn cầu hoặc quốc gia.
 

 Ảnh minh họa.

Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) đã công bố Chiến lược ISO 2030, trong đó thiết lập tầm nhìn và sứ mệnh của tổ chức nhằm làm cho cuộc sống dễ dàng hơn, an toàn hơn và tốt hơn - được hỗ trợ bởi một loạt các mục tiêu và ưu tiên có thể hành động. Với nỗ lực hợp tác, các thành viên từ 167 quốc gia đã đóng góp vào việc phát triển, hoàn thiện và công bố tiêu chuẩn. Chiến lược ISO 2030 xác định bốn "động lực chính của sự thay đổi" là các lĩnh vực mà Tiêu chuẩn quốc tế có tác động và có mức độ liên quan nhiều nhất trên toàn cầu, đó là: kinh tế, công nghệ, xã hội và môi trường. Chiến lược kết hợp sáu hành động ưu tiên của ISO để đạt được mục tiêu và tối đa hóa tác động của nó. Bằng tầm nhìn đến năm 2030, chiến lược này cho phép ISO áp dụng cách tiếp cận dài hạn đối với các vấn đề toàn cầu mà quy mô “không thể giải quyết một cách thực tế” trong khoảng thời gian 5 năm.

Chiến lược ISO 2030 cũng tạo cơ hội cho ISO cam kết tập trung nhất quán vào sự phát triển của chính hệ thống tiêu chuẩn hóa trên cơ sở đồng thuận và tiến bộ.

Tại Hoa Kỳ, Chiến lược Tiêu chuẩn hóa Hoa Kỳ (USSS), tiền thân là Chiến lược Tiêu chuẩn hóa Quốc gia (NSS), được soạn thảo bởi Viện Tiêu chuẩn Quốc gia Hoa Kỳ (ANSI) và phê duyệt lần đầu vào tháng 8 năm 2000. Chiến lược là thành quả của nỗ lực phối hợp giữa các bên liên quan trong ngành, các tổ chức tiêu chuẩn, tập đoàn, nhóm người tiêu dùng, chính phủ và các viện nghiên cứu. USSS đặt ra tầm nhìn chiến lược để hỗ trợ khả năng cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, cải thiện sức khỏe và an toàn của Hoa Kỳ và thương mại toàn cầu, hướng dẫn cách Hoa Kỳ phát triển và sử dụng các tiêu chuẩn, đồng thời tham gia vào quá trình phát triển các tiêu chuẩn quốc tế. USSS được cập nhật 5 năm một lần để đảm bảo việc tiếp tục đáp ứng các nhu cầu, lợi ích đa dạng của Hoa Kỳ, phản ánh những tiến bộ về công nghệ, các lĩnh vực tăng trưởng của ngành, các ưu tiên quốc gia và quốc tế, cũng như cập nhật những chính sách liên quan của chính phủ Hoa Kỳ. Chiến lược khẳng định rằng Hoa Kỳ cam kết thực hiện hoạt động tiêu chuẩn hóa tự nguyện qua hình thức tiếp cận dựa trên lĩnh vực, trên phạm vi cả nước và toàn cầu. USSS thiết lập một khung tiêu chuẩn hóa được xây dựng dựa trên những điểm mạnh truyền thống của hệ thống Hoa Kỳ tính đồng thuận, cởi mở và minh bạch.

Một ví dụ điển hình là Trung Quốc, ngay sau khi ra nhập WTO, đã bắt tay xây dựng và triển khai chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia. Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia của Trung Quốc đã thay đổi mạnh mẽ toàn bộ hệ thống tiêu chuẩn quốc gia. Trung Quốc đã xây dựng các tiêu chuẩn của mình trở thành một công cụ hữu ích để không những hỗ trợ hiệu quả sản xuất kinh doanh trong nước mà còn đưa hàng hóa, dịch vụ vươn tầm hàng đầu thế giới trong một số lĩnh vực then chốt như hàng không, công nghiệp chế tạo, điện-điện tử, công nghệ bán dẫn, y dược cổ truyền... Trung Quốc đã rà soát và thay đổi khoảng 85% tiêu chuẩn quốc gia để đảm bảo hài hòa với quốc tế và khu vực. Với định hướng đặt ra các tiêu chuẩn kỹ thuật phải cao để các doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ, phương thức quản lý, nâng cao năng lực sản xuất, tạo đòn bẩy cho hàng hóa Trung Quốc vương ra thế giới.

Đồng thời, đưa các chuyên gia Trung Quốc tham gia sâu vào hầu hết ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế; hiện nay họ giữ nhiều vị trí quan trọng như chủ tịch, trưởng ban kỹ thuật, điều phối chương trình... trong các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế ISO, IEC, ITU. Trong một thời gian ngắn, Trung Quốc tiếp cận, khai thác hiệu quả thành tựu KH&CN quốc tế, đạt được thành tựu to lớn, đưa nước này từ một quốc gia làm thuê, gia công, được ví như công xưởng cho các tập đoàn quốc tế, trở thành một nước đi tiên phong và làm chủ về công nghệ mới với những tập đoàn hàng đầu thế giới, đời sống của người dân được nâng cao rõ rệt, từ một quốc gia thu nhập thấp trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao và theo tiêu chuẩn mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), Trung Quốc hy vọng chính thức đứng vào hàng ngũ các nước có thu nhập cao vào năm 2025.

 

Nguồn: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Lượt xem: 1239

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)