Thứ sáu, 25/11/2022 16:15 GMT+7

Cơ sở pháp lý cho việc xây dựng Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia đến năm 2030

Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia được dựa trên nguyên tắc thống nhất, tự nguyện và chia sẻ, đưa hoạt động tiêu chuẩn hóa trở thành động lực quan trọng, có vai trò dẫn dắt, thúc đẩy sự phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia. Bên cạnh đó, tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về tiêu chuẩn, tạo hành lang pháp lý để bảo đảm hoạt động tiêu chuẩn hóa của Việt Nam.

Thực hiện Khoản 2 Điều 59 Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật về việc giao Bộ KH&CN có trách nhiệm xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, chiến lược về hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 4560/VPCP-KGVX ngày 21/7/2022 của Văn phòng Chính phủ về việc xây dựng Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia đến năm 2030, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì, phối hợp các bộ, ngành và địa phương xây dựng dự thảo “Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia đến năm 2030”.

Tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân, chuyên gia và hiệp hội liên quan, Bộ KH&CN đã rà soát, xây dựng, hoàn thiện dự thảo “Chiến lược Tiêu chuẩn hóa quốc gia đến năm 2030”. Về cơ sở pháp lý, theo Bộ KH&CN, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và cơ chế thúc đẩy việc xây dựng các tiêu chuẩn, đưa tiêu chuẩn trở thành công cụ hữu hiệu để phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Cụ thể, Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong đó có chủ trương “Ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia làm nền tảng cho việc ứng dụng và phát triển các công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong sản xuất và đời sống. Tạo lập đồng bộ và kịp thời khung pháp lý và hệ thống chính sách để triển khai và phát triển các công nghệ mới. Xây dựng và triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế”.

Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 yêu cầu “rà soát, sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia trong lĩnh vực năng lượng phù hợp với các quy định, tiêu chuẩn quốc tế, có xét đến các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia liên quan đến việc tái chế, sử dụng chất thải từ quá trình sản xuất năng lượng".

Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 06/8/2020 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ có giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ: chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng, thẩm định và công bố các tiêu chuẩn quốc gia (TCVN); thẩm định dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) đối với các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô, cơ khí, điện tử, dệt may, da giày, nâng cao tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, phù hợp các cam kết quốc tế, khu vực và quy định của pháp luật.

Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 03/9/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22 tháng 3 năm 2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 giao Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các bộ, ngành “Triển khai có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp” và “Đẩy mạnh hoạt động xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật qốc gia, hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực và tiêu chuẩn nước ngoài tiên tiến”.
 

Ảnh minh hoạ

Nghị quyết số 136/NQ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ về phát triển bền vững yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ “rà soát, sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, tái chế, sử dụng chất thải từ quá trình sản xuất năng lượng phù hợp với các quy định, tiêu chuẩn quốc tế”;

Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 02/10/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có giao Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ cao, công nghệ chủ chốt, phù hợp với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương “Xây dựng và phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI), nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng”.

Quyết định 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó giao Bộ Khoa học và Công nghệ “Tổ chức thẩm định, công bố các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia liên quan đến việc sản xuất và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo theo đề nghị của các bộ, cơ quan liên quan”;

Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030 có mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Quyết định số 2289/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030 giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng và ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, dịch vụ theo thông lệ quốc tế phục vụ việc tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; hợp tác với doanh nghiệp để bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp với thực tiễn và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới.

Quyết định 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 có đề ra nhiệm vụ giải pháp chủ yếu phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong đó có nhiệm vụ “Triển khai mạnh mẽ hạ tầng chất lượng quốc gia theo hướng tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương, đồng bộ, hiện đại và gắn với công nghiệp 4.0, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Xây dựng chỉ số Hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI) trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành khoa học và công nghệ”.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII thông qua có đề ra giải pháp “Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”.

Nhằm triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách nêu trên, Việt Nam cần thiết lập cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động tiêu chuẩn hóa, đề ra các định hướng cơ bản, thiết lập chương trình hành động tổng thể, tạo cơ sở hạ tầng cho phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo hội nhập quốc tế.

 

Nguồn: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Lượt xem: 1820

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)