Tham dự Hội thảo có ông Craig Everton, Trưởng ban Thanh sát A3 và các chuyên gia của IAEA; các đại biểu quốc tế đến từ các quốc gia trong khu vực đặc biệt là các quốc gia là thành viên của Mạng lưới Thanh sát hạt nhân Châu Á - Thái Bình Dương (APSN) và các đại biểu trong nước đại diện các đơn vị có liên quan.
Hội thảo nhằm mục đích nâng cao nhận thức về việc triển khai thực hiện thanh sát hạt nhân, cũng như để tăng cường năng lực thanh sát hạt nhân tại quốc gia của mình thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm, thông tin và hỗ trợ quốc tế.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phạm Văn Toàn nhấn mạnh, với sự hỗ trợ và hợp tác tích cực của IAEA, Việt Nam đến nay đã tham gia hầu hết các văn kiện quan trọng liên quan về không phổ biến vũ khí hạt nhân như Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (1982), Hiệp ước về khu vực Đông Nam Á không vũ khí hạt nhân (1997), Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (1996), Hiệp định thanh sát hạt nhân toàn diện (1989) và Nghị định thư bổ sung cho Hiệp định thanh sát (2007). Với trách nhiệm là quốc gia thành viên, việc thực hiện các biện pháp thanh sát ở Việt Nam đã được quan tâm và thúc đẩy rõ rệt.
Việc tổ chức sự kiện này trong năm 2022 có ý nghĩa quan trọng, đây là năm Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch của Mạng APSN, khẳng định tầm quan trọng của việc thực hiện thanh sát hạt nhân, không chỉ đối với việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kiểm soát hạt nhân nói riêng, mà còn đối với việc thực hiện cam kết quốc gia trong việc duy trì sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình nói chung. Kể từ khi là thành viên của các văn kiện liên quan về không phổ biến vũ khí hạt nhân, việc thực hiện các biện pháp thanh sát ở Việt Nam đã được thúc đẩy với sự hỗ trợ và hợp tác tích cực của IAEA và mạng lưới các quốc gia trong khu vực và quốc tế.
Phó Cục trưởng bày tỏ mong muốn Hội thảo APSN-IAEA về thanh sát hạt nhân sẽ là một diễn đàn hữu ích, cung cấp những thông tin mới, được cập nhật trong lĩnh vực này, đồng thời, với sự hướng dẫn của các chuyên gia IAEA, các đại biểu có thể vận dụng hiệu quả các quy tắc và phương pháp tiếp cận cơ bản về tình trạng và mức độ phát triển vật liệu hạt nhân tương ứng tại quốc gia mình. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để các đại biểu có thể chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin về các chủ đề cụ thể như phương pháp tiến hành thanh sát, các nội dung của Nghị định thư về thanh sát bổ sung (additional protocol) và các nghĩa vụ khác theo cam kết quốc tế.
Trong 2 ngày Hội thảo, các đại biểu tham dự thảo luận về một số chủ đề như xác định và báo cáo vật liệu hạt nhân trong các ứng dụng phi hạt nhân, chương trình thanh sát của IAEA, quản lý và hỗ trợ thanh tra,…. Các đại biểu cũng chia sẻ về tình hình triển khai thanh sát hạt nhân tại các quốc gia thành viên.
Mạng lưới thanh sát hạt nhân Châu Á - Thái Bình Dương (Asia Pacific Safeguards Network - APSN) là mạng lưới của các tổ chức thực hiện thanh sát hạt nhân của các quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Mục đích của Mạng lưới này nhằm tăng cường trao đổi thông tin, kiến thức và kinh nghiệm thực tế về thực hiện thanh sát hạt nhân giữa các thành viên, từ đó giúp nâng cao năng lực về thực hiện thanh sát của khu vực này theo quy định của IAEA. Việt Nam là thành viên kể từ khi Mạng lưới được thành lập năm 2009 và Cục ATBXHN được giao là Cơ quan đầu mối triển khai thực hiện./.