Thứ hai, 26/12/2022 21:30 GMT+7

Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng: Thích ứng linh hoạt, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ

Ngày 23/12, Khối cơ quan Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) tổ chức Hội nghị công chức và người lao động năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023.

Tham dự Hội nghị có ông Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TCĐLCL; ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL, cùng đại diện các đơn vị chức năng của Tổng cục.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL cho biết, năm 2022 là một năm hết sức đặc biệt, chúng ta đã gặp rất nhiều khó khăn và thách thức không chỉ với Tổng cục TCĐLCL mà còn cả với toàn ngành khoa học, công nghệ. Năm 2022 là năm thứ hai triển khai chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030) và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025), với tinh thần trách nhiệm cao, toàn thể cán bộ công chức và người lao động đã triển khai cơ bản các nhiệm vụ theo kế hoạch, đặc biệt là các nhiệm vụ đột xuất được giao, đạt được những kết quả quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trọng tâm của Tổng cục TCĐLCL cũng như của Bộ Khoa học và Công nghệ.

“Để phát huy hơn nữa trách nhiệm và tinh thần công việc, Hội nghị thảo luận tập trung các kết quả đã đạt được trong năm 2022, bên cạnh đó chia sẻ những khó khăn và vướng mắc, bàn về những cách thức phối hợp công việc giữa các đơn vị với nhau để triển khai được công việc một cách tốt nhất trong định hướng sắp tới”, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hoàng Linh nhấn mạnh.
 

Ông Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TCĐLCL phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Trong năm 2022, Khối cơ quan Tổng cục đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện các nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, duy trì chế độ làm việc theo quy chế, phân công nhiệm vụ rõ ràng; thống nhất và từng bước đổi mới trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; tích cực, sát sao chỉ đạo, giải quyết các vấn đề phát sinh; tăng cường kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước về TCĐLCL.

Cụ thể, về hoạt động tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, với chức năng là cơ quan tham mưu và đầu mối tổ chức triển khai thực hiện công tác tiêu chuẩn hóa, Khối cơ quan Tổng cục đã chủ động hướng dẫn, đôn đốc và phối hợp các Bộ, ngành, địa phương xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với nhóm sản phẩm hàng hóa chủ lực, hàng hóa chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cần cho phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với các yêu cầu, quy định của các Hiệp định thương mại quốc tế mà Việt Nam cam kết và tham gia thực hiện (WTO/TBT, EVFTA, CPTPP, RCEP…). Khối cơ quan Tổng cục đã kịp thời tổ chức triển khai, hướng dẫn, tổng hợp, lập và trình phê duyệt kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia (TCVN); theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình thực hiện việc xây dựng, soát xét TCVN theo kế hoạch đã được Bộ KH&CN phê duyệt; tham mưu Bộ KH&CN góp ý, thẩm định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) của các Bộ quản lý chuyên ngành.
 

Ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL.

Đồng thời, tổ chức tốt công tác tiếp nhận, góp ý, thẩm định, trình Bộ KH&CN công bố 496 TCVN (tăng 27,5% so với năm 2021), tập trung vào các lĩnh vực cơ khí chế tạo, sản phẩm nông nghiệp, tự động hóa, chuyển đổi số, đô thị thông minh, sản xuất thông minh, an ninh thông tin, an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, kiểm soát môi trường, giao thông đường bộ, vật liệu và công trình xây dựng…; theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình thực hiện việc xây dựng, soát xét TCVN theo kế hoạch đã được Bộ KH&CN phê duyệt; tham mưu Bộ KH&CN góp ý, tiếp nhận và thẩm định 32 dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) (giảm 18% so với năm 2021) của các Bộ quản lý chuyên ngành đảm bảo công tác quản lý nhà nước và hạn chế các rào cản, thủ tục hành chính, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp; hướng dẫn, góp ý 34 dự thảo quy chuẩn kỹ thuật địa phương (QCĐP) (tăng 25% so với năm 2021); góp ý 508 dự thảo tiêu chuẩn quốc tế ISO, IEC (tăng hơn 150% so với năm 2021), thành lập mới, gia hạn hoạt động 28 Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia (tăng 115% so với năm 2021).

Năm 2022, hệ thống TCVN, QCVN, QCĐP tiếp tục được hoàn thiện theo hướng đảm bảo tính hiệu quả, đồng bộ, thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, hội nhập quốc tế, năng suất chất lượng, nâng cao năng lực doanh nghiệp, tiếp cận thị trường xuất khẩu lớn. Bên cạnh đó, nhằm thống nhất, đơn giản, hài hòa, tối ưu hóa, tự nguyện và chia sẻ; đưa hoạt động tiêu chuẩn hóa trở thành động lực quan trọng, có vai trò dẫn dắt, thúc đẩy sự phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia, nâng cao năng suất chất lượng SPHH, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, năng lực đổi mới sáng tạo của quốc gia trong tiến trình hội nhập quốc tế, Khối cơ quan Tổng cục đã triển khai xây dựng hồ sơ dự thảo Chiến lược Tiêu chuẩn hóa quốc gia đến năm 2030, trình Lãnh đạo Tổng cục trình Bộ KH&CN để trình Chính phủ xem xét, ban hành (đã trình Bộ ký Công văn số 3090/BKHCN-TĐC ngày 27/10/2022 gửi xin ý kiến Bộ ngành, địa phương đối với dự thảo Tờ trình và Quyết định).

Về hoạt động quản lý đo lường, năm 2022, Khối cơ quan Tổng cục đã quan tâm chỉ đạo đối với công tác quản lý về đo lường, đặc biệt đối với việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống VBQPPL về đo lường nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý và kỹ thuật trong công tác QLNN thống nhất từ trung ương đến địa phương. Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác hướng dẫn, kiểm tra, tuyên truyền, giải đáp vướng mắc cho các Chi cục TCĐLCL tỉnh, thành phố và các tổ chức doanh nghiệp, người dân thực hiện đúng các VBQPPL về đo lường. Đối với công tác QLNN: trình ban hành 13 văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam (ĐLVN); thành lập 62 đoàn đánh giá tại cơ sở đối với các tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; quản lý, cấp giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường cho 100 lượt đơn vị (giảm 37% so với năm 2021); chỉ định hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường cho 72 lượt đơn vị (giảm 44% so với năm 2021); chứng nhận chuẩn đo lường dùng trực tiếp để kiểm định phương tiện đo nhóm 2 cho 137 lượt đơn vị (giảm 13% so với năm 2021); chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường cho 175 lượt đơn vị (giảm 18% so với năm 2021); phê duyệt 3321 mẫu phương tiện đo nhập khẩu, sản xuất trong nước (giảm 19% so với năm 2021); chỉ định tổ chức kiểm định đối chứng đồng hồ nước lạnh và công tơ điện cho 25 lượt đơn vị (tăng 47% so với năm 2021); hướng dẫn hơn 430 tổ chức, cá nhân liên quan đến thủ tục phê duyệt mẫu phương tiện đo, cách ghi định lượng trên nhãn hàng đóng gói sẵn, đăng ký và chỉ định tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường…

Đối với Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được phê duyệt tại Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 996): Tổ chức thành công 06 hội thảo “Đảm bảo đo lường tại Doanh nghiệp” tại khu vực Miền Bắc, Miền Trung, Miền Nam cho trên 500 đại biểu thuộc 382 cơ quan, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp; ban hành Quyết định số 1756/QĐ-TĐC ngày 24/10/2022 phê duyệt tài liệu chuyên môn về các chương trình đảm bảo đo lường và Quyết định số 1789/QĐ-TĐC ngày 26/10/2022 về hướng dẫn hoạt động tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ xây dựng, triển khai Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp; tập huấn công tác “Quản lý Nhà nước về đo lường và hoạt động đo lường trong doanh nghiệp” tại Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bình Định,…; ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa Tổng cục với Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) nhằm tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường trong sản xuất, kinh doanh điện năng của EVN giai đoạn đến năm 2030; tổ chức làm việc, tuyên truyền, hướng dẫn tại các Bộ ngành, địa phương triển khai Đề án 996.
 

 Đoàn chủ tịch trao đổi, lắng nghe, giải đáp những khó khăn, vướng mắc của các đơn vị.

Hiện nay, Khối cơ quan Tổng cục đang triển khai xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Kế hoạch phát triển chuẩn đo lường quốc gia đến năm 2030, định hướng đến năm 2035" và dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia theo hướng tập trung, thống nhất, đồng bộ và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”.

Năm 2022, công tác đo lường đã giải quyết các thủ tục hành chính và các công việc theo chức năng nhiệm vụ về đo lường được xử lý nhanh chóng, kịp thời góp phần nâng cao chất lượng phục vụ hành chính công, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh và đáp ứng được nhu cầu kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo cho các tổ chức, cá nhân trên phạm vi cả nước góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Về hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Khối cơ quan Tổng cục tiếp tục duy trì việc công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ KH&CN và Tổng cục về Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN; triển khai nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1258/QĐ-TTg ngày 17/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quyết định số 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018 - 2020, Tổng cục đã trình Bộ KH&CN trình Chính phủ ban hành Nghị định số 13/2022/NĐ-CP ngày 21/01/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP, Nghị định số 74/2018/NĐ-CP, Nghị định số 86/2012/NĐ-CP. Khối cơ quan Tổng cục đầu mối giúp Lãnh đạo Bộ KH&CN và Lãnh đạo Tổng cục quản lý hoạt động ĐGSPH, trên cơ sở tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra và trực tiếp xử lý các vướng mắc của các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp về quản lý chất lượng SPHH, hoạt động ĐGSPH và SPHH nhóm 2 do Bộ KH&CN quản lý đã đáp ứng đúng yêu cầu quy định và nhu cầu của doanh nghiệp góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Số lượng hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động ĐGSPH (đăng ký và chỉ định), tư vấn ISO trong cơ quan hành chính, pha chế xăng dầu, tiếp nhận bản công bố pha chế khí, vận chuyển hàng nguy hiểm năm 2022 là 1.029 hồ sơ (tăng 10% so với năm 2021), trong đó 658 hồ sơ đã được giải quyết xong, 290 hồ sơ đã có công văn trả lời cơ quan, tổ chức và 81 hồ sơ đang giải quyết.

Khối cơ quan Tổng cục tiếp tục hướng dẫn các Bộ, ngành và địa phương về triển khai Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001 nhằm đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả, tránh lãng phí; đẩy mạnh hoạt động kiểm tra việc xây dựng, áp dụng, duy trì, cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001 tại các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước; trình Lãnh đạo Tổng cục trình Bộ KH&CN ký Báo cáo số 2892/BC-BKHCN ngày 13/10/2022 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đề xuất phương án sửa đổi Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg.

Triển khai Chương trình phối hợp số 03/CTPH-BKHCN-UBND giữa Bộ KH&CN và Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, Khối cơ quan Tổng cục đã tham mưu Lãnh đạo Tổng cục phối hợp với Sở KH&CN Hải Phòng xây dựng kế hoạch triển khai áp dụng thí điểm TCVN ISO 18901:2020 - Hệ thống quản lý chất lượng - Hướng dẫn áp dụng ISO 9001:2015 tại chính quyền địa phương, trong đó 12 đơn vị cấp huyện, cấp xã sẽ áp dụng thí điểm tiêu chuẩn này trong năm 2023.

Về công tác thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo, thực hiện Quyết định số 2979/QĐ-BKHCN ngày 19/11/2021 của Bộ trưởng Bộ KH&CN, Tổng cục đã tổ chức thanh tra theo kế hoạch đối với 28 cơ sở (đạt 100% kế hoạch năm 2022, tăng 270% so với cùng kỳ năm 2021), đã thực hiện xử phạt 04 cơ sở có hành vi vi phạm hành chính về hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm và hoạt động ĐGSPH với tổng số tiền hơn 200 triệu đồng; biện pháp khắc phục hậu quả: buộc thu hồi 08 kết quả ĐGSPH và 08 chứng chỉ kiểm định phương tiện đo.

Công tác kiểm tra: Thực hiện kiểm tra các tổ chức đăng ký hoạt động lĩnh vực TCĐLCL:  Kiểm tra 45 tổ chức (17 tổ chức theo kế hoạch và 28 tổ chức đột xuất) về hoạt động ĐGSPH, chứng nhận và hoạt động đo lường; đã thực hiện xử phạt 14 cơ sở với tổng số tiền hơn 800 triệu đồng.

Công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo: Thực hiện đúng quy định về tiếp công dân theo quy định tại Luật Khiếu nại, Luật tiếp công dân số 42/2013/QH13, Quyết định số 965/QĐ-TĐC ngày 02/7/2015 về Quy chế Tiếp công dân của Tổng cục, Quyết định số 1291/QĐ-TĐC ngày 09/8/2017 về Quy chế tiếp nhận, xử lý và trả lời thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về lĩnh vực TCĐLCL qua đường dây nóng. Trong năm 2022, thực hiện tiếp nhận 6 đơn thư (gồm 01 đơn tố cáo, 02 đơn khiếu nại, 03 đơn phản ánh, kiến nghị). Tổng cục đã giải quyết theo quy định hiện hành (01 đơn tố cáo không thuộc thẩm quyền đã chuyển đơn theo quy định, 02 đơn khiếu nại do cá nhân gửi đơn đã rút đơn đề nghị không giải quyết, 03 đơn phản ánh, kiến nghị đang giải quyết). 

Về công tác hợp tác quốc tế, tiếp tục thực hiện tốt vai trò là đại diện của Việt Nam tham gia 14 tổ chức quốc tế và khu vực về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, năng suất và mã số mã vạch như ISO, IEC, CGPM, ASEAN/ACCSQ, APEC/SCSC, PASC, APO, APMP, OIML, GS1... Đặc biệt năm 2022, Khối cơ quan Tổng cục đảm nhiệm tốt vai trò quan trọng của Việt Nam trong ASEAN nhiệm kỳ 2021 - 2022 như Chủ tịch Nhóm công tác cao su ASEAN (ACCSQ/RBPWG) và Chủ tịch Ủy ban hỗn hợp điện - điện tử ASEAN (JSC/EEE); hoàn thành tốt vai trò trưởng đoàn Việt Nam tham gia các phiên họp của tổ chức quốc tế và khu vực mà Tổng cục là thành viên. Ngoài ra, Tổng cục cũng tổ chức thảo luận và triển khai kế hoạch hợp tác với các đối tác Úc, Anh, Ấn Độ, Đức và phối hợp với các đối tác như ASTM (Hoa Kỳ), SA (Úc) tổ chức các hội thảo, khoá đào tạo cho các cán bộ làm công tác TCĐLCL và các doanh nghiệp của Việt Nam có quan tâm; phối hợp Viện Vật lý kỹ thuật Đức (PTB) triển khai Dự án “Hỗ trợ các dịch vụ đảm bảo chất lượng phát triển năng lượng bền vững”.

Về phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2023, tập thể Lãnh đạo, công chức và người lao động của Khối cơ quan Tổng cục nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trên từng vị trí công tác, góp phần đóng góp vào sự phát triển khoa học công nghệ, cũng như kinh tế - xã hội của đất nước trong năm 2023 với các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, triển khai có hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; các Chương trình hành động và chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ đảm bảo thực hiện thắng lợi các mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. 

Thứ hai, tổ chức triển khai việc xây dựng Luật sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền về việc xây dựng Luật sửa đổi Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá.

Thứ ba, tập trung triển khai kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021 - 2025 của Tổng cục, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về TCĐLCL.

Thứ tư, kiện toàn cơ cấu tổ chức của Tổng cục và các đơn vị trực thuộc theo quy định pháp luật trên cơ sở quy định của Nghị định quy định chức năng, nhiêm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ KH&CN. 

Thứ năm, đẩy mạnh chuyển đổi số, chính phủ điện tử, tăng cường giải quyết công việc trên môi trường điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm cải thiện chất lượng giải quyết thủ tục hành chính và dịch vụ công, nhất là triển khai qua cơ chế một cửa và cổng dịch vụ công các cấp.

Thứ sáu, triển khai xây dựng Quyết định sửa đổi bổ sung Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg ngày 05/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước.

Thứ bảy, tổ chức thực hiện tốt các hiệp định, thỏa thuận hợp tác đã ký, đồng thời tăng cường kết nối hợp tác với các tổ chức quốc tế và khu vực phục vụ hội nhập quốc tế về KH&CN và TCĐLCL. 

Thứ tám, tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất cho các đơn vị trực thuộc Tổng cục. 

Thứ chín, tăng cường hoạt động tuyên truyền về TCĐLCL để các tổ chức, cá nhân biết thực hiện tốt công tác TCĐLCL phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. 

Thứ mười, triển khai thực hiện hiệu quả các Chương trình, đề án, dự án trong lĩnh vực TCĐLCL theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg, Đề án 100, Đề án 996, Chương trình 1322, Quyết định số 36/QĐ-TTg).

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TCĐLCL đánh giá cao những kết quả mà Khối cơ quan Tổng cục đã hoàn thành trong năm 2022. Cụ thể, Khối Tổng cục đã hoàn thành các chỉ tiêu, nội dung kế hoạch được giao, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về TCĐLCL, duy trì tốt nề nếp làm việc cũng như thực hiện và chấp hành nghiêm túc các quy định pháp luật của nhà nước.

Phó Tổng cục trưởng phụ trách cũng mong muốn Khối cơ quan sẽ phát huy hơn nữa về thế mạnh, năng lực để góp phần đóng góp vào sự phát triển khoa học công nghệ, cũng như kinh tế - xã hội của đất nước trong năm 2023.

 

Nguồn: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Lượt xem: 3370

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)