Thứ tư, 04/01/2023 15:56 GMT+7

Tổng kết hoạt động năm 2022 và định hướng công tác năm 2023 của Tiểu ban Khoa học Tự nhiên thuộc Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam

Ngày 26/12 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Hoàng Giang - Trưởng Tiểu ban Khoa học Tự nhiên thuộc Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã chủ trì Cuộc họp tổng kết hoạt động năm 2022 và định hướng công tác năm 2023 của Tiểu ban.

Toàn cảnh cuộc họp

Tham dự Cuộc họp có đại diện Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị: Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên - Bộ KH&CN; Ban Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; Bộ Tài nguyên và Môi trường; các Tiểu ban chuyên môn trực thuộc bao gồm Chương trình con người và sinh quyển Việt Nam (MAB), Chương trình thủy văn quốc tế (IHP), Chương trình công viên địa chất toàn cầu (GeoPark), Chương trình khoa học địa chất quốc tế (IGGP); 02 Trung tâm quốc tế dạng 2 được UNESCO công nhận và bảo trợ (Trung tâm nghiên cứu và đào tạo Toán học và Trung tâm Vật lý quốc tế).

Tại Cuộc họp, các đại biểu đã nghe báo cáo tổng thể về hoạt động của Tiểu ban Khoa học Tự nhiên và báo cáo về hoạt động của từng Tiểu ban chuyên môn và 02 Trung tâm dạng 2. Năm 2022 với nhiều khó khăn, thử thách, khi toàn thế giới phải đối mặt với nguy cơ “dịch chồng dịch”, hoạt động của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác UNESCO nói chung và của Tiểu ban Khoa học Tự nhiên nói riêng cũng gặp những thách thức nhất định, tuy nhiên, Tiểu ban cũng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhờ những nỗ lực chung từ các cơ quan quản lý, các Tiểu ban chuyên môn, các Trung tâm,…

Trong năm 2022, đại diện Việt Nam, với vai trò là một trong 10 quốc gia khởi xướng và đồng tác giả Sáng kiến Năm quốc tế về khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đã tham dự và phát biểu tại Lễ khai mạc Năm quốc tế về khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững và Tọa đàm cấp cao do UNESCO tổ chức tại Paris (Pháp) vào ngày 08/7/2022. Nhiều hoạt động của Tiểu ban Khoa học Tự nhiên đã được triển khai nhằm hưởng ứng Nghị quyết của Liên hiệp quốc kỷ niệm năm 2022 là “Năm quốc tế về Khoa học cơ bản vì phát triển bền vững”; hưởng ứng  Chiến lược hành động của UNESCO ứng phó với biến đổi khí hậu với việc nhấn mạnh áp dụng kết quả của Hội nghị của Liên hợp quốc về biến đối khí hậu (COP-27); tiếp tục thực hiện Kế hoạch hành động Lima (2016-2025) về Chương trình Con người và sinh quyển và các Khu dự trữ sinh quyển thế giới; phát động “Thập kỷ Đại dương của Liên hợp quốc”... thông qua việc tổ chức các hội thảo khoa học cấp khu vực về quản trị biển và quy hoạch không gian biển và hỗ trợ các nhiệm vụ Khoa học và công nghệ cấp quốc gia.  Đặc biệt, các Tiểu ban chuyên môn và 02 Trung tâm dạng 2 đã có nhiều hoạt động tích cực, đóng góp luận cứ khoa học trong các công bố quốc tế, khẳng định vị thế khoa học của Việt Nam tại UNESCO.

Tại Cuộc họp, các đại diện Tiểu ban chuyên môn và 02 Trung tâm dạng 2 đã cùng chia sẻ một số khó khăn vướng mắc và đóng góp ý kiến về định hướng 2023 của Tiểu ban Khoa học Tự nhiên để hoạt động của Tiểu ban ngày một phát triển và có thể đóng góp một cách chủ động, tích cực hơn đối với hợp tác của Việt Nam nói chung trong khuôn khổ UNESCO.

Tham gia phát biểu tại Cuộc họp, đại diện Ban Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường đều đánh giá cao các kết quả đạt được của Tiểu ban Khoa học Tự nhiên, đồng thời, mong muốn Tiểu ban sẽ khắc phục những hạn chế còn tồn tại, đề ra được những giải pháp phù hợp trong bối cảnh mới nhằm đóng góp tích cực hơn vào các hoạt động hợp tác, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các Tiểu ban chuyên môn trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam tại UNESCO.
 

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang phát biểu tại cuộc họp.

Phát biểu tại Cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang đánh giá cao kết quả đã đạt được trong năm 2022 của Tiểu ban Khoa học Tự nhiên với sự phối hợp chặt chẽ của các Tiểu ban chuyên môn và 02 Trung tâm, sự phối hợp và hỗ trợ hiệu quả của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, của Phái đoàn Việt Nam tại UNESCO và của các Bộ, ngành có liên quan.  Thứ trưởng đề nghị trong thời gian tới cần tiếp tục tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa Tiểu ban Khoa học Tự nhiên với các tiểu ban chuyên môn; tập trung vào một số hoạt động trọng tâm như: tiếp tục thực hiện các nội dung hợp tác đã được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và UNESCO giai đoạn 2021-2025 trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và hải dương học theo hình thức lồng ghép vào các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2021-2025; hỗ trợ các địa phương có tiềm năng xây dựng cơ sở khoa học cho hồ sơ đề cử các danh hiệu được UNESCO công nhận; hỗ trợ hoạt động các Tiểu ban chuyên môn (MAB, Geopark, IOC và IHP) thông qua việc xây dựng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ tại các địa phương đã có danh hiệu được UNESCO công nhận (các Công viên địa chất, khu dự trữ sinh quyển,...), đảm bảo các hướng nghiên cứu ưu tiên: bảo tồn và phục hồi đa dạng sinh học, quản lý tài nguyên nước, đất, không khí,... xây dựng các mô hình sinh kế tại cộng đồng phục vụ phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; hưởng ứng các ngày kỷ niệm trong lĩnh vực khoa học tự nhiên đã được UNESCO thông qua; thí điểm một số nội dung của Khuyến nghị Khoa học mở của UNESCO tại Việt Nam thuộc lĩnh vực chuyên sâu (sở hữu trí tuệ, dữ liệu mở, truy cập mở, công nghệ mở,... ); tham gia các hoạt động, chương trình về đổi mới sáng tạo của UNESCO,…
 

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Vụ Hợp tác quốc tế

Lượt xem: 2045

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)