Thứ năm, 19/01/2023 14:50 GMT+7

Triển khai chủ động, hiệu quả hoạt động phục vụ quản lý nhà nước về đo lường

Năm 2023, Viện Đo lường Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai chủ động, hiệu quả hoạt động phục vụ quản lý nhà nước về đo lường, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về đo lường.

Nhiều kết quả tích cực

Phát biểu tại buổi tổng kết công tác năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023, bà Ngô Thị Ngọc Hà, Viện trưởng Viện Đo lường Việt Nam đã điểm lại những thành quả đã đạt được trong năm 2022.

Về phục vụ quản lý nhà nước, Viện tiếp tục triển khai thực hiện Đề án 996. Phối hợp với các đơn vị kỹ thuật, tổ chức triển khai so sánh liên phòng với vai trò phòng thí nghiệm chủ trì (pilot) các lĩnh vực áp suất, điện, dung tích đạt kết quả tốt; Tham gia các hội thảo về đảm bảo đo lường trong doanh nghiệp; Tham gia đào tạo, tập huấn phổ biến Đề án 996 và hướng dẫn xây dựng, triển khai Chương trình đảm bảo đo lường cho địa phương, doanh nghiệp;

Xây dựng dự thảo Thông tư quy định định mức kinh tế-kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước đối với duy trì, bảo quản và sử dụng hệ thống chuẩn đo lường quốc gia; xây dựng quy trình kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường (Thông tư số 04/2022/TT-BKHCN đã được Bộ KH&CN ban hành ngày 31/5/2022); Nghiên cứu xây dựng dự thảo Văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam (ĐLVN) đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về đo lường theo Thông tư 07/2019/TT-BKHCN: 03 xây dựng mới và 03 soát xét;

Đang triển khai xây dựng một số ĐLVN như Trụ sạc điện một chiều-xoay chiều cho xe điện-Quy trình kiểm định; Trụ sạc điện một chiều-xoay chiều cho xe điện-Quy trình thử nghiệm; Soát xét ĐLVN 157 phương tiện đo kiểm tra tốc độ phương tiện giao thông-Quy trình kiểm định;
 

 Bà Ngô Thị Ngọc Hà, Viện trưởng Viện Đo lường Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

Nghiên cứu xây dựng 7 quy trình kiểm định, quy trình thử nghiệm tạm thời phục vụ phê duyệt mẫu theo yêu cầu của Tổng cục; xây dựng 43 dự thảo các quy trình hiệu chuẩn phục vụ quản lý nhà nước theo yêu cầu của Tổng cục; Lập hồ sơ xin kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường liên quan tới 11 phương tiện đo nhóm 2 theo Thông tư 07/2019/TT-BKHCN; Cử chuyên gia kỹ thuật tham gia các đoàn đánh giá theo yêu cầu của Tổng cục và các đơn vị liên quan;

Góp ý nội dung kỹ thuật cho trên 40 hồ sơ đăng ký cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường theo yêu cầu của Tổng cục; Phối hợp Vụ Đo lường xây dựng Dự thảo kế hoạch phát triển chuẩn đo lường quốc gia đến năm 2030, định hướng đến năm 2035 đang gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương (kế hoạch thực hiện năm 2023); Triển khai các hoạt động liên quan tới các nhóm sản phẩm mới (trụ/trạm sạc điện cho ô tô, xe máy; cung cấp chuẩn thời gian trong lĩnh vực chứng khoán, pin năng lượng mặt trời.

Đối với hoạt động dịch vụ, số chuẩn và phương tiện đo được cấp chứng nhận là 19.093 (trong đó kiểm định là 4.979, hiệu chuẩn là 12.903, đo thử nghiệm 1.211). Tổ chức 47 lớp đào tạo kiểm định viên, nghiệp vụ về đo lường; Thực hiện tốt công tác truy trì, bảo quản, khai thác các chuẩn và trang thiết bị hiện có, đặc biệt với các chuẩn đo lường đã được phê duyệt; Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO/IEC 17025 chất được duy trì, thường xuyên cải tiến;

Hoạt động nghiên cứu phát triển và hoạt động hợp tác quốc tế ngày càng được mở rộng; Tích cực tham gia các tổ chức đo lường quốc tế và khu vực, triển khai các dự án quy mô quốc tế…

Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2023

Tiếp tục triển khai chủ động, hiệu quả hoạt động phục vụ quản lý nhà nước về đo lường (tích cực tham gia đề án 996 trong hoạt động so sánh liên phòng; đảm bảo chất lượng kỹ thuật với các góp ý hồ sơ DK; cử chuyên gia kỹ thuật tham gia các đoàn đánh giá; xây dựng các văn bản kỹ thuật theo yêu cầu của Tổng cục…); Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ khoa học công nghệ tăng nguồn thu dịch vụ đối với đơn vị sự nghiệp công lập (kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm, đào tạo…); Tích cực tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế nhằm tìm kiếm các cơ hội hợp tác, thu hút dự án nâng cao năng lực kỹ thuật, trình độ chuyên môn của đội ngũ chuyên gia trong nước về đo lường…

Thực hiện tốt công tác duy trì, bảo quản, khai thác các chuẩn và trang thiết bị hiện có, đặc biệt đối với các chuẩn đo lường quốc gia đã được phê duyệt. Tham gia so sánh quốc tế và dẫn xuất chuẩn đo lường từ chuẩn đo lường quốc gia xuống các chuẩn chính, chuẩn công tác của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp góp phần thống nhất đo lường trong cả nước;
 

Quang cảnh hội nghị.

Tiếp tục hoàn thiện hồ sơ xin phê duyệt thêm chuẩn đo lường quốc gia các lĩnh vực đo đã được đầu tư đáp ứng yêu cầu và chuẩn bị hồ sơ phục vụ việc đánh giá, thừa nhận mới các CMs thuộc lĩnh vực đo điện, quang, áp suất, lưu lượng, lực và thừa nhận tại các CMs đã đến hạn;

Hoàn thiện Quy chế chi tiêu nội bộ phù hợp với hướng dẫn tại Thông tư 56/2022/BTC ngày 16/9/2022 hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; Triển khai thực hiện kiện toàn cơ cấu tổ chức của Viện phù hợp với Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục; Hoàn thành xây dựng Dự thảo kế hoạch phát triển chuẩn đo lường quốc gia đến năm 2030, định hướng đến năm 2035 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

Triển khai thực hiện nhiệm vụ KHCN các cấp theo đúng tiến độ, chất lượng được phê duyệt; Triển khai có hiệu quả nhiệm vụ được giao tại các kế hoạch, chương trình hành động của Tổng cục triển khai thực hiện Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ KH&CN trong lĩnh vực đo lường.

 

Nguồn: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Lượt xem: 1589

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)