Thứ sáu, 30/06/2023 18:10 GMT+7

Kết nối hợp tác nghiên cứu chung và thúc đẩy đổi mới sáng tạo Việt Nam – Hàn Quốc

Từ ngày 31/5 đến 06/6/2023, Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ tới Hàn Quốc do ông Nguyễn Mai Dương, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Cục ƯDCN) làm trưởng đoàn đang được triển khai, có sự tham gia của Văn phòng Đại diện Khoa học và công nghệ tại Hàn Quốc, các Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh và một số doanh nghiệp địa phương có nhu cầu kết nối về công nghệ với Hàn Quốc, với mục tiêu tăng cường triển khai các hoạt động hợp tác để thúc đẩy chuyển giao công nghệ và và đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc.

Toàn cảnh làm việc của Đoàn công tác tại Hàn Quốc

Trong lịch trình làm việc, đoàn công tác đã tham gia các buổi tọa đàm tại các cơ quan chính phủ, các viện về hỗ trợ phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo cùng một số doanh nghiệp Hàn Quốc tiên phong trong một số lĩnh vực như khuôn mẫu, ô tô, điện-điện tử để tìm hiểu và tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa hai nước, cũng như thăm quan và trải nghiệm thực tế về công nghệ, dây chuyền sản xuất mới.
 

Buổi làm việc giữa Đoàn công tác với đại diện của Viện Phát triển công nghệ Hàn Quốc KIAT

Trọng tâm của chuyến công tác lần này là cuộc gặp gỡ, làm việc với Viện Phát triển công nghệ Hàn Quốc (KIAT). KIAT trực thuộc Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, là đơn vị đối tác Hàn Quốc quan trọng của Cục ƯDCN trong việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp nhận chuyển giao công nghệ và hỗ trợ hợp tác nghiên cứu chung, đổi mới sáng tạo trong thời gian vừa qua. Hai bên đã trao đổi để định hướng trước mắt đi đến ký kết Biên bản ghi nhớ khung hợp tác trong năm 2023 nhân dịp chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc và lãnh đạo Bộ Công nghiệp, Thương mại Hàn Quốc sang Việt Nam khoảng tháng 6/2023. Trong 06 tháng cuối năm 2023, Cục ƯDCN sẽ phối hợp với các Sở Khoa học và Công nghệ triển khai Chương trình của Văn phòng hỗ trợ tư vấn thương mại hóa toàn cầu - Global Commercialization Center (GCC), nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp Việt Nam và kết nối cung – cầu công nghệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc để hướng đến ký kết trong sự kiện Techconnect and Innovation Việt Nam 2023. Nhằm thúc đẩy nghiên cứu chung và đồng đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Mai Dương cũng đề xuất phía KIAT hỗ trợ Việt Nam về lộ trình tham gia mạng lưới Eureka Network thông qua chương trình Globalstars và Network Projects.
 

Buổi làm việc giữa Đoàn công tác với đơn vị của Hàn Quốc

Đoàn công tác đã có cơ hội được hiểu về hoạt động chung của Hiệp hội Điện lực Hàn Quốc KEA và tham quan Trung tâm Sản xuất Điện tử Yongsan. Nhận thấy Hiệp hội Điện lực Hàn Quốc là hiệp hội trung tâm đại diện cho toàn ngành điện của Hàn Quốc, đang quản lý nhiều dự án với mục tiêu xây dựng môi trường thúc đẩy chuyển đổi số, đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu và tạo ra hệ sinh thái cho ngành điện, điện tử và IT, Đoàn công tác đã đề xuất triển khai các hoạt động hợp tác, trong đó hợp tác xây dựng bản đồ công nghệ cho ngành điện, điện tử và IT của Việt Nam; hợp tác giới thiệu xu hướng công nghệ mới, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối chuyển giao công nghệ, hợp tác nghiên cứu chung và tổ chức đào tạo nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam, chia sẻ nhu cầu công nghệ ….

Viện Công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc (KITECH) là đơn vị có hoạt động chính là hỗ trợ doanh nghiệp triển khai khác dự án về R&D, chuyển giao các thành tựu R&D cho doanh nghiệp và ngành công nghiệp nói chung; tổ chức điều tra công nghệ, tài sản trí tuệ, tư vấn kỹ thuật…trong lĩnh vực công nghệ gốc [1], công nghệ hệ thống sản xuất sạch [2], công nghệ sản xuất hội tụ [3]. KITECH đã có hoạt động tích cực và hiệu quả tại Việt Nam nói chung và Cục ƯDCN nói riêng. Trên cơ sở đó, Đoàn công tác đề xuất phía KITECH tiếp tục duy trì hợp tác với Việt Nam về tổ chức giới thiệu mô hình thành công hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng dụng, tiếp nhận chuyển giao công nghệ; xem xét hợp tác nghiên cứu chung và đồng đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; đồng tổ chức các hoạt động xúc tiến chuyển giao công nghệ như phối hợp điều tra cung – cầu công nghệ trong công nghiệp; tổ chức đoàn ra, đoàn vào xúc tiến chuyển giao công nghệ giữa Việt Nam – Hàn Quốc,…

Đối với việc thúc đẩy hợp tác trong ngành ô tô, Đoàn đã đến thăm và chia sẻ với Viện nghiên cứu công nghiệp ô tô - KATECH (Korea Automotive Technology Institute) để tìm kiếm cơ hội về chuyển giao công nghệ, giới thiệu xu hướng công nghệ mới và hợp tác nghiên cứu chung và đổi mới sáng tạo hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhận định về thực trạng ngành ô tô Việt Nam còn phải cạnh tranh gay gắt với thị trường khu vực, trình độ lắp ráp chưa đạt đủ tiêu chí và mức độ liên kết hợp tác trong ngành chưa cao và hệ thống cung ứng chưa phát triển về quy mô, Việt Nam mong muốn KATECH cân nhắc cùng hợp tác trong một số hoạt động cụ thể như: xây dựng Bản đồ công nghệ trong ngành ô tô tại Việt Nam; xúc tiến chuyển giao công nghệ, kết nối cung – cầu công nghệ, tổ chức đoàn học tập, trao đổi trong lĩnh vực ô tô…
 

Buổi làm việc giữa Đoàn công tác với đại diện công ty Zentropy - Hàn Quốc

Đoàn công tác đã có cơ hội tham quan các mô hình, dây chuyền sản xuất, trong đó có hệ thống sản xuất của công ty Zentropy – sản xuất xe máy điện, cung cấp các giải pháp năng lượng cho hoạt động thông suốt của xe máy điện bằng các dịch vụ pin thay thế. Trên cơ sở các thế mạnh của doanh nghiệp, phía Việt Nam có nhu cầu đề xuất với Zentropy hợp tác nghiên cứu chung và chuyển giao công nghệ, đầu tư nhà máy tại Việt Nam. Ngoài ra, Cục ƯDCN đã có lời mời doanh nghiệp tham gia giới thiệu và triển lãm công nghệ sản xuất xe máy điện tại sự kiện Techconnect and Innovation Vietnam sắp tới do Cục ƯDCN là đơn vị chủ trì tổ chức trong tháng 9/2023 tới đây.



[1] Công nghệ gốc: đúc, khuôn, xử lý nhiệt, xử lý bề mặt, gia công nhựa và hàn. Một số thành tựu gồm: công nghệ sản xuất cấy ghép in 3D; công nghệ sản xuất lõi nhôm sử dụng các chất kết dính vô cơ thân thiện với môi trường; công nghệ hợp kim Eco-Mg và Eco-AL thân thiện với môi trường có tính ứng dụng cao

[2] Công nghệ hệ thống sản xuất sạch: Đang phân phối một hệ thống sản xuất tiên tiến có thể tăng hiệu quả sản xuất trong khi sử dụng ít tài nguyên hơn thông qua việc phát triển hệ thống sản xuất sạch. Một số thành tựu gồm: Công nghệ xúc tác mới có khả năng sản xuất FDCA với năng suất cao; Công nghệ sản xuất chất xúc tác làm sạch không khí loại bỏ oxit nitơ; Hệ thống đo lường TDLAS thời gian thực để phân tích nồng độ và phân bố nhiệt độ của hệ thống đốt.

[3] Công nghệ sản xuất hội tụ: robot, dệt may thông minh, công nghệ hội tụ con người, công nghệ văn hóa và quy trình hội tụ CNTT. Một số thành tựu gồm: Phát triển công nghệ thao tác và lắp ráp vật thể sử dụng rô-bốt thân trên hình người; Phát triển sợi y sinh để chữa lành vết thương và tái tạo mô; công nghệ xử lý cắt cho thấu kính quang học siêu chính xác

 

Nguồn: Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ

Lượt xem: 1185

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)