Thứ bảy, 15/07/2023 10:05 GMT+7

Kết nối công nghệ và mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Đồng bằng Sông Cửu Long

Chiều 29/6, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Trường Đại học Cửu Long, tổ chức hội thảo khoa học “Kết nối công nghệ và mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”.

Hội thảo chia làm 2 phiên. Phiên thứ nhất là tham luận của các nhà khoa học về bức tranh thực tiễn và nhu cầu từ trường đại học, bao gồm vai trò của lãnh đạo Trường Đại học Cửu Long trong việc thúc đẩy trường đại học khởi nghiệp, sáng kiến kết nối nguồn lực quốc tế phát triển chương trình đào tạo đội ngũ doanh nhân công nghệ tại cơ sở đào tạo tại Việt Nam và áp dụng tư duy đổi mới sáng tạo trong hoạt động nghiên cứu khoa học vào hoạt động R&D.

Phiên thứ 2 là tọa đàm thảo luận mở về vai trò lãnh đạo trường đại học trong kết nối công nghệ và xây dựng mô hình đại học khởi nghiệp, mô hình đổi mới sáng tạo mở và thúc đẩy liên kết Chính phủ - Doanh nghiệp - Viện trường trong xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá việc tổ chức hội thảo và khẳng định hoạt động hỗ trợ kết nối công nghệ và xây dựng mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một trong những hoạt động thiết thực, phù hợp với xu hướng chung của quốc tế và quốc gia. Qua đó, góp phần tạo động lực và lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh liên kết, kết nối các chủ thể trong hệ thống và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Trường Đại học Cửu Long và các trường đại học trong khu vực ĐBSCL.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng đánh giá cao việc kết nối công nghệ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Trường Đại học Cửu Long và đề nghị, thời gian tới, nhà trường cần tạo không gian làm việc cho hoạt động kết nối công nghệ và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho người có ý tưởng, hình thành hệ sinh thái, kết nối giữa các trường đại học với các chuyên gia, các nhà đầu tư, các dự án trong nước và quốc tế, cũng như phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các trường đại học.
 


Thứ trưởng Trần Văn Tùng phát biểu tại hội thảo

Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Thanh Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cửu Long khẳng định hoạt động đào tạo về công nghệ và đổi mới sáng tạo, bao gồm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được Trường Đại học Cửu Long đặc biệt chú trọng phát triển và đưa vào giảng dạy cùng với các hoạt động ngoại khóa trong nhiều năm qua. Hoạt động này đã giúp sinh viên không chỉ được đào tạo để nhận bằng đại học, tìm kiếm việc làm mà có thể tự thân lập nghiệp, tạo ra những giá trị để góp phần vào sự phát triển của địa phương và đất nước.
 


TS. Nguyễn Thanh Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cửu Long phát biểu tại hội thảo

Một nội dung quan trọng được phiên tọa đàm thảo luận mở là vai trò lãnh đạo trường đại học trong kết nối công nghệ và xây dựng mô hình đại học khởi nghiệp, mô hình đổi mới sáng tạo mở và thúc đẩy liên kết Chính phủ - Doanh nghiệp - Viện trường trong xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Tọa đàm đã thảo luận về (1) Liên kết mô hình đổi mới sáng tạo, (2) Tư duy và độ mở trong tư duy lãnh đạo, (3) Thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu và (4) Doanh nghiệp liên kết viện trường trong giải quyết vấn đề của doanh nghiệp.
 


Phiên tọa đàm thảo luận mở và các diễn giả

Tại tọa đàm Bà Trần Thị Hồng Lan - Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ đã chia sẻ về tư duy của lãnh đạo nhà trường nên theo xu hướng ứng dụng, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo ra nhiều giá trị hơn với ít nguồn lực hơn và trong thời gian ngắn hơn. Từ việc nắm bắt được thực trạng, nhu cầu, nguồn lực và đưa ra các giải pháp, hướng ưu tiên giải quyết bằng KHCN&ĐMST. Với bức tranh tổng thể, lãnh đạo nhà trường sẽ định hướng các chuyên ngành đào tạo, thị trường đầu ra cho sinh viên, đồng thời thiết lập các liên kết cần thiết để tạo điều kiện ngay cho sinh viên khi còn ở trên ghế nhà trường được tiếp cận và tham gia các chương trình liên kết, các dự án nghiên cứu, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo chung giữa Việt Nam và quốc tế. Phiên thảo luận đã gợi mở phương án, định hướng cho nhà trường từ việc xác định đề bài, nguồn cầu công nghệ, những mô hình, câu chuyện đang diễn ra, cho đến giải toán, phía cung công nghệ nào cần được ứng dụng, nguồn cung công nghệ ở đâu, độ tin cậy của nguồn cung công nghệ ra sao, sở hữu trí tuệ hay khả năng ứng dụng, chuyển giao như thế nào, nguồn lực tài chính và nhân sự để tiếp nhận chuyển giao có đủ đáp ứng không, những tổ chức nào có thể có liên quan và được kết nối cùng tham gia như thế nào cũng như các hoạt động hỗ trợ cần thiết để thúc đẩy quá trình kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo trong tương lai./.

Nguồn: Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ

Lượt xem: 1127

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)