Thứ sáu, 29/09/2023 19:15 GMT+7

Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng: Khởi động chương trình 5S

Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng vừa tổ chức Khởi động Chương trình 5S trên toàn hệ thống.

Tham dự phát động chương trình có ông Hà Minh Hiệp – Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Trưởng Ban chỉ đạo 5S Tổng cục; ông Nguyễn Tuấn Anh – Chủ tịch Công đoàn, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo 5S cùng các Tổ triển khai 5S, Tổ Kiểm tra, đánh giá 5S và 350 thành viên từ các đơn vị thuộc Tổng cục tham gia theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
 

 Ông Hà Minh Hiệp – quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Trưởng Ban chỉ đạo 5S phát biểu chỉ đạo tại lễ phát động.

Phát biểu tại lễ phát động Chương trình, ông Nguyễn Tuấn Anh – Chủ tịch Công đoàn Tổng cục, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo 5S cho biết, 5S được phát triển từ Nhật Bản và bắt đầu triển khai tại Việt Nam từ năm 1993, đến nay đã là 30 năm. Trong thời gian đó, rất nhiều đồng chí có mặt ở đây đã làm chuyên gia đào tạo, chuyên gia tư vấn và đánh giá việc áp dụng 5S, đồng thời cũng là những người đã áp dụng 5S tại nơi làm việc của mình. Điều đó cho thấy việc áp dụng 5S rộng rãi trong xã hội và đất nước chúng ta.

“Thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy, triển khai nghị quyết của Đại hội công đoàn nhiệm kỳ 2023-2028, Tổng cục sẽ triển khai áp dụng 5S một cách toàn diện đến tất cả đơn vị, cán bộ/công chức/viên chức/người lao động. Chương trình lan tỏa với sự quyết tâm của toàn hệ thống chính trị và mỗi cá nhân, từ đó hướng tới xây dựng, duy trì hệ thống quản lý tiên tiến, hiện đại, hình thành môi trường làm việc thân thiện, hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng hoạt động. Gắn kết mọi thành viên, phát huy tính tự giác để hoàn thành tốt công việc; Thúc đẩy văn hóa cải tiến trong các thành viên Tổng cục theo chính sách 5S mà Quyền Tổng cục trưởng đã ký, ban hành”, ông Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.
 

Ông Nguyễn Tuấn Anh – Chủ tịch Công đoàn, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo 5S của Tổng cục.

Chia sẻ về nội dung tổ chức thực hiện 5S tại các đơn vị thuộc Tổng cục, bà Nguyễn Thị Lê Hoa – Tổ phó Tổ Triển khai 5S cho biết, thực hiện 5S bao gồm 6 bước.

Bước 1, chuẩn bị: Lãnh đạo và cán bộ chủ chốt hiểu và cam kết thực hiện 5S; Xác định phạm vi thực hiện 5S; Thành lập ban chỉ đạo 5S; Đào tạo nhận thức về 5S;

Bước 2, thông báo chính thức của Lãnh đạo: Lãnh đạo cao nhất thông báo chính thức về việc thực hiện chương trình 5S, mục tiêu của 5S; Công bố sơ đồ tổ chức 5S, sơ đồ phân công phụ trách các khu vực; Tuyên truyền về 5S: biểu ngữ, áp phích, tờ rơi và báo chí.

Bước 3, khởi động 5S (tổ chức ngày tổng vệ sinh): Lên kế hoạch khởi động 5S (ngày tổng vệ sinh); Chia khu vực, phân công nhóm phụ trách; Chuẩn bị các dụng cụ vệ sinh; Thực hiện tổng vệ sinh toàn bộ các khu vực;

Bước 4, bắt đầu SEIRI (sàng lọc): Loại bỏ những thứ không cần thiết tại nơi làm việc;

Bước 5, thực hiện Seiri, Seiton và Seiso (sàng lọc, sắp xếp, vệ sinh) hằng ngày: Xây dựng các tiêu chuẩn 3S tại các khu vực để đào tạo, hướng dẫn; Tạo cho mọi người thói quen tuân thủ các quy định tại nơi làm việc và tự giác tham gia vào các hoạt động 5S;

Bước 6, đánh giá định kì: Thành tổ kiểm tra, đánh giá; Lập kế hoạch đánh giá; Xây dựng tiêu chí đánh giá; Tổ chức đánh giá: chuẩn bị (checklist, tiêu chuẩn, máy ảnh), tiến hành đánh giá, chấm điểm, lập báo cáo; Báo cáo kết quả, khuyến nghị; Trao thưởng cho các nhóm và các cá nhân thực hiện tốt.
 

 Ông Hà Minh Hiệp – Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Trưởng Ban chỉ đạo 5S trao Chính sách 5S, Poster, bảng tên cho đại diện lãnh đạo các đơn vị. 

Phát biểu chỉ đạo tại lễ phát động, ông Hà Minh Hiệp - Quyền Tổng cục trưởng, Trưởng Ban chỉ đạo 5S cho hay, hình thành tư duy cải tiến, việc xử lý công việc sẽ phù hợp và hiệu quả. Chính sách 5S hướng đến tạo ra môi trường làm việc văn minh, cùng có tư duy và đồng tâm thế; đồng thời, hình thành văn hóa cải tiến để trở thành văn hóa chung của Tổng cục hướng đến chất lượng tạo thịnh vượng.

5S hiện trở thành thuật ngữ chung được phổ biến và sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Khi đưa vào Việt Nam, 5S được dịch sang tiếng Việt với các cụm từ: Sàng lọc - Sắp xếp - Sạch sẽ - Chuẩn hóa - Tự giác. Hiểu đơn giản, 5S là cụm 5 từ tiếng Nhật thể hiện một triết lý, phương pháp làm việc nhằm tạo ra môi trường làm việc sạch sẽ, ngăn nắp, thuận tiện, giảm thiểu lãng phí, đảm bảo an toàn, từ đó nâng cao năng suất và lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Khi thực hiện thành công, 5S sẽ mang lại sự thay đổi kỳ diệu. Những thứ không cần thiết được loại bỏ khỏi nơi làm việc, những vật dụng cần thiết được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng, đặt ở vị trí thuận tiện cho người sử dụng, máy móc thiết bị trở nên sạch sẽ, được bảo dưỡng, bảo quản. Từ các hoạt động 5S sẽ nâng cao tinh thần tập thể, khuyến khích sự hòa đồng của mọi người, qua đó người làm việc có thái độ tích cực hơn, có trách nhiệm và ý thức hơn với công việc.

Để triển khai 5S, cần tuân thủ và thực hiện từng bước một. 5S không phải chương trình ngắn hạn, càng không phải là trào lưu nhất thời, nó đòi hỏi sự tham gia của mọi người với tinh thần không ngừng cải thiện và sẽ gắn liền với cuộc sống hàng ngày của doanh nghiệp. Vì vậy, chúng ta không nên nóng lòng mong đạt được kết quả ngay mà bỏ qua những quá trình cần thiết. Không có bước nào là không quan trọng mặc dù có thể có những bước nội dung rất đơn giản, dễ hiểu.

Trong đó, một kế hoạch tổng thể để triển khai hoạt động 5S gồm 4 phần việc: Phần 1 – Chuẩn bị; Phần 2 – Khởi động 5S; Phần 3 – Thực hiện Seiri, Seiton và Seiso hàng ngày; Phần 4 – Đánh giá định kỳ.

 

Nguồn: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Lượt xem: 1304

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)