Thứ bảy, 20/04/2024 11:01 GMT+7

Sử dụng hàng hóa, sản phẩm “chuẩn” nhờ truy xuất nguồn gốc

Cùng với kinh tế tăng trưởng, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, vấn đề truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm, hàng hóa ngày càng trở nên thiết yếu, giúp người tiêu dùng yên tâm sử dụng những sản phẩm “chuẩn” có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng được đảm bảo.
Theo đó, đối với hoạt động xuất khẩu, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, nhất là nông sản giúp các bên liên quan có thể truy xuất thông tin nhanh chóng, chính xác, giúp doanh nghiệp hướng đến chinh phục thị trường quốc tế vốn đòi hỏi rất khắt khe về truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong cả sản xuất lẫn thương mại.
Cụ thể, truy xuất nguồn gốc là hoạt động chỉ ra chính xác một sự kiện trong chuỗi cung ứng, xác định được một đơn vị sản phẩm, từ đó xác định thuộc về lô/mẻ sản phẩm nào (What) đang diễn ra ở đâu (Where), tại thời điểm nào (When), ai đang thực hiện (Who) và lý do sự kiện đó diễn ra (Why). Điều này sẽ gắn với trách nhiệm của các bên tham gia trong chuỗi cung ứng, nền tảng tiêu chuẩn chất lượng áp dụng và quan trọng nhất là đáp ứng quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu, quyền lợi của người tiêu dùng.
TCVN 12850:2019 chỉ rõ, “Truy xuất nguồn gốc - Yêu cầu chung đối với hệ thống truy xuất nguồn gốc”, hệ thống truy xuất nguồn gốc phải bảo đảm các nguyên tắc sau:
Nguyên tắc “một bước trước - một bước sau”: Để bảo đảm khả năng giám sát, nhận diện được công đoạn sản xuất, kinh doanh trước và công đoạn sản xuất, kinh doanh tiếp theo trong quá trình sản xuất, kinh doanh đối với một sản phẩm.
Nguyên tắc “sẵn có của phần tử dữ liệu chính”: Các phần tử dữ liệu chính phải được thu thập, lưu trữ và cập nhật kịp thời trong báo cáo thông tin chi tiết về các sự kiện quan trọng trong quá trình sản xuất và chuỗi cung ứng.
Nguyên tắc “minh bạch”: Hệ thống truy xuất nguồn gốc phải đạt yêu cầu về tính minh bạch tối thiểu bằng cách sử dụng dữ liệu tĩnh về khách hàng, bên cung ứng, sản phẩm và các điều kiện sản xuất.
Nguyên tắc “có sự tham gia đầy đủ các bên truy xuất nguồn gốc”: Hệ thống truy xuất nguồn gốc phải có sự tham gia của đầy đủ các bên truy xuất nguồn gốc của tổ chức.
Bên tham gia truy xuất trong hệ thống có thể bao gồm: Bộ phận quản lý chất lượng và an toàn; Bộ phận pháp chế liên quan đến các yêu cầu của pháp lý và tổ chức; Bộ phận quan hệ khách hàng mà cần chia sẻ thông tin liên quan; Bộ phận được giao nhiệm vụ chống giả, bảo mật chuỗi cung ứng hoặc bảo vệ thương hiệu; Bộ phận chịu trách nhiệm xã hội chuyên về các vấn đề đạo đức và môi trường; Bộ phận quản lý vòng đời sản phẩm; Bộ phận chịu trách nhiệm vận tải và logistic; Bộ phận quản lý và phát triển hệ thống.
Dựa trên cơ sở các tiêu chuẩn và quy định về truy xuất nguồn gốc đã đề cập, có thể thấy đối với từng vai trò của các bên tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc, các đối tượng cần được thu thập thông tin bao gồm: Vùng trồng: nông dân, con giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…; Đơn vị sơ chế/chế biến: công nhân, vật liệu đóng gói, băng truyền…; Đơn vị vận chuyển: lái xe, container, pallet…; Đơn vị logistics: vận đơn, pallet, container…; Đơn vị phân phối/kho tổng: pallet, phòng lưu, kho bãi…; Đơn vị bán lẻ: kệ hàng, gian hàng, kho chứa…; Người tiêu dùng (tùy chọn); Cơ quan quản lý, đơn vị cung cấp giải pháp: là đối tượng không tham gia hoạt động trong hệ thống truy xuất nguồn gốc, nhưng cũng tham gia trao đổi và thu thập các thông tin truy xuất nguồn gốc.
 
 Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa giúp người tiêu dùng yên tâm sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng đảm bảo. Ảnh: VNP.
Để bắt kịp xu hướng phát triển và triển khai truy xuất nguồn gốc trên thế giới, tháng 1/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg phê duyệt Ðề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (Ðề án 100). Một trong 5 nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra là thiết lập, xây dựng, vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia (Cổng thông tin).
Theo ông Hà Minh Hiệp, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TĐC), Bộ Khoa học và Công nghệ, việc xây dựng Cổng thông tin do Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia (NBC) làm chủ đầu tư đã hoàn thành vào năm 2022; trong 10 tháng vận hành thử nghiệm, hệ thống này đã có sự kết nối với một số địa phương và hơn 4.000 doanh nghiệp tham gia.
Đây là nội dung quan trọng được lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ rất quan tâm và đặt mục tiêu đưa vào vận hành Cổng thông tin trong quý II/2024. Đến nay, TĐC đã chuẩn bị một số yếu tố để sẵn sàng đưa vào vận hành chính thức Cổng thông tin.
Cổng thông tin đóng vai trò như cầu nối để kết nối tất cả thành phần tham gia, cụ thể là giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp. Các bên tham gia trong chuỗi cung ứng đều thông qua Cổng thông tin để kết nối, hình thành chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị sản phẩm.
Cổng thông tin sẽ kết nối các hệ thống truy xuất nguồn gốc trong nước và quốc tế; quản lý và cập nhật cơ sở dữ liệu sản phẩm, hàng hóa trong nước và quốc tế; chia sẻ dữ liệu truy xuất nguồn gốc giữa các hệ thống. Thực hiện, giám sát, đánh giá các công việc liên quan quản lý truy xuất nguồn gốc; tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức trên toàn quốc. Cổng thông tin cũng dựa trên số liệu báo cáo, thống kê và công nghệ để phân tích trợ giúp cơ quan quản lý đưa chính sách kịp thời, phù hợp...
 

Nguồn: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Lượt xem: 787

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)