Thứ bảy, 20/07/2024 12:14 GMT+7

“Lực lượng sản xuất chất lượng cao chính là khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”

Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ với các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về chuyển đổi số ngày 19/7/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số khẳng định, trong bối cảnh hiện nay, lực lượng sản xuất chất lượng cao chính là khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) để mỗi quốc gia “bắt kịp, tiến cùng, vượt lên”.

Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ với đầu cầu Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Hội nghị nghe báo cáo và thảo luận về các giải pháp để xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số, phục vụ phát triển kinh tế số, tháo gỡ những tồn tại, điểm nghẽn trong triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.


Toàn cảnh Hội nghị.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hiện nay, chúng ta xác định ưu tiên cho tăng trưởng, thông qua làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, các ngành mới nổi như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây…).

Nhiệm vụ quan trọng đặt ra là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đã đề ra trong cả nhiệm kỳ, những nhiệm vụ này đều có quan hệ mật thiết với chuyển đổi số.

Theo Thủ tướng, trong bối cảnh hiện nay, lực lượng sản xuất chất lượng cao chính là KH,CN&ĐMST, trong đó có chuyển đổi số, ai nắm bắt được thì sẽ đi nhanh hơn, đột phá hơn, hiệu quả hơn. Chúng ta đã xác định phương châm “bắt kịp, tiến cùng và vượt lên” trong nhiều lĩnh vực mới nổi, công nghệ cao.

Thủ tướng khẳng định chuyển đổi số đã trở thành xu thế bắt buộc, không thể đảo ngược ở bình diện quốc tế, khu vực, quốc gia. Chuyển đổi số đã đến “từng ngõ, từng nhà, từng người”; kinh tế số thẩm thấu vào mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, làm thay đổi cơ bản, sâu sắc các hoạt động kinh tế - xã hội. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, thực tiễn thời gian qua cho thấy bài học kinh nghiệm rất quan trọng là việc chuyển đổi số nhanh, mạnh, hiệu quả có vai trò đặc biệt, mang tính quyết định của người đứng đầu ở các bộ, ngành, địa phương.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thống nhất tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận để cùng hành động, nâng cao nhận thức, xác định mục tiêu, quan điểm, các nhiệm vụ, giải pháp đúng, trúng, khả thi, tổ chức thực hiện hiệu quả, tiết kiệm thời gian, chi phí nhưng đạt hiệu quả cao nhất, thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số, phát triển kinh tế số.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu chuyển đổi số toàn dân, toàn diện với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp, sự hợp tác, hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế, chú trọng xây dựng hạ tầng số, hoàn thiện thể chế số, đào tạo nhân lực số để “bắt kịp, tiến cùng và vượt lên” trong thế giới đầy biến động hiện nay.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang tham dự Hội nghị.

Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông (cơ quan thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số) cho biết, theo đánh giá của thế giới, tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam tăng dần qua các năm. Nếu năm 2020, Việt Nam chỉ đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN về tốc độ tăng trưởng kinh tế số, đến năm 2021 đứng thứ 3 và hai năm tiếp theo 2022, 2023 đứng vị trí thứ 1. Báo cáo về chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo (AI) năm 2022 xếp Việt Nam hạng 55 toàn cầu, trong khi Singapore xếp thứ 2, Malaysia 29, Thái Lan 31. Về xếp hạng an toàn, an ninh mạng toàn cầu, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 25/194 quốc gia, vùng lãnh thổ được xếp hạng. Theo đánh giá của Việt Nam, chỉ số chuyển đổi số quốc gia tăng đều qua các năm, đến năm 2022 đạt 0,71 điểm; các chỉ số thành phần về Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao từ 45-55%...

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 1396

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)