Thứ tư, 31/07/2024 15:00 GMT+7

Ứng dụng khoa học và công nghệ nuôi tôm thương phẩm tại Hải Phòng

Nhằm xây dựng mô hình sản xuất giống sạch bệnh và nuôi thương phẩm quy mô hàng hóa tôm thẻ chân trắng bằng công nghệ Biofloc (là quá trình tự Nitrat hóa trong ao nuôi tôm không cần thay nước), góp phần xã hội hóa công nghệ sản xuất giống tôm thẻ chân trắng, chủ động nguồn con giống phục vụ nghề nuôi tôm bền vững tại Hải Phòng, KS. La Văn Thắng phối hợp với các cộng sự tại Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Khoa Thành thực hiện Đề tài: “Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình sản xuất giống sạch bệnh và nuôi tôm thẻ chân trắng tại Hải Phòng”.
Trong những năm gần đây, nghề nuôi tôm của Việt Nam không ngừng phát triển, mang lại lợi nhuận cao cho người nuôi. Trong đó, mô hình tôm thẻ chân trắng có ưu điểm vượt trội như tôm có khả năng chịu đựng tốt với biến động của các yếu tố môi trường, mật độ nuôi cao, cường độ bắt mồi lớn và tốc độ tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, miền Bắc có mùa đông dài và lạnh cũng là một trong những hạn chế sự phát triển của ngành thủy sản. Nuôi tôm thẻ chân trắng mùa đông ở miền Bắc, cũng như Hải Phòng là một thách thức lớn đối với các trang trại sản xuất tôm tại đây vì điều kiện nhiệt độ vào mùa đông thường thấp hơn ngưỡng thích hợp cũng như khả năng chịu đựng của tôm thẻ chân trắng, giống tôm nhập ngoại có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới Nam Mỹ. 
Mô hình sản xuất giống sạch bệnh và nuôi tôm thẻ chân trắng tại Hải Phòng.
Từ thực tiễn trên, Công ty TNHH Khoa Thành đã xây dựng hoàn chỉnh mô hình sản xuất tôm giống sạch bệnh và nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng và đã vận hành mô hình trong 02 năm là 30 triệu tôm post 12 (tôm giống để thả nuôi 12 ngày tuổi), 155 tấn tôm thương phẩm đạt công suất ổn định là 20 triệu post/năm đối với trại giống, và 75 tấn tôm thương phẩm/năm (2 vụ). 
Mô hình sản xuất tôm giống sạch bệnh và nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng được gửi mẫu để kiểm nghiệm tại Viện Khoa học Sự sống - Thái Nguyên. Kết quả cho thấy các chỉ tiêu chất lượng tôm giống và tôm thương phẩm đều đạt và vượt các tiêu chuẩn theo quy định hiện hành.
Kết quả nghiên cứu góp phần thúc đẩy nghề nuôi tôm thương phẩm của Hải Phòng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của vùng ven biển địa phương.
Toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19361/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
 

Nguồn: Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia

Lượt xem: 451

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)