Thứ năm, 15/08/2024 08:32 GMT+7

Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ, phát triển thị trường KH&CN

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ (Nghị định số 76) phải bám sát vào Luật Khoa học và Công nghệ (KH&CN) sửa đổi và một số Luật, văn bản Luật liên quan; điều chỉnh 03 danh mục công nghệ đảm bảo luận cứ về khoa học và thực tiễn để Nghị định triển khai hiệu quả; tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ, phát triển thị trường KH&CN…
Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh nhấn mạnh như trên tại Phiên họp lần thứ nhất Ban soạn thảo và Tổ biên tập Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76 diễn ra ngày 14/8/2024, tại Hà Nội.
Toàn cảnh Phiên họp.
Triển khai Nghị định số 76/2018/NĐ-CP với nhiều kết quả nổi bật
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh cho biết, để triển khai thực hiện Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 76. Sau 6 năm thực hiện, Nghị định này đã đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng, triển khai đã phát sinh một số bất cập, cần thiết phải được tổng kết, đánh giá và đưa ra các giải pháp đề xuất sửa đổi, bổ sung đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và thực hiện cải cách thủ tục hành chính nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ, phát triển thị trường KH&CN. 
Theo đó, thực hiện Quyết định số 53/QĐ-TTg ngày 15/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình công tác năm 2024 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&CN đang chủ trì nghiên cứu xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76; ban hành Quyết định số 1890/QĐ-BKHCN ngày 09/8/2024 thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập Nghị định sửa, đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 76 với sự tham gia của 24 thành viên Ban soạn thảo và 27 thành viên Tổ biên tập, đến từ Văn phòng Chính phủ và 10 Bộ liên quan.
Thứ trưởng Hoàng Minh phát biểu khai mạc Phiên họp.
Báo cáo tình hình triển khai xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76, ông Nguyễn Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ cho biết, Bộ KH&CN đã có công văn đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cung cấp thông tin, số liệu kết quả thực hiện và đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị định số 76. Trên cơ sở báo cáo của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương, Bộ KH&CN đã tổng hợp hoàn thiện Báo cáo tổng kết tình hình thực hiện Nghị định số 76, làm cơ sở đánh giá những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và đề xuất, kiến nghị đối với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76. Bên cạnh đó, Bộ KH&CN đã có Thông báo phê duyệt Kế hoạch soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76; đồng thời phân công các đơn vị thuộc Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp nghiên cứu, xây dựng nội dung dự thảo Nghị định.
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ báo cáo tại Phiên họp.
Báo cáo tổng kết tình hình thực hiện Nghị định số 76, ông Bùi Văn Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ nhấn mạnh, sau thời gian thực hiện Nghị định, đã đạt được một số kết quả nổi bật như hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật, chính sách liên quan đến hoạt động chuyển giao công nghệ, ứng dụng, đổi mới công nghệ và phát triển thị trường KH&CN; đã có kết quả thực hiện 6/8 nhóm chính sách ưu đãi, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ứng dụng, đổi mới công nghệ; đã có kết quả thực hiện 5/13 nhóm chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN gồm thúc đẩy khai thác, sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ý tưởng công nghệ; phát triển công nghệ tạo ra và hoàn thiện các sản phẩm quốc gia, trọng điểm, chủ lực; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ của doanh nghiệp...
Từ tháng 7/2018 đến hết năm 2023, cả nước có 579 thỏa thuận chuyển giao công nghệ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký (bao gồm cấp mới, gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung chuyển giao công nghệ). Trong đó, có 493 hợp đồng chuyển giao công nghệ tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, thuộc đối tượng chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam; và có 2 hợp đồng chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài (Nhật Bản, Thụy Sỹ).
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn có một số tồn tại hạn chế về đăng ký chuyển giao công nghệ và quản lý hoạt động chuyển giao công nghệ; 3 danh mục công nghệ khuyến khích, hạn chế và cấm chuyển giao; quy định thủ tục hành chính; thực hiện một số chính sách, biện pháp nhằm thúc đẩy ứng dụng, đổi mới công nghệ, phát triển thị trường KH&CN còn chưa thực sự hiệu quả.
Ông Bùi Văn Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ báo cáo tại Phiên họp.
Hiện nay, Bộ đã và đang nghiên cứu sửa đổi 3 danh mục công nghệ; từ đó sửa đổi, bổ sung các nhóm công nghệ cao và 9 nhóm công nghệ thuộc các lĩnh vực: (1) điện tử, đo lường, tự động hóa, công nghệ thông tin, truyền thông; (2) điện, năng lượng nguyên tử và năng lượng tái tạo; (3) hóa chất, phân bón, dầu khí; (4) cơ khí, khai khoáng, luyện kim; (5) xây dựng, giao thông vận tải; (6) sinh học, y dược và sản phẩm chăm sóc sức khỏe con người; (7) công nghiệp nhẹ, nông lâm nghiệp và thủy sản; (8) môi trường, khí tượng thủy văn; (9) giáo dục, văn hóa, thể thao, ngành nghề truyền thống và các linh vực khác.
Phối hợp chặt chẽ trong sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76/2018/NĐ-CP
Tại Phiên họp, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận và góp ý định hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76. Theo đó, các đại biểu đồng ý với đề xuất sửa đổi, bổ sung 19/37 Điều quy định chi tiết Luật Chuyển giao công nghệ trong tổng số 43 Điều của Nghị định số 76 và sửa đổi, bổ sung 3 Phụ lục I, II, III (tương ứng 3 danh mục công nghệ khuyến khích, hạn chế và cấm chuyển giao) và 3 Mẫu (số 01, 02, 10) tại Phụ lục IV của Nghị định số 76.
Đại diện Bộ Giao thông Vận tải bày tỏ thống nhất với dự thảo khung của Nghị định; đồng thời nhấn mạnh một số nội dung sửa đổi, bổ sung trong Nghị định phải căn cứ theo đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Luật KH&CN sửa đổi...; nêu rõ các nội dung chỉnh sửa tại Nghị định để các cấp có thể theo dõi và đánh giá một cách thuận lợi hơn.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần có dự thảo tờ trình Chính phủ; làm rõ mục đích sửa đổi Nghị định… đồng thời, khảo sát từ phía doanh nghiệp để đánh giá thực tế tình hình chuyển giao công nghệ. Từ đó, đưa ra đề xuất sửa đổi phù hợp, đáp ứng nhu cầu thực tiễn đặt ra. 
Đồng quan điểm, đại diện Bộ Xây dựng cho rằng, cần tập trung rà soát, sửa đổi và bổ sung 3 danh mục: công nghệ khuyến khích chuyển giao; công nghệ hạn chế chuyển giao; danh mục công nghệ cấm chuyển giao để đảm bảo bao quát, phù hợp thực tiễn; giảm thiểu một số thủ tục hành chính cho doanh nghiệp…
Các đại biểu trao đổi tại Phiên họp.
Kết luận Phiên họp, Thứ trưởng Hoàng Minh đề nghị đơn vị thường trực Ban soạn thảo và Tổ biên tập tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu nhằm hoàn thiện dự thảo số 1 Nghị định, trình Lãnh đạo Bộ xem xét, lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương theo kế hoạch; đồng thời đề nghị các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập quan tâm, có ý kiến góp ý bằng văn bản đối với dự thảo Nghị định khi Bộ KH&CN lấy ý kiến góp ý của các Bộ, cơ quan ngang Bộ để đảm bảo triển khai hiệu quả, hoàn thiện đúng tiến độ. 
Thứ trưởng nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 76 phải bám sát vào Luật KH&CN sửa đổi và một số Luật, văn bản Luật liên quan; điều chỉnh 3 danh mục công nghệ đảm bảo luận cứ về khoa học và thực tiễn để Nghị định triển khai hiệu quả, thể hiện được đóng góp của KH&CN vào phát triển kinh tế - xã hội thông qua ứng dụng KH&CN, với đối tượng chính là doanh nghiệp; tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ, phát triển thị trường KH&CN; giảm thiểu thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển…
 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Vụ ĐTG

Lượt xem: 1137

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)