Thứ hai, 19/08/2024 15:44 GMT+7

Hội thảo trao đổi thông tin trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân và tính toán lò phản ứng

Mới đây, Trung tâm Năng lượng hạt nhân phối hợp cùng Đoàn thanh niên Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân tổ chức Hội thảo chuyên môn nhằm trao đổi thông tin trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân và tính toán lò phản ứng.
Mở đầu Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy đã trình bày 02 báo cáo với chủ đề “Thiết kế sơ bộ vùng hoạt lò phản ứng SMR-VN1” và “Phát triển các mô hình để tính toán hệ số Reynolds tới hạn và hệ số ma sát trong ống xoắn cho HCSG”. Đây là một trong những nội dung chính thuộc đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu thiết kế vật lý, thủy nhiệt và phân tích an toàn lò phản ứng hạt nhân môđun nhỏ cho nhà máy điện hạt nhân nổi” do Trung tâm Năng lượng hạt nhân đang triển khai thực hiện. 
 
TS. Nguyễn Thị Thanh Thuỷ trình bày báo cáo tại Hội thảo.
Với báo cáo “Thiết kế sơ bộ vùng hoạt lò phản ứng SMR-VN1”, TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy tập trung trình bày việc thiết kế sơ bộ cho vùng hoạt của lò phản ứng hạt nhân, được gọi là thiết kế khái niệm ban đầu. Quá trình này dựa trên các tài liệu hướng dẫn chi tiết về thiết kế lò phản ứng hạt nhân nhằm đảm bảo an toàn theo các tiêu chuẩn quốc tế do Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đặt ra. 
Tiếp theo trong bài báo cáo “Phát triển các mô hình để tính toán hệ số Reynolds tới hạn và hệ số ma sát trong ống xoắn cho HCSG”, TS. Nguyễn Thị ThanhThủy đã trình bày về sự phát triển của mô hình tính toán độ sụt áp cho dạng ống xoắn. Dạng ống này rất phổ biến trong bình sinh hơi dạng ống xoắn (Helically Coil Steam Generator - HCSG), đặc biệt trong các lò phản ứng nhỏ gọn (Small Modular Reactor - SMRs) do nhờ vào kích thước nhỏ gọn, dễ dàng trong quá trình chế tạo và khả năng trao đổi nhiệt hiệu quả cao. Mô hình tính toán này giúp xác định hệ số ma sát, đồng thời xem xét ảnh hưởng của độ cong và độ xoắn trong thiết kế hình học của ống. Kết quả từ các phép tính về độ sụt áp sẽ cung cấp thông tin cần thiết để xác định tốc độ bơm tối ưu. Điều này không chỉ đảm bảo hiệu suất trong việc lấy nhiệt từ vùng hoạt của lò phản ứng mà còn góp phần nâng cao tính an toàn và hiệu quả hoạt động của toàn bộ hệ thống lò phản ứng hạt nhân.
Phần tiếp theo của buổi hội thảo là báo cáo “Nghiên cứu sự pha trộn dòng chảy liên quan tới sự pha loãng bo-ron trong vùng hoạt lò phản ứng PWR-SMR” do TS. Dương Thanh Tùng đến từ Trung tâm Đào tạo hạt nhân trình bày. Báo cáo mô phỏng dòng chảy qua các khe của thanh nhiên liệu của vùng hoạt lò phản ứng. Trong đó, tập trung vào việc nghiên cứu sự trộn lẫn của dòng chảy trong vùng hoạt của lò phản ứng PWR-SMR. Hành vi dòng chảy qua các khe hẹp của thanh nhiên liệu được đo đạc bởi phương pháp UVP và mô được mô phỏng bằng chương trình ANSYS/FLUENT.
 
TS. Dương Thanh Tùng trình bày báo cáo tại Hội thảo.
Phát biểu kết thúc Hội thảo, Lãnh đạo Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân nhận định, Hội thảo định kỳ được tổ chức là dịp để các cán bộ chuyên môn có thêm cơ hội học hỏi, trao đổi kiến thức và thông tin trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân nói chung và tính toán lò phản ứng nói riêng. Lãnh đạo Viện mong cán bộ nghiên cứu trong Viện tiếp tục phát huy đam mê, sở trường cũng như chú trọng tới việc hợp tác trong nghiên cứu nhằm nâng cao trình độ, hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu được giao và ngày càng đạt kết quả tốt.

Nguồn: Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam

Lượt xem: 532

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)