Ảnh minh họa.
Sau thời gian thực hiện, nhóm nghiên cứu đã đat được các kết quả sau:
Thứ nhất, các mô hình tăng trưởng kinh tế từ cổ điển cho đến nội sinh và mô hình tiến hóa, đều chỉ ra vai trò quan trọng của KH,CN&ĐMST đối với tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Đặc biệt, mô hình tiến hoá tăng trưởng kinh tế chỉ ra tăng trưởng kinh tế dài hạn của một nền kinh tế phụ thuộc vào sự hội tụ của rất nhiều yếu tố, trong đó hệ thống ĐMST của quốc gia đó đóng một vai trò đáng kể.
Thứ hai, quá trình phát triển của các chỉ số thống kê KH,CN&ĐMST gắn liền với quá trình dịch chuyển các chính sách KH,CN&ĐMST của các quốc gia trên thế giới, cụ thể chuyển dần trọng tâm từ chính sách khoa học sang chính sách công nghệ và sang chính sách ĐMST. Các chỉ số KH,CN&ĐMST vì thế không chỉ bao gồm các yếu tố đầu vào như số nhà khoa học, chi tiêu cho R&D mà bao gồm cả các yếu tố đầu ra như số bằng sáng chế, số bài báo khoa học, các đo lường về thay đổi chất lượng sản phẩm, và dần dần bao quát cả các quá trình sản sinh và lan tỏa tri thức.
Thứ ba, việc đo lường phản ánh đóng góp của KH,CN&ĐMST trong tăng trưởng kinh tế có thể tiến hành rà soát hai cách tiếp cận: đo lường dựa theo phương pháp kế toán tăng trưởng và theo phương pháp tương quan.
Thứ tư, trong 10 năm trở lại đây, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc hình thành hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành KH&CN. Tuy nhiên, đa số các chỉ tiêu KH&CN được liệt kê trong hệ thống hiện nay chưa được công bố công khai (23/53) hoặc không được công bố định kỳ (22/53), khiến cho việc thu thập trở nên khó khăn. Chỉ có 8/53 chỉ tiêu được tìm thấy công khai và đúng kỳ công bố. Khi so sánh hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành KH&CN với bộ chỉ số ĐMST (GII), các tác giả nhận thấy trong số 73/81 chỉ tiêu mà Việt Nam có số liệu trong kỳ đánh giá có 4 chỉ tiêu có trong danh mục thống kê ngành KH&CN. Điều này phản ánh hệ thống thống kê ngành KH&CN của Việt Nam chưa quan tâm đến các chỉ tiêu liên quan đến hoạt động ĐMST.
Thứ năm, dựa trên các kiểm định tương quan giữa các chỉ số trụ cột của KH,CN&ĐMST với tăng trưởng kinh tế trên bộ số liệu mảng của 43 quốc gia có những đặc điểm chung tương đồng với Việt Nam, nhóm nghiên cứu nhận thấy có 04 chỉ tiêu có hệ số tương quan cao với các chỉ tiêu GDP và thể hiện mối tương quan cao trong các mô hình kiểm nghiệm, đó là: (1) Tổng chi cho R&D (GERD); (2) Số đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp theo nước xuất xứ; (3) Xuất khẩu công nghệ cao; và (4) Phần chi R&D do doanh nghiệp thực hiện. Ngoài ra, có 02 chỉ tiêu tuy có hệ số tương quan trung bình với các chỉ tiêu GDP, nhưng vẫn xuất hiện mối tương quan cao trong ít nhất 1 mô hình kiểm nghiệm, đó là: (5) Tỷ lệ đăng ký học đại học; và (6) Số nhà nghiên cứu.
Cuối cùng, nhóm nghiên cứu nhận thấy phương pháp kế toán tăng trưởng mở rộng để đo lường đóng góp của STI trong tăng trưởng kinh tế có thể khả thi tại Việt Nam nếu như có thể thống kê được các dữ liệu về tài sản phi vật chất, cụ thể như sau: i) Thông tin dữ liệu máy tính: phần mềm và dữ liệu; (ii) Tài sản sáng tạo (khoa học và phi khoa học): R&D, thiết kế (bao gồm thiết kế kiến trúc và kỹ thuật), phát triển sản phẩm trong lĩnh vực tài chính, thăm dò khoáng sản và sáng tạo nghệ thuật; và (iii) Năng lực kinh tế: doanh nghiệp đầu tư vào thương hiệu, vốn con người và vốn tổ chức. Các dữ liệu này được yêu cầu thu thập ở cấp ngành.
Toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19570/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.