Thứ hai, 26/08/2024 16:22 GMT+7

Phát triển chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh mới

Nhằm nghiên cứu tiềm năng, phân tích thực trạng, xây dựng chiến lược, đề xuất giải pháp để chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp phát triển một cách bền vững ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong giai đoạn 2021-2030, PGS.TS. Ngô Thị Phương Lan và nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện Đề tài: “Phát triển chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp tại ĐBSCL trong bối cảnh mới”.
Đề tài đã phân tích kinh nghiệm từ phát triển chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp tại các quốc gia, cùng với các quan điểm được đưa ra trong quá trình nghiên cứu như: phát triển chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp theo hướng bền vững; phát triển chuỗi giá trị du lịch nhằm tăng giá trị nông nghiệp và gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới; phát triển chuỗi giá trị du lịch gắn với ứng dụng khoa học và công nghệ.
Từ đó, Đề tài đã đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm phát triển chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp ở ĐBSCL như: nâng cao nhận thức về hiệu quả của phát triển du lịch nông nghiệp và việc liên kết chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp; phát triển nguồn nhân lực du lịch; xây dựng và ban hành cơ chế khuyến khích liên kết du lịch nông nghiệp; phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho phát triển du lịch; phát triển và đa dạng hóa thị trường khách du lịch; xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc thù; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch và hợp tác, hội nhập quốc tế về du lịch; ứng dụng khoa học và công nghệ; tăng cường vai trò của quản lý nhà nước về du lịch nông nghiệp và chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp; ban hành bộ tiêu chí để quản lý hoạt động du lịch nông nghiệp theo định hướng đặt ra.
Bên cạnh đó, Đề tài cũng đưa ra các giải pháp cụ thể gồm: triển khai các mô hình điểm theo từng cấp độ cần phát triển; hỗ trợ vốn và tư vấn; quy hoạch phát triển du lịch; phát triển chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp dựa trên kinh tế tập thể. 
Việc khai thác và phát triển du lịch sẽ góp phần nâng cao năng lực cho cộng đồng địa phương, kích thích sản xuất và gia tăng giá trị sản phẩm cho địa phương trong đó có các mặt hàng nông sản, bảo tồn các giá trị tài nguyên, tạo cơ hội cho địa phương đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa nông thôn, thực hiện nhanh chóng mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19363/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

 

Nguồn: Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia

Lượt xem: 170

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)