Thể chế hóa chủ trương của Đảng, chiến lược của Chính phủ về NLNT
Toàn cảnh Hội thảo khoa học.
Chính sách đẩy mạnh ứng dụng NLNT đã được đề ra từ Hội nghị Trung ương 2 khóa VIII, được cụ thể hóa tại Chiến lược ứng dụng NLNT vì mục đích hòa bình (ban hành kèm theo Quyết định số 01/2006 của Thủ tướng Chính phủ), với việc thông qua Luật NLNT năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã góp phần thể chế hóa chủ trương của Đảng, chiến lược của Chính phủ, qua đó hình thành hệ thống pháp luật về NLNT ngày một hoàn thiện.
Sau hơn 15 năm thi hành, Luật NLNT đã thực sự phát huy được vai trò là cơ sở pháp lý để các tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế tiến hành các hoạt động trong lĩnh vực NLNT tại Việt Nam, góp phần quan trọng trong việc đẩy mạnh ứng dụng NLNT, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các ngành, các cấp, cơ sở bức xạ, cơ sở hạt nhân và người dân về ứng dụng NLNT vì mục đích hòa bình trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như là căn cứ để các cơ quan, tổ chức liên quan ở trung ương và địa phương quản lý an toàn, an ninh, chủ động phòng ngừa và ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Lê Xuân Định nhấn mạnh, Luật NLNT đã khẳng định vai trò quản lý nhà nước của Bộ KH&CN trong lĩnh vực NLNT, an toàn bức xạ và hạt nhân và là căn cứ pháp lý vững chắc để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các Sở KH&CN tham mưu thực hiện hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực NLNT trên địa bàn, tạo lập hệ thống quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương về NLNT.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định phát biểu tại Hội thảo.
Việc quản lý an toàn, an ninh đối với các cơ sở bức xạ, cơ sở hạt nhân đã được tăng cường và dần đi vào nề nếp. Công việc bức xạ, nguồn bức xạ và nhân viên bức xạ đã dược khai báo đầy đủ. Hầu hết các cơ sở bức xạ đều được cấp giấy phép sử dụng nguồn bức xạ. Lần đầu tiên ở nước ta có một đạo luật điều chỉnh các quan hệ xã hội về NLNT, đặc biệt về lò phản ứng hạt nhân và nhà máy điện hạt nhân, tạo khung pháp lý để thực hiện chủ trương đẩy mạnh ứng dụng NLNT vì mục đích hòa bình của Đảng, Nhà nước.
Thứ trưởng Lê Xuân Định cho biết, Luật NLNT là căn cứ pháp lý để Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận (Nghị quyết số 41/NQ-QH12 ngày 25/11/2009) và Chính phủ đàm phán, ký kết Hiệp định hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 với Chính phủ Liên bang Nga, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 với Chính phủ Nhật Bản trong các năm 2010-2011 và hiện nay là với Dự án Trung tâm Nghiên cứu KH&CN hạt nhân với lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu mới.
Sự cần thiết sửa đổi Luật NLNT
Theo Thứ trưởng Lê Xuân Định, thời gian qua, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, nhiều nội dung của Luật NLNT cho thấy không còn phù hợp với bối cảnh trong nước và quốc tế, đặc biệt là sự phát triển nhanh chóng của KH&CN nói chung và công nghệ bức xạ, công nghệ hạt nhân nói riêng, cũng như việc sửa đổi, bổ sung của nhiều đạo luật có liên quan đến việc thi hành Luật NLNT phát sinh sự chồng chéo trong chức năng quản lý của một số bộ, ngành; thiếu tính khả thi, chưa phù hợp tình hình mới, gây khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện.
Ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 174/2024/QH15 về kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, trong đó có nội dung tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và giao Chính phủ khẩn trương chỉ đạo bố trí nguồn lực thực hiện theo kết luận của cấp có thẩm quyền; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan, trong đó có Luật NLNT.
Vừa qua, Bộ KH&CN đã chỉ đạo Cục An toàn bức xạ và hạt nhân và các đơn vị liên quan tích cực, khẩn trương xây dựng và hoàn thành dự thảo Luật NLNT (sửa đổi). Để bảo đảm chất lượng, tính khả thi của Luật, đặc biệt kịp thời phục vụ triển khai dự án điện hạt nhân, cần sự tham gia, chung tay góp sức của các bộ, ngành.
Chia sẻ về vấn đề này, tại Hội thảo, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân Nguyễn Tuấn Khải cho biết, qua thực tiễn 15 năm thi hành, Luật NLNT đã phát huy vai trò trong việc tạo hành lang pháp lý cho việc đẩy mạnh và hướng tới phát triển bền vững ứng dụng NLNT thông qua công tác quản lý nhà nước về an toàn, an ninh và ứng phó sự cố, phục vụ hiệu quả các ngành kinh tế - xã hội, nâng cao tiềm lực KH&CN của đất nước.
Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân Nguyễn Tuấn Khải giới thiệu Dự thảo Luật NLNT (sửa đổi).
Trong 15 năm triển khai thực hiện, bên cạnh vai trò, tác động và đóng góp của Luật NLNT trong việc hình thành công tác quản lý nhà nước, bảo đảm an toàn, an ninh, phát triển bền vững ứng dụng NLNT vì mục đích hòa bình, tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì một số chính sách, quy định của Luật NLNT đã bộc lộ bất cập, hạn chế về: Sự đồng bộ với một số luật được ban hành sau đó (Luật Xây dựng năm 2020, Luật Điện lực năm 2018, 2024, Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, Luật Khoáng sản năm 2010...) từ đó phát sinh sự chồng chéo trong chức năng quản lý của một số bộ ngành; chưa theo kịp với các yêu cầu, hướng dẫn mới của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) về an toàn, an ninh, thanh sát; chưa đầy đủ yêu cầu nội luật hóa quy định của các điều ước quốc tế trong lĩnh vực NLNT mà Việt Nam là thành viên. Cùng với đó, về thực tiễn quản lý, một số quy định thiếu tính khả thi, chưa đáp ứng, theo kịp sự phát triển nhanh của KH&CN hạt nhân, công nghệ bức xạ. Vì vậy, Luật NLNT cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.
Ông Nguyễn Tuấn Khải đã đề xuất một số định hướng xây dựng Luật NLNT (sửa đổi): Thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, xã hội hóa hoạt động ứng dụng NLNT phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an toàn, an ninh, không phổ biến vũ khí hạt nhân và phân cấp trong hoạt động quản lý nhà nước bảo đảm phù hợp với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Kế thừa, phát triển những quy định hợp lý, có tính nguyên tắc của Luật năm 2008; khắc phục triệt để những tồn tại, bất cập, hạn chế, mâu thuẫn, chồng chéo của quy định và khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành quy định của pháp luật về NLNT thời gian qua; Bảo đảm nội dung các quy định của Luật phải rõ ràng và có tính khả thi, dài hạn, có tính dự báo đầy đủ và giúp kiến tạo hành lang pháp lý cho sự việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng của NLNT trong giai đoạn hiện nay và tương lai; Bảo đảm tôn trọng tuân thủ nghiêm túc, đầy đủ luật pháp quốc tế; sự hài hoà, tính tương thích, nội luật hóa phù hợp đầy đủ, kịp thời các cam kết, nghĩa vụ tại các thoả thuận, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Bộ KH&CN đề xuất 04 nhóm chính sách trong xây dựng Luật NLNT (sửa đổi): Thúc đẩy sự phát triển và xã hội hóa ứng dụng NLNT; Bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn, an ninh hạt nhân và phân cấp trong công tác quản lý nhà nước; Tạo thuận lợi cho hoạt động thanh sát hạt nhân; Quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng; ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân; trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại hạt nhân.
Hội thảo khoa học đã thu thập ý kiến về chính sách, pháp luật NLNT nhằm hoàn thiện dự thảo Luật NLNT (sửa đổi) thông qua 05 báo cáo tham luận được trình bày gồm: Chính sách phát triển ứng dụng và xã hội hóa các hoạt động trong lĩnh vực NLNT; quản lý nhà nước Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; áp dụng các nguyên tắc an toàn, an ninh của IAEA để xây dựng Luật NLNT (sửa đổi); nội luật hóa các điều ước quốc tế về an ninh hạt nhân, thanh sát hạt nhân trong việc xây dựng Dự thảo Luật NLNT (sửa đổi); pháp luật nướ ngoài về quản lý nhà máy điện hạt nhân và bảo đảm an toàn hạt nhân.
Các đại biểu trình bày tham luận tại Hội thảo.
Tại Hội thảo khoa học, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi, có nhiều ý kiến giá trị nhằm góp phần hoàn thiện dự thảo Luật để bảo đảm chất lượng, yêu cầu quản lý, tính khả thi; phục vụ kịp thời cho việc thực hiện Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và bảo đảm an toàn, an ninh và không phổ biến hạt nhân cho các ứng dụng NLNT vì mục đích hòa bình tại Việt Nam. Kết quả Hội thảo sẽ đóng góp quan trọng vào việc hoàn thiện dự thảo Luật NLNT (sửa đổi) nói riêng và hồ sơ Dự án Luật NLNT nói chung, bảo đảm tiến độ trình Quốc hội trong tháng 3/2025.
Phiên thảo luận diễn ra trong khuôn khổ Hội thảo.