- Ông có nhận định thế nào về năng suất lao động của Việt Nam hiện nay?
Trong thập kỷ qua, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao nhất trong khu vực ASEAN. Những nỗ lực không ngừng trong việc cải thiện năng suất đã mang lại kết quả tích cực, giúp Việt Nam thu hẹp dần khoảng cách về năng suất lao động so với các nền kinh tế tiên tiến hơn.
Theo thống kê, năng suất lao động của Việt Nam từng đạt mức tăng trưởng ấn tượng với bình quân trên 6%/năm trong giai đoạn trước đây. Tuy nhiên, những năm gần đây, tốc độ này có dấu hiệu chậm lại, đặc biệt chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, năng suất lao động tăng bình quân 6%/năm, nhưng từ 2021-2024 chỉ còn tăng từ 3,5-5,5%/năm. Đáng chú ý, năm 2024 ghi nhận những tín hiệu tích cực với xu hướng tăng trưởng năng suất lao động quay trở lại.
Dù đạt được những bước tiến quan trọng, mức năng suất lao động hiện tại của Việt Nam vẫn thuộc nhóm thấp trong khối ASEAN. Tính theo ngang giá sức mua (PPP), năng suất lao động của Việt Nam năm 2024 chỉ bằng khoảng 1/7 so với Singapore. Tuy nhiên, Việt Nam đã vượt qua Philippines, đạt mức tương đương với Indonesia, nhưng vẫn còn cách xa Malaysia và Thái Lan.
Với tốc độ tăng năng suất lao động trong giai đoạn vừa qua, đặt ra nhiều thách thức để có thể bắt kịp mức năng suất của các nước tiên tiến và mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030.
- Vấn đề năng suất lao động thấp không phải câu chuyện mới, nhiều giải pháp, kiến nghị được đưa ra, mặc dù có sự cải thiện nhưng vẫn chưa đạt kỳ vọng, theo ông, nguyên nhân do đâu?
Chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận rằng năng suất lao động hiện tại vẫn còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, bàn về năng suất lao động chính là bàn về năng lực của con người. Theo tôi, có ba vấn đề lớn nhất cần được giải quyết.
Thứ nhất, nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Hiện nay, lực lượng lao động đã qua đào tạo từ trình độ “sơ cấp” trở lên ước tính khoảng 13,5 triệu người, tương đương 26,2% tổng số lao động. Mặc dù chất lượng nguồn nhân lực ngày càng được cải thiện và tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng đều qua các năm, nhưng vẫn còn khoảng cách lớn so với nhu cầu thực tế. Người lao động thiếu kiến thức kỹ thuật, thiếu kỹ năng nghề nghiệp chuyên sâu, trong khi nền kinh tế lại đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động trình độ cao và kỹ năng chuyên nghiệp. Đặc biệt, kỹ năng quản trị doanh nghiệp vẫn còn yếu, chưa theo kịp tốc độ chuyển dịch kinh tế, đổi mới công nghệ và xu hướng hội nhập toàn cầu. Điều này đặt ra thách thức lớn cho việc nâng cao hiệu quả và năng suất trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.
.png)
Thứ hai, tỷ lệ lao động trong khu vực phi chính thức vẫn chiếm phần lớn, gây ra những trở ngại đáng kể trong việc áp dụng tiến bộ mới trong quản trị và công nghệ. Hiện nay, lao động phi chính thức chiếm khoảng 65,6% tổng lực lượng lao động, làm giảm đáng kể năng suất lao động và chất lượng nguồn nhân lực. Điều này cũng hạn chế khả năng ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả lao động. Đặc biệt, nhóm lao động này thường có thu nhập thấp, công việc không ổn định, phải làm việc nhiều giờ và ít cơ hội tham gia các chương trình phát triển kỹ năng chuyên môn.
Thứ ba, Việt Nam đang đối mặt với thách thức từ quá trình già hóa dân số nhanh chóng. Từ năm 2015, khi tỷ lệ người trên 65 tuổi vượt ngưỡng 7% tổng dân số, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa. Hiện nay, tỷ lệ này đã tăng lên 9%, xếp thứ ba trong khu vực Đông Nam Á về tỷ lệ người cao tuổi. Xu hướng giảm sinh, mặc dù là hiện tượng toàn cầu, lại diễn ra nhanh hơn mức trung bình tại Việt Nam, dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng như: quy mô dân số giảm, tốc độ già hóa tăng nhanh, và lực lượng lao động bị thu hẹp. Những yếu tố này đang tạo ra áp lực lớn đối với nền kinh tế, đòi hỏi các giải pháp kịp thời để duy trì năng suất và sự phát triển bền vững.
- Việt Nam đang bước vào một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ, hứa hẹn mang lại những cơ hội và vận hội mới cho nền kinh tế. Tuy nhiên, với mức năng suất lao động còn thấp hiện nay, liệu điều này có làm suy giảm sức cạnh tranh của Việt Nam trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)?
Trước khi quyết định rót vốn, các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đã đánh giá rất kỹ môi trường đầu tư tại Việt Nam ở nhiều góc độ khác nhau. TTrong đó, năng suất lao động chỉ là một trong số các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của họ. Dù vậy, Việt Nam vẫn duy trì được sức hấp dẫn đáng kể đối với các nhà đầu tư quốc tế.
Một điểm sáng khác trong việc thu hút FDI đó là lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI). Điển hình, tập đoàn Apple của Mỹ đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất vào Việt Nam. Đồng thời, các đối tác chiến lược của Apple tại Việt Nam như Foxconn, Luxshare và Goertek cũng tăng vốn và mở rộng quy mô sản xuất.
Các ngành công nghiệp như bán dẫn và AI đòi hỏi trình độ chuyên môn rất cao từ lực lượng lao động. Sự hiện diện của các doanh nghiệp hàng đầu trong những lĩnh vực này không chỉ thúc đẩy sự phát triển công nghệ mà còn tạo ra hiệu ứng lan tỏa tích cực, giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải thiện năng suất lao động của Việt Nam. Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận rằng dòng vốn FDI trong những năm qua vẫn chưa thúc đẩy sự chuyển dịch đáng kể trong cơ cấu lao động, cũng như chưa hình thành được các ngành công nghệ cao mang tính đột phá.
Hiện tại, các doanh nghiệp FDI vẫn tập trung vào các phân khúc giá trị thấp trong chuỗi cung ứng, tận dụng lợi thế cạnh tranh của Việt Nam về chi phí lao động, chính sách thuế và giá đất. Ngược lại, Việt Nam vẫn chưa tạo được lợi thế cạnh tranh nổi bật trong các lĩnh vực như công nghệ, tài chính, chất lượng nhân lực, và sự am hiểu thị trường, khách hàng. Đây là những yếu tố cần được cải thiện để thu hút dòng vốn chất lượng cao hơn, thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, vốn FDI chưa đạt hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Vì vậy, ngay từ khi bắt đầu triển khai dự án FDI, chính quyền các địa phương cần phối hợp với nhà đầu tư nước ngoài để triển khai đào tạo nhân lực đúng như yêu cầu cam kết.
Nên ưu tiên hỗ trợ kinh phí đào tạo nhân lực cho những dự án sử dụng công nghệ cao, quy mô lớn phù hợp với hình thành các lĩnh vực mũi nhọn và sản phẩm chủ lực, nhân lực quản lý bậc trung và làm việc trong lĩnh vực chuyển đổi số. Cần nhanh chóng xây dựng chiến lược và các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp trong nước; lựa chọn và tập trung vào các doanh nghiệp có năng lực kết nối với doanh nghiệp FDI.
- Vậy, theo ông, Việt Nam cần làm gì để nâng cao năng suất lao động, qua đó đưa nền kinh tế vững bước trong kỷ nguyên phát triển mạnh mẽ?
Hiện nay, cả nước có khoảng 735.455 doanh nghiệp, trong đó, 96,63% là doanh nghiệp ngoài nhà nước, cùng với khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp tư nhân đều có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, hoạt động kinh doanh thiếu ổn định và bền vững. Do gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, các doanh nghiệp này thường hạn chế trong việc mở rộng sản xuất và ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, dẫn đến năng suất lao động và năng lực sản xuất thấp.
Để khắc phục những hạn chế này, cần có một cách tiếp cận toàn diện với các giải pháp cụ thể. Trước tiên, cần đánh giá và phân loại các doanh nghiệp để thiết kế các chương trình hỗ trợ phù hợp, bao gồm: Các chương trình kết nối doanh nghiệp FDI, phát triển đội ngũ chuyên gia năng suất, cải thiện năng lực quản trị, đào tạo kỹ năng, hỗ trợ vay vốn, đổi mới công nghệ. Ngoài ra, doanh nghiệp cần chủ động thích ứng và nâng cao năng lực để đáp ứng các xu hướng toàn cầu như phát triển bền vững, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số, từ đó tăng khả năng tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
.png)
Về dài hạn, tái cấu trúc kinh tế để chuyển dịch từ các ngành có giá trị gia tăng thấp sang các ngành có giá trị gia tăng cao, không còn sử dụng nhiều lao động chi phí thấp. Tăng cường đầu tư, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo tiếp tục là mục tiêu liên tục và lâu dài vì vốn con người và khoa học công nghệ là yếu tố cốt lõi không thể phủ nhận đối với năng lực cạnh tranh quốc gia, cải thiện năng suất bền vững.
Xin trân trọng cảm ơn ông!