Thứ năm, 29/09/2016 17:03 GMT+7

Nghiệm thu quy trình chế tạo chất kháng bệnh và tăng trọng đối với cá tra

Ngày 23/09/2016 Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai công nghệ bức xạ - Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã thành lập hội đồng nghiệm thu quy trình “Chế tạo oligochitosan dạng bột dùng làm chất kháng bệnh và tăng trọng đối với cá tra” trong đề tài...

TS. Nguyễn Ngọc Duy báo cáo tại buổi nghiệm thu quy trình

TS. Nguyễn Ngọc Duy thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày tổng quan về sử dụng oligochitosan làm chất kháng bệnh và tăng trọng trong nuôi thủy hải sản. Theo như báo cáo, việc nuôi thâm canh cá tra ngày càng phát triển tuy nhiên, cơ sở hạ tầng, quy hoạch quản lý cũng như chất lượng con giống, thức ăn,... chưa đáp ứng được sự phát triển đó và gây ra nhiều hệ lụy trong đó dịch bệnh là nguyên nhân gây thiệt hại về kinh tế đáng kể cho người nuôi. Việc sử dụng quá nhiều các loại thuốc kháng sinh và hóa chất trong nuôi trồng thủy sản có ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, hệ sinh thái và cả sức khỏe của con người. Do vậy, sử dụng các chế phẩm sinh học, hạn chế sử dụng kháng sinh để phòng và trị bệnh trong nuôi thủy sản là những hướng nghiên cứu và ứng dụng đang được quan tâm.


Nhà máy sản xuất thức ăn bổ sung oligochitosan làm chất kháng bệnh và tăng trọng cho cá Tra

Trong bài báo cáo TS. Nguyễn Ngọc Duy đã mô tả một cách chi tiết nguyên lý các bước thực hiện, điều kiện tiến hành cũng như các nguyên vật liệu, hóa chất và thiết bị sử dụng để chế tạo oligochitosan dạng bột bằng phương pháp chiếu xạ tia γ-Co-60 kết hợp xử lý hóa học. Kết quả của quy trình là đã tạo ra được oligochitosan có khối lượng phân tử khoảng 5000-7000 g/mol được chế tạo bằng cách chiếu xạ tia gamma Co-60 dung dịch chitosan 5% trong khoảng liều từ 14-21 kGy. Kết quả phân tích các chỉ tiêu tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 cho thấy oligochitosan an toàn để sử dụng như là chất bổ sung vào thức ăn cho cá Tra. Oligochitosan dạng bột sẽ được phối trộn với thức ăn nuôi cá để ứng dụng làm thức ăn có khả năng tăng cường hệ miễn dịch tự nhiên từ đó tạo khả năng kháng bệnh và tăng trọng cho cá Tra. Kết quả khảo sát hiệu ứng kháng bệnh gan thận mủ trên cá tra của oligochitosan trong bể nuôi cho thấy có hiệu ứng kháng bệnh hiệu quả đối với bệnh gan thận mủ do vi khuẩn Edwardsiella ictaluri gây ra. Sau 45 ngày nuôi cá tăng trọng được 39,32 g, tỉ lệ sống đạt 47,62% so với đối chứng tương ứng là 31,13g và 8,89%.
Sau báo cáo của chủ nhiệm đề tài các thành viên trong hội đồng đã đưa ra những câu hỏi để làm rõ quy trình và có những ý kiến đóng góp, chỉnh sửa đề báo cáo được hoàn thiện hơn. Buổi nghiệm thu kết thúc sau các giải trình của chủ nhiệm đề tài và hội đồng nghiệm thu đã đồng ý nghiệm thu quy trình “Chế tạo oligochitosan dạng bột dùng làm chất kháng bệnh và tăng trọng đối với cá tra”./.

Lượt xem: 1993

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)