Thứ hai, 01/02/2016 15:08 GMT+7

Sản xuất thành công vắc xin vô hoạt phòng hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn

Nhóm nghiên cứu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam do PGS.TS Nguyễn Bá Hiên đứng đầu vừa nghiên cứu thành công công nghệ sản xuất vắc xin vô hoạt phòng hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn.

Đây là kết kết quả của đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất vắc xin vô hoạt phòng hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn”, mã số KC.04.15/11-15 thuộc Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2011- 2015 "Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học", mã số KC04/11-15. Đề tài vừa được Hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp Nhà nước do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức nghiệm thu ngày 28/01/2016, tại Hà Nội.

PGS.TS. Nguyễn Bá Hiên, chủ nhiệm đề tài cho biết, đề tài được triển khai từ ngày 01/04/2013 đến ngày 01/12/2015 với mục tiêu xây dựng được quy trình sản xuất vắc xin vô hoạt phòng hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp (PRRS) ở lợn bằng công nghệ tế bào phù hợp và có hiệu lực; tạo ra được vắc xin vô hoạt phòng hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn đạt chất lượng tốt.


Chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả đạt được tại buổi họp Hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp Nhà nước


Triển khai đề tài này, nhóm nghiên cứu đã tập trung vào 3 nội dung chính, đó là nghiên cứu phân lập, xác định và lựa chọn virus để làm giống gốc chế tạo vắc xin vô hoạt PRRS; nghiên cứu quy trình sản xuất vắc xin vô hoạt phòng PRRS ở quy mô pilot; nghiên cứu quy trình sử dụng và bảo quản vắc xin vô hoạt PRRS.

Nhóm nghiên cứu đã lựa chọn được 3 chủng virus PRRS đại diện cho các chủng virus dang lưu hành ở phía Bắc Việt Nam và chọn được chủng virus PRRS có tên PRRS 01 đại diện để sản xuất vắc xin vô hoạt PRRS. Sản xuất được 10.000 liều vắc xin vô hoạt PRRS nhũ dầu và vắc xin vô hoạt PRRS keo phèn. Xây dựng thành công các quy trình tuyển chọn chủng virus vắc xin PRRS; quy trình sản xuất vắc xin vô hoạt PRRS trên công nghệ tế bào; quy trình kiểm nghiệm, sử dụng và bảo quản vắc xin vô hoạt PRRS cho hiệu quả cao.

Đồng thời, đưa ra báo cáo về đặc tính sinh học và sinh học phân tử của các chủng virus PRRS sử dụng chế vắc xin; báo cáo kết quả thử nghiệm vắc xin trên diện hẹp và công bố 2 bài báo, đào tạo 3 thạc sỹ, 1 nghiên cứu sinh.

Có thể nói, đề tài đã hoàn thiện đầy đủ các nội dung theo yêu cầu đặt ra, trong đó có một số nội dung vượt chỉ tiêu. Với những kết quả đạt được, Hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp Nhà nước đã nhất trí thông qua và đánh giá cao kết quả của đề tài, đồng thời đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp tục đầu tư, triển khai dự án sản xuất thử nghiệm để sớm đưa sản phẩm vào ứng dụng trong thực tế.

Lượt xem: 1340

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)