Thứ năm, 15/09/2016 17:01 GMT+7

Sản xuất thử và phát triển hai giống mía K95-156 và Suphanburi7

Trong khoảng thời gian từ tháng 11/2011 đến tháng 10/2014, nhóm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu mía đường do TS. Nguyễn Đức Quang dẫn đầu, đã thực hiện dự án: “Sản xuất thử và phát triển hai giống mía K95-156 và Suphanburi7”.


Hai giống mía K95-156 và Suphanburi7 trong đề tài có nguồn gốc từ các tỉnh Kanchanaburi và Suphanburi của Thái Lan. Đây là những giống mía tốt, có khả năng phát triển cao trong sản xuất, khi bổ sung các giống này vào cơ cấu giống của các vùng Đông Nam bộ và Tây Nam bộ sẽ giúp rải vụ thu hoạch, tránh được những rủi ro về dịch hại, tăng năng suất và chất lượng mía nguyên liệu, đáp ứng kịp thời yêu cầu sản xuất hiện nay một cách thiết thực. Ở vùng Đông Nam bộ, giống K95-156 với những ưu điểm về năng suất có khả năng đạt trên 100 tấn/ha, chữ đường trên 11,5 CCS, thỏa mãn nhu cầu ép đầu vụ, có thể trồng được trên cả các vùng đất cao và đất thấp trong khi giống K88-200 chỉ phù hợp cho vùng đất thấp. Ở vùng Nam Trung bộ, Suphanburi7 là giống có khả năng đạt năng suất trên 94,5 tấn/ha, chữ đường trên 12 CCS, năng suất quy 10 CCS vượt đối chứng My5514 trên 40%, có khả năng mở rộng diện tích cao. Ở vùng Tây Nam bộ, Suphanburi7 là giống có khả năng sinh trưởng phát triển và chống chịu tốt, năng suất đạt trên 125 tấn/ha, vượt đối chứng K84-200 và QĐ11 trên 10%, chữ đường 13 CCS, đặc biệt giống vươn cao rất nhanh và có khả năng thích ứng rộng trên nhiều chân đất khác nhau, kể cả những chân đất chạy lũ, phải thu hoạch sớm.

Ở các vùng mía Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, hiệu quả sản xuất mía chưa cao, khả năng cạnh tranh của mía kém hơn so với những cây trồng khác. Nguyên nhân chính dẫn đến hiệu quả sản xuất mía chưa cao là do năng suất, chất lượng mía còn thấp (vùng Nam Trung Bộ đạt năng suất 53,8 tấn/ha và chữ đường 10 CCS; vùng Đông Nam Bộ đạt năng suất 65 tấn/ha và chữ đường 9,5 CCS; vùng Tây Nam Bộ đạt năng suất 85 tấn/ha và chữ đường 8,5 CCS) so với tiềm năng tăng năng suất và chất lượng mía của các vùng này khá cao (tiềm năng năng suất 74 tấn/ha và chữ đường 10,5 CCS ở vùng Nam Trung Bộ; năng suất 113 tấn/ha và chữ đường 10,5 CCS ở vùng Đông Nam Bộ; năng suất 113 tấn/ha và chữ đường 9,4 CCS ở vùng Tây Nam Bộ). Sản lượng mía hàng năm thường chỉ đáp ứng đủ khoảng 80% công suất thiết kế của nhà máy. Có nhiều lý do ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và sản lượng mía, song vấn đề chủ yếu ở đây là thiếu giống mía tốt, cơ cấu giống mía và kỹ thuật thâm canh chưa hợp lý.

Từ những phân tích trên, dự án này là sự kế thừa kết quả nghiên cứu của các đề tài và nhu cầu bức thiết của sản xuất nhằm hoàn thiện một số biện pháp canh tác để nhanh chóng phát triển 2 giống mía mới, bổ sung cơ cấu giống cho sản xuất đại trà, kịp thời đáp ứng yêu cầu cấp thiết của sản xuất là gia tăng năng suất, chất lượng mía, hạ giá thành sản phẩm và góp phần tăng cường năng suất cạnh tranh của ngành mía đường trong giai đoạn hiện nay.

Dự án đã thu được một số kết quả sau:
- Đã hoàn thiện quy trình nhân giống Suphanburi7 tại Khánh Hòa đạt 56,36 tấn/ha/vụ, tại Hậu Giang đạt 77,3 tấn/ha/vụ và giống K95-156 tại Tây Ninh đạt 59,5 tấn/ha/vụ vượt mục tiêu của dự án.
- Đã hoàn thiện quy trình thâm canh giống Suphanburi7 tại Khánh Hòa đạt 87,66 tấn/ha/vụ, CCS đạt 11,57%; tại Hậu Giang đạt 126,8 tấn/ha/vụ, CCS đạt 11,56%; giống K95-156 tại Tây Ninh không tưới nước bổ sung đạt 88,1 tấn/ha/vụ, CCS đạt 11,53% và có nước tưới bổ sung trong mùa khô đạt 111,6 tấn/ha/vụ, CCS đạt 11,52%.
- Giống mía K95-156 tại Tây Ninh trong điều kiện không tưới nước bổ sung năng suất đạt 88,1 tấn/ha/vụ, CCS đạt 11,53% và có tưới nước bổ sung trong mùa khô năng suất đạt 111,6 tấn/ha/vụ, CCS đạt 11,52%. Giống mía này đã được công nhận là giống cây trồng mới.
- Giống mía Suphanburi7 tại Khánh Hòa đạt năng suất 87,66 tấn/ha/vụ và CCS đạt 11,57% tại Hậu Giang năng suất đạt 126,8 tấn/ha/vụ và CCS đạt 11,56%. Giống mía này được công nhận là giống cây trồng mới.
- Sản lượng mía giống của dự án đạt 1263,3 tấn vượt kế hoạch 263,3 tấn và mang lại lợi nhuận trực tiếp cho người tham gia dự án là 2820,572 triệu đồng. Sản lượng mía nguyên liệu đạt 7965,95 tấn vượt kế hoạch 1370,95 tấn, mang lại lợi nhuận trực tiếp cho người tham gia dự án là 1131,029 triệu đồng.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 11048/2015) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

Lượt xem: 3181

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)