Toàn cảnh buổi họp Hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp Nhà nướcĐề tài thuộc Chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2011-2015 “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng” (KC.10/11-15). Được thực hiện từ ngày 01/04/2013 đến 01/03/2015, đề tài hướng đến mục tiêu xây dựng quy trình xác định một số vi nấm gây bệnh nội tạng ở người bằng kỹ thuật sinh học phân tử; xây dựng quy trình chế tạo một số bộ sinh phẩm chẩn đoán vi nấm gây bệnh nội tạng ở người bằng kỹ thuật sinh học phân tử; đánh giá độ nhạy, độ đặc hiệu và hiệu quả chẩn đoán của các bộ sinh phẩm.
Báo cáo tại buổi họp Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước, ông Đỗ Ngọc Ánh – đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, hiện nay, tình trạng lạm dụng kháng sinh, các bệnh lý gây suy giảm miễn dịch, HIV/AIDS, bệnh lý ung thư,… làm gia tăng nhiễm nấm nội tạng. Tỉ lệ nhiễm nấm máu thấp hơn so với các nhiễm khuẩn huyết nhưng tỉ lệ tử vong lại cao hơn. Nhiễm nấm máu tỉ lệ tử vong >60%, trong khi nhiễm khuẩn huyết vi 30-50%.
Ông Đỗ Ngọc Ánh – đại diện nhóm nghiên cứu báo cáo kết quả của đề tàiXuất phát từ thực tế đó, Học viện Quân y đề xuất và được Bộ KH&CN giao chủ trì, thực hiện đề tài KC.10.32/11-15. Triển khai đề tài này, nhóm nghiên cứu đã thu thập bệnh phẩm để sàng lọc, tuyển chọn các chủng vi nấm nghiên cứu; nuôi cấy, phân lập, định danh các vi nấm từ bệnh phẩm thu thập; tuyển chọn các chủng vi nấm để lưu giữ; xây dựng quy trình xác định loài vi nấm bằng kỹ thuật sinh học phân tử; nghiên cứu xây dựng quy trình chế tạo bộ sinh phẩm PCR-RFLP chẩn đoán vi nấm nội tạng thường gặp; nghiên cứu xây dựng quy trình chế tạo bộ sinh phẩm Nested-PCR chẩn đoán vi nấm nội tạng thường gặp; nghiên cứu xây dựng quy trình chế tạo bộ sinh phẩm Multiplex-PCR chẩn đoán đồng thời một số vi nấm nội tạng thường gặp; xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, đánh giá độ ổn định và kiểm định độc lập các bộ sinh phẩm; đánh giá độ nhạy, độ đặc hiệu và hiệu quả chẩn đoán của các bộ sinh phẩm.
Sau quá trình triển khai, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được các bộ kít PCR-RFLP cho chẩn đoán nhanh một số vi nấm nội tạng thường gặp, Nested-PCR phát hiện nấm C.albicans, Nested-PCR phát hiện nấm A.fumigatus, Nested-PCR phát hiện nấm C.neoformans, Nested-PCR phát hiện nấm P.marneffei và bộ kit Multiplex-PCR phát hiện nấm C.albicans, C.neoformans.
Nhóm nghiên cứu cũng đã xây dựng thành công quy trình xác định một số vi nấm gây bệnh nội tạng ở người bằng kỹ thuật sinh học phân tử; quy trình chế tạo 4 bộ sinh phẩm (kit) RFLP-PCR, Nested – PCR, Multiplex - PCR chẩn đoán vi nấm gây bệnh nội tạng ở người bằng kỹ thuật sinh học phân tử; bảng tiêu chuẩn cơ sở của 4 bộ sinh phẩm tương đương tiêu chuẩn sản phẩm nhập khẩu cùng loại. Đồng thời, đưa ra được báo cáo kết quả sàng lọc một số chủng vi nấm gây bệnh nội tạng ở người và báo cáo độ nhạy, độ đặc hiệu và hiệu quả chẩn đoán của 4 bộ sinh phẩm. Cùng với đó, công bố 6 bài báo khoa học, đào tạo 3 tiến sĩ.
Nhóm nghiên cứu mong muốn và kiến nghị được tiếp tục đánh giá hiệu quả của một số bộ sinh phẩm từ đề tài trên cỡ mẫu bệnh phẩm lâm sàng lớn hơn để có cơ sở đưa vào ứng dụng trong thực tiễn; Mở rộng nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử chẩn đoán nhiễm nấm Candida non-albicans ở máu; Nghiên cứu thiết kế, phát triển các kỹ thuật chẩn đoán nấm phối hợp với chẩn đoán vi khuẩn để tăng hiệu quả phát hiện các mầm bệnh, đồng thời nghiên cứu tình trạng kháng thuốc chống nấm của vi nấm gây bệnh ở Việt Nam…
Tại buổi nghiệm thu, các thành viên hội đồng đều đánh giá cao những kết quả đạt được của nhóm nghiên cứu. Với những kết quả đạt được, Hội đồng nghiệm thu đã nhất trí thông qua đề tài, đồng thời kiến nghị đề tài cần được tiếp tục đầu tư mở rộng nghiên cứu và triển khai các thủ tục cần thiết khác để được phép ứng dụng trên bệnh nhân.