Thứ tư, 02/11/2016 17:20 GMT+7

Bảo tồn và lưu giữ nguồn gen vi sinh vật công nghiệp chế biến dầu thực vật

Lượng dầu thực vật tiêu thụ bình quân đầu người hiện nay ở nước ta từ 8 – 9 kg/năm, thấp hơn nhiều so với 13,5 kg/người/năm bình quân của thế giới. Theo dự báo của Bộ Công thương, nhu cầu dầu thực vật trong nước vẫn tiếp tục tăng, 16 kg/người vào năm...
Xu thế của khoa học công nghệ sử dụng vi sinh vật trong chế biến càng ngày càng được quan tâm. Một trong các lý do chính làm cho vi sinh vật được gia tăng đầu tư khai thác là do chúng có tốc độ tăng trưởng cao hơn bất kỳ sinh vật nào khác, kết quả là năng suất rất cao bên cạnh sự đa dạng của các chủng loài vi sinh vật và đa dạng các sản phẩm tạo ra. Trong số đó, đối tượng vi tảo gần đây được thế giới quan tâm nghiên cứu, khai thác, đặc biệt về khía cạnh dầu. Các chủng vi tảo có hàm lượng dầu trung bình trong khoảng 20 - 60%, đạt 24.000 - 120.000 lít dầu/ha/năm, trong khi đó, hàm lượng dầu của các cây có dầu thấp hơn nhiều, ví dụ cây cọ dầu là cây có năng suất dầu cao nhất, chỉ đạt được năng suất là 6.000 lít/ha/năm. Dầu của vi tảo không khác dầu thực vật và được sử dụng cho các mục đích khác nhau: thực phẩm, năng lượng, y học, mỹ phẩm... Sản xuất dầu từ vi tảo là một nguồn tiềm năng để có thể chủ động nguồn nguyên liệu cho sản xuất dầu và có hiệu quả kinh tế phục vụ cho ngành thực phẩm và công nghiệp dầu thực vật. Mặt khác, thúc đẩy phát triển chế biến đa dạng hóa các sản phẩm từ dầu vi tảo (công nghệ hóa dầu béo, công nghệ sinh học sản xuất các hoạt chất quý) sẽ tạo chuỗi giá trị mới, thúc đẩy phát triển ngành dầu theo hướng ổn định. Khai thác vi tảo do đó là một trong các lĩnh vực nhiều tiềm năng đối với ngành dầu thực vật Việt Nam trên cơ sở khai thác dầu, các acid béo không no, các chất có hoạt tính sinh học và các sản phẩm từ dầu.

Trước đòi hỏi thực tế về thiếu hụt nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp dầu thực vật, tiềm năng sản xuất dầu từ vi tảo, nhiệm vụ “Bảo tồn và lưu giữ nguồn gen vi sinh vật công nghiệp chế biến dầu thực vật” đã được thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến 12/2014 bởi nhóm chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu dầu và Cây có dầu do ThS. Trần Yên Thảo đứng đầu nhằm thu thập, bảo tồn và lưu giữ nguồn gen vi sinh vật phục vụ phát triển ngành dầu thực vật.

Sau một thời gian thực hiện, đề tài đã hoàn thành đầy đủ về số lượng, với chất lượng cao, đạt được các mục tiêu đã đề ra, thể hiện qua một số kết quả thu được như sau:
- Thu thập được trong nguồn nước tự nhiên (nước ngọt, nước lợ và nước mặn) 24 chủng vi tảo có khả năng tạo lipid, bao gồm 23 loài thuộc 11 chi Mychonastes, Scenedesmus, Desmodesmus, Pectinodemus, Acutodesmus, Chlorella, Picochlorum, Nannochloris, Stichococcus, Auxenochlorella.
- Trong số 24 chủng tạo lipid, có 10 chủng có hàm lượng lipid cao hơn 20% và 3 chủng cao hơn 30% (Chlorella sorokiniana QG - N1; Nannochloris sp. QG - L4; Mychonaste sp. QG - L1). Ngoài ra, còn có các chủng có hàm lượng lipid khá cao cùng với hàm lượng chlorophill và carotenoid cao (Stichococcus sp. QG - M2; Chlorella emersonii QG - N13; Desmodesmus subspicatus QG - N15; Desmodesmus abundance QG - N3 và Desmodesmus opoliensis QG - N12).
- Bộ chủng giống vi tảo này đã được tư liệu hóa về các đặc tính hình thái, sinh trưởng, một số yếu tố ảnh hưởng đến sinh trưởng, hàm lượng dầu, hàm lượng chlorophill, carotenoid, trình tự gen (18S rRNA) và các đặc tính khác.
- Bộ giống đang được lưu giữ và bảo quản tốt tại Bộ môn Công nghệ Sinh học, Viện Nghiên cứu Dầu và cây có dầu.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 11334) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

Lượt xem: 3369

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)