Thứ hai, 07/11/2016 16:22 GMT+7

Hội nghị giao ban KH&CN vùng Trung du và Miền núi phía Bắc lần thứ XVI

Ngày 05/11/2016, tại thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, Bộ KH&CN phối hợp với UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức Hội nghị giao ban KH&CN vùng Trung du và Miền núi phía Bắc lần thứ XVI.

Tham dự Hội nghị, về phía Bộ KH&CN có ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH&CN và các Vụ, Viện, Trung tâm thuộc Bộ KH&CN.

Về phía tỉnh Hòa Bình có ông Bùi Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo sở, ban, ngành liên quan. Tham dự Hội nghị còn có Giám đốc Sở KH&CN, đại diện các đơn vị có liên quan của 14 tỉnh gồm 10 tỉnh thuộc khu vực Đông Bắc và 4 tỉnh Tây Bắc.


Thứ trưởng Trần Văn Tùng phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, vùng Trung du và Miền núi phía Bắc là vùng có vị trí địa lý đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, là vùng có tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng, một số khoáng sản có trữ lượng lớn như quặng sắt, quặng apatit, vonfram,…

Đây là một thế mạnh và là cơ sở quan trọng để phát triển ngành công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, đồng thời Vùng có một hệ sinh thái và tài nguyên sinh vật đa dạng, diện tích đất đồi, rừng lớn có tiềm năng phát triển kinh tế đồi rừng; có một số khu rừng đặc dụng, rừng quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên quan trọng như rừng quốc gia Ba Bể, rừng quốc gia Xuân Sơn, Hoàng Liên, Cao nguyên đá Đồng Văn,...

Để đánh giá những kết quả đã đạt được trong giai đoạn vừa qua, nghiêm túc nhìn nhận lại những mặt còn tồn tại hạn chế, Thứ trưởng đề nghị đại diện Sở KH&CN các tỉnh phát biểu thẳng thắn, nhìn nhận, đánh giá đúng những kết quả đạt được, những khó khăn, tồn tại, vướng mắc và cùng nhau đề xuất những giải pháp tốt nhất, khả thi nhất, trên cơ sở đó thống nhất hành động thực hiện đạt kết quả cao nhất hoạt động KH&CN trong thời gian tới.

Báo cáo tình hình hoạt động KH&CN toàn vùng trong thời gian qua, ông Nguyễn Văn Liễu, Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương- Bộ KH&CN cho biết, giai đoạn năm 2014 và 2016, toàn vùng có 794 nhiệm vụ thuộc các lĩnh vực: khoa học tự nhiên; khoa học xã hội và nhân văn; khoa học nông nghiệp; khoa học y dược; khoa học kỹ thuật và công nghệ. Số lượng các kết quả nghiên cứu, các tiến bộ kỹ thuật được áp dụng và triển khai nhân rộng được tăng lên rõ rệt trong những năm gần đây, trung bình đạt từ 50-70%, tổng số kết quả nghiên cứu ứng dụng tùy theo từng địa phương. Nhiều đề tài, dự án được nghiên cứu, ứng dụng thành công góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao chất lượng đời sống tinh thần, vật chất của người dân.


Ông Bùi Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, ông Bùi Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình nhận định, trong những năm qua, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn song hoạt động KH&CN đã đạt được một số kết quả nổi bật trong một số lĩnh vực như nông nghiệp, giáo dục, xã hội nhân văn, đổi mới cơ chế quản lý và đặt biệt là những năm gần đây tỉnh Hòa Bình tập trung đầu tư để phát triển trong lĩnh vực công nghệ sinh học,…

Chính vì vậy Hội nghị là dịp để tổng kết đánh giá hoạt động KH&CN tại các địa phương và định hướng phát triển KH&CN trong những năm tiếp theo. Đồng thời, Hội nghị Giao ban cũng chia sẻ những vướng mắc, khó khăn, kinh nghiệm giữa các tỉnh trong việc tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN, ông Bùi Văn Khánh nhấn mạnh.


Giám đốc Sở KH&CN Hòa Bình Đỗ Hải Hồ báo cáo tham luận tại Hội nghị

Báo cáo tình hình hoạt động KH&CN của tỉnh Hòa Bình trong thời gian qua, ông Đỗ Hải Hồ, Giám đốc Sở KH&CN Hòa Bình cho biết, trong 3 năm qua đã có 54 đề tài, dự án cấp tỉnh, cấp bộ và cấp quốc gia được triển khai thực hiện thực trên 6 lĩnh vực (khoa học nông nghiệp; khoa học tự nhiên; khoa học kỹ thuật và công nghệ; khoa học y dược; khoa học xã hội; khoa học nhân văn).

Các đề tài, dự án thực hiện có hiệu quả với nhiều đề tài, dự án được nghiên cứu, ứng dụng thành công góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao chất lượng đời sống tinh thần, vật chất của người dân. Một số đề tài đã tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, như việc xây dựng và công bố Chỉ dẫn địa lý Cao Phong cho sản phẩm cam quả của huyện Cao Phong đã tăng giá trị quả cam lên 30-40%, giá trị gia tăng lên đến hàng trăm tỉ đồng, nhiều hộ nông dân đã trở thành tỉ phú, cam Cao Phong đã nổi tiếng khắp cả nước, nâng diện tích trồng cam từ 1.200 ha (năm 2014) lên gần 3.000 ha (năm 2016), dự kiến hơn 5.000 ha vào năm 2020.

Đa số ý kiến các đại biểu tham dự Hội nghị cho rằng, thời gian qua hoạt động KH&CN của tỉnh đã đạt nhiều kết quả tốt nhưng vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục, như mối liên kết các tổ chức nghiên cứu với địa phương, các địa phương với các địa phương còn chưa chặt chẽ, đầu tư cho KH&CN ở một số địa phương còn chưa đủ mạnh để phát triển KH&CN,... Các đại biểu đề nghị trong thời gian tới cần đẩy mạnh liên kết vùng, tăng cường công tác truyền thông, tăng cường đầu tư cho KH&CN,… để KH&CN thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế trong vùng.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cũng nhấn mạnh, bên cạnh những tiềm năng, thuận lợi thì vùng Trung du và Miền núi phía Bắc vẫn là vùng còn nhiều khó khăn do cơ sở hạ tầng còn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Chính vì vậy trong giai đoạn tới, vùng Trung du và Miền núi phía Bắc cần chú trọng hơn nữa đến hoạt động KH&CN. Các địa phương cần tính đến bài toán kinh tế khi triển khai các nhiệm vụ KH&CN, đây là yếu tố quan trọng nhất để thu hút các doanh nghiệp tham gia hoạt động KH&CN. Thứ trưởng cũng đề nghị các đơn vị liên quan của Bộ KH&CN có những kiến nghị, đề xuất giải pháp thực hiện nhiệm vụ cụ thể với từng địa phương, tham mưu cho Lãnh đạo Bộ KH&CN tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy hoạt động KH&CN vùng Trung du và Miền núi phía Bắc trong thời gian tới.


Một gian hàng sản phẩm KH&CN được trưng bày tại Hội nghị

Lượt xem: 2553

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)