Cá bông lau (Pangasius krempfi Fang và Chaux), lươn đồng (Monopterus albus Zuiew) và bống tượng (Oxyeleotris marmoratus Bleeker) là các loài cá bản địa rất quý, thịt ngon, được nhiều người ưa thích, giá trị kinh tế rất cao, nhưng sản lượng cá thương phẩm chủ yếu đánh bắt từ tự nhiên. Trong khi đó nghề nuôi loài cá này hầu như chưa phát triển, do nguồn cá giống ngoài tự nhiên ngày càng khan hiếm. Hiện nay sản lượng khai thác ngoài tự nhiên bị giảm sút nghiêm trọng do tình trạng đánh bắt thiếu kiểm soát và nhiều vùng cư trú, dinh dưỡng, bãi đẻ của các loài cá bị huỷ hoại hoặc chịu sự tác động của con người.
Trước đây, cá bông lau, lươn đồng và cá bống tượng đã được nhiều công trình nghiên cứu về đặc điểm sinh học, sinh sản, sản xuất giống nhân tạo cho ra sản phẩm con giống đáp ứng phần nào nhu cầu con giống cho người nuôi. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn một số nhược điểm là các khâu kỹ thuật chưa hoàn thiện, chưa xây dựng được quy trình sản xuất giống, cũng như chưa đào tạo cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật, chủ cơ sở sản xuất cá giống về công nghệ sản xuất giống 3 đối tượng trên để mở rộng quy mô phát triển. Do vậy, việc hình thành và phát triển dự án “Phát triển giống một số loài thủy sản bản địa quý hiếm” bao gồm cá bông lau, lươn đồng và cá bống tượng là cần thiết và có tính khả thi cao, đáp ứng yêu cầu của sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế cho xã hội.
Đề tài đã hoàn thiện thành công ba quy trình công nghệ sản xuất của ba đối tượng cá bông lau, lươn đồng và cá bống tượng, các chỉ tiêu kỹ thuật đều được cải thiện đạt tỷ lệ cao hơn so với các kết quả đã được nghiên cứu trước đây.
Ngoài ra, đề tài đã xây dựng mô hình sản xuất giống: Đã sử dụng đàn cá bông lau, bống tượng, lươn bố mẹ tập hợp và thế hệ F 1 (đàn con của cá, lươn ban đầu) từ nội dung hoàn thiện công nghệ sản xuất giống, tập hợp thêm đàn cá bông lau, bống tượng, lươn bố mẹ của nội dung này đạt tỷ lệ sống cao. Các chỉ tiêu kỹ thuật đều đạt yêu cầu so với đề cương, xây dựng thành công mô hình sản xuất cá bông lau, lươn đồng và cá bống tượng.
Nghiên cứu sản xuất giống 3 đối tượng quý hiếm là cá bông lau, lươn đồng và cá bống tượng mang lại hiệu quả kinh tế dù chưa cao, nhưng đã tạo ra sản phẩm hàng hóa cung cấp cho người nuôi những gống loài thủy sản có giá trị kinh tế, làm phong phú thêm tính đa dạng thành phần giống loài. Trong tương lai cá bông lau sẽ được mở rộng quy mô sản xuất vì đây là loài cá có giá trị kinh tế cao nhất nhì trong các loài cá da trơn và là món ăn tươi đặc sản trong các nhà hàng, quán ăn của miền Tây Nam Bộ.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 14000) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.