Thứ tư, 15/05/2019 20:26 GMT+7

Thủ tướng: "Chất xám là tài nguyên càng khai thác càng nảy nở"

Công nghệ là yếu tố nội sinh quan trọng quyết định tăng trưởng dài hạn và giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Sáng 15/5, Hội nghị "Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Một trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam" do Bộ Khoa học và Công nghệ và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Liên minh Đổi mới Phát triển Quốc tế (IDIA) đồng tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội với sự tham dự của Thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ngành, doanh nghiệp, chuyên gia cấp cao quốc tế. Hội nghị bắt đầu lúc 8h, kết thúc 12h. Trong buổi chiều diễn ra các phiên thảo luận chuyên đề.
 

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh phát biểu khai mạc
Mở đầu chương trình, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh gửi lời cảm ơn đến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng sự tham gia của đại diện các bộ, ban ngành và đại biểu quốc tế.

Theo Bộ trưởng, khoa học và công nghệ có vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chính sách về khoa học và công nghệ đã được tập trung hoàn thiện với nhiều quy định tiến bộ và đổi mới. Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia được hình thành và chuyển dịch theo hướng đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm.

Phong trào khởi nghiệp sáng tạo đã lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội; tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia được củng cố; thị trường khoa học và công nghệ bước đầu gắn kết hoạt động khoa học và công nghệ với sản xuất, kinh doanh. Hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ dần đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.

Những năm qua, sự đóng góp của khoa học công nghệ thể hiện trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp... Theo đánh giá của tổ chức sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), trong những năm gần đây, Việt Nam luôn tăng hạng trong xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp. 

Tuy nhiên, để khoa học thực sự trở thành động lực và nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam cần giải quyết các vướng mắc khó khăn; có các giải pháp mạnh mẽ hơn để thu hút đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ đầu ngành; tăng cường đầu tư...

Ba câu hỏi lớn để Việt Nam phát triển khoa học công nghệ

Tiếp bài phát biểu, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, Việt Nam đang xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, trong đó khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được xác định nền tảng để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Cơ quan quản lý đã tăng cường triển khai hoạt động hợp tác với các quốc gia có nhiều kinh nghiệm phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo như Phần Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc... Nhiều tổ chức trong và ngoài nước cũng đang hỗ trợ Việt Nam triển khai các hoạt động phát triển khoa học công nghệ.

Tại hội nghị, các chuyên gia sẽ trình bày báo cáo về tương lai nền kinh tế số của Việt Nam và các kết quả bước đầu của Báo cáo khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến 2035, tầm nhìn 2045. Các báo cáo này được thực hiện trên cơ sở khảo sát kỹ lưỡng thực tiễn và nghiên cứu bối cảnh của Việt Nam hiện tại. 

Bộ trưởng cũng đặt ra 3 câu hỏi mà hội nghị cần giải quyết. Đó là làm thế nào để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội; giải pháp gì để thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia với doanh nghiệp là trung tâm và kiến nghị nào dành cho Việt Nam.
 

Ông Craig Chittick : Những khuyến nghị mang lại lợi ích lâu dài cho Việt Nam
Thay mặt cho đại sứ quán Australia, ông Craig Chittick hoan nghênh khách mời tới tham dự hội nghị thường niên: Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - Một trụ cột cho phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.

Đại sứ Australia cho biết, Australia và Việt Nam là đối tác chiến lược, dựa trên ba nền tảng là quan hệ đối tác về an ninh, quan hệ đối tác về kinh tế và quan hệ đổi mới sáng tạo. 

Ông cho biết, Báo cáo Tương lai nền kinh tế số Việt Nam hướng đến năm 2030, 2045 trong hội nghị hôm nay là kết quả sau 18 tháng nghiên cứu của Australia và Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Báo cáo này là minh chứng về quan hệ đối tác đổi mới sáng tạo, hợp tác chặt chẽ giữa hai bên trong thời gian qua. Đây là báo cáo thứ hai do Data61 xây dựng cho chương trình Aus4Innovation. "Báo cáo thứ nhất, Việt Nam ngày nay, đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô và nền kinh tế số của Việt Nam trong năm 2018", ông cho biết.
 

Đại sứ Australia tin tưởng trên cơ sở hợp tác chặt chẽ và liên tục cũng những bài học khuyến nghị và báo cáo trong hội nghị sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho người dân Việt Nam. Hội nghị là cơ hội để làm nổi bật mối quan hệ đối tác đổi mới sáng tạo giữa Australia và Việt Nam.

Ông kỳ vọng, trong ba năm tới, mối quan hệ giữa hai nước sẽ được thúc đẩy, tăng cường phối hợp về chính sách, đưa giải pháp về mặt chính sách, giải quyết thách thức về mặt kinh tế, tăng cường hợp tác trong những lĩnh vực mới, giúp cả hai nước hướng đến tương lai số. "Khi môi quan hệ chặt chẽ hơn tôi mong muốn nhiều bạn sẽ đến với Australia", đại sứ Australia kỳ vọng.
Đại diện IDIA ấn tượng với tham vọng của doanh nghiệp Việt

Phát biểu tại sự kiện, bà Sarah Pearson - đại diện Liên minh Sáng tạo và Phát triển Quốc tế (IDIA) cho rằng Việt Nam đã có những thành công nhất định trong đổi mới sáng tạo. Đây là những công cụ hữu ích hỗ trợ sự phát triển của Việt Nam trong 40 năm qua. 
 

Qua quá trình gặp gỡ, trao đổi với các lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam, bà bày tỏ sự ấn tượng với tham vọng, tầm nhìn và những ý tưởng sáng tạo của người Việt trong kỷ nguyên công nghệ số. Theo bà, điều quan trọng cho Việt Nam là phát triển công nghệ trong nền tảng khoa học. 

Theo bà, IDIA thành lập từ năm 2015 là tập hợp lãnh đạo của các nước, các tổ chức quốc tế nhằm hợp tác, học hỏi lẫn nhau trên nhiều lĩnh vực, bao gồm hỗ trợ đổi mới sáng tạo. IDIA chia sẻ với nhiều quốc gia, tham gia nhiều sự kiện các nước G7 đưa đổi mới sáng tạo vào lộ trình phát triển và có nhiều tác động đến các nhóm yếu thế trong xã hội như phụ nữ, trẻ em... Đơn vị này cũng quan tâm đến công nghệ đổi mới sáng tạo đối tác startup nhằm hỗ trợ các tổ chức này.

Công nghệ số có thể đóng góp 10 - 20 nghìn tỷ USD cho kinh tế toàn cầu đến năm 2025

Ông Stefan Hajkowicz - Nhà khoa học cao cấp CSIRO giới thiệu tổng quan về mức độ phát triển khoa học công nghệ của Australia và các chính sách để đưa xứ sở chuột túi thành đất nước công nghệ.

Để phát triển công nghệ, Australia đã thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo về số Data61 với 1.000 nhân viên, 80 đối tác chính phủ, 120 đối tác phi chính phủ... Trong quá trình hoạt động, trung tâm này đã tạo ra hơn 200 dự án liên quan đến công nghệ, 170 bằng sáng chế. Mục tiêu của Data61 là sử dụng khoa học và công nghệ cao để giải quyết các thách thức số, phát triển kinh tế đất nước của Australia. Ông cho rằng, nhờ khoa học công nghệ, con cháu đời sau sẽ được hưởng lợi.
 

Data61 cũng tiến hành phân tích tầm nhìn chiến lược, xem xét sự tác động của công nghệ đến Việt Nam, phân tích sự thành công của nước nước phát triển đồng thời chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia khác để giảm thiểu rủi ro.

Theo ông Stefan Hajkowicz, công nghệ số đem lại cơ hội song cũng tạo ra không ít thách thức. Sự chuyển hướng phát triển của ngành kinh tế số, dự kiến đóng góp từ 10 đến 20 nghìn tỷ USD cho kinh tế toàn cầu đến năm 2025

Công nghệ số cũng giúp nâng cao năng suất lao động, tạo ra tài sản, thúc đẩy tăng trưởng Australia. Ông lấy ví dụ về việc lắp đặt 2.400 cảm biến cho cầu Habour ở Sydney.. Cùng với các chương trình học máy và phân tích dự báo, hệ thống có thể dự báo chính xác thời gian và vị trí trước khi sự cố xảy ra. Hệ thống giúp cây cầu trở nên an toàn hơn và cũng tiết kiệm chi phí

Đánh giá cao vai trò của khoa học công nghệ, ông cho rằng, ngành này có nhiều tiềm năng to lớn và Việt Nam có thể đáp ứng nhu cầu để phát triển trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Australia còn phát triển công nghệ Blockchain, trí tuệ nhân tạo và học máy. Đây là những công nghệ đột phá nhằm đẩy mạnh khoa học công nghệ.

Chuyển đổi số sẽ đem lại tăng trưởng GDP 1,1% GDP mỗi năm cho Việt Nam đến năm 2045
Bà Lucy Cameron - tư vấn nghiên cứu cao cấp, CSIRO cho biết đã xác định mối quan hệ đối tác với Bộ để lập báo cáo tương lai kinh tế số của Việt Nam. Quá trình xây dựng báo cáo có sự lắng nghe tiếng nói của nhiều bên liên quan, tiến hành nhiều nghiên cứu với các đơn vị liên quan, làm việc tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM để lấy ý kiến, nhiều chuyên gia đã tham gia phản biện, "Báo cáo được nghiên cứu công phu, là sản phẩm hoàn toàn của Việt Nam", bà nhấn mạnh.
 

Theo chuyên gia, Việt Nam có vị thế phù hợp để thúc đẩy kinh tế số. Chuyển đổi số sẽ đem lại khoảng 1,1% tăng trưởng GDP mỗi năm cho Việt Nam đến năm 2045. Bà cũng nhận định, tăng trưởng của Việt Nam khá nhanh và toàn diện, chỉ sau Trung Quốc và có nền tảng phù hợp để chuyển đối số.

Về thách thức, cũng như nhiều quốc gia, Việt Nam gặp thách thức về biến đổi khí hậu, sự chậm lại của năng suất lao động, nguồn lực cần thiết. 

Việt Nam đã đạt được vị thế quốc gia thu nhập trung bình thấp. Nhiều quốc gia mắc bẫy thu nhập trung bình do không có đổi mới và thay đổi nguồn tăng trưởng. Đối với các nền kinh tế có thu nhập cao, tăng tưởng nhanh như Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc... họ vượt lên bứt phá nhờ đầu tư vào khoa học công nghệ.

Cũng theo chuyên gia, Việt Nam có nhiều điểm tương đồng như các nước này. Để trở thành "con hổ châu Á" đạt được mức thu nhập cao, Việt Nam cần tăng trưởng cao về xuất khẩu và chuyển đổi cơ cấu; tăng trưởng nhanh và toàn diện; bắt kịp về công nghệ và ứng dụng khoa học - công nghệ và nâng cao năng suất; hệ thống chính sách ổn định và đáng tin cậy; đầu tư cao cho y tế - giáo dục; quản lý tốt kinh tế vĩ mô - tỷ lệ nợ nước ngoài, lạm phát ở mức thấp, các chỉ số vĩ mô khác cũng ở mức ổn định.

TS Lucy Cameron: Việt Nam cần đẩy mạnh chuyển giao công nghệ

Theo tiến sĩ Lucy Cameron, trước đây Việt Nam gia tăng sản xuất, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thúc đẩy dựa trên tăng trưởng truyền thống. Tuy nhiên, để bứt phá cần chú trọng đến công nghệ cao, tập trung vào phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo với những định hướng mới.

Bà dẫn lại lời phát biểu của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam về giải pháp phát triển khoa học công nghệ và coi đó là định hướng đúng đắn. Theo bà Cameron, chỉ những quốc gia tận dụng tốt khoa học công nghệ mới có những bứt phá nhảy vọt trong giai đoạn hiện nay. 
Nhiều doanh nghiệp Việt đã tận dụng tốt những nền tảng công nghệ như Vietnam Airlines dùng máy bay không người lái, công nghệ thực tế ảo tăng cường hiệu quả hoạt động. 

Bà nhận định, xuất khẩu Việt Nam đạt được nhiều thành tựu. Tại những thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM đã xuất hiện nhiều xu hướng lớn như công nghệ số, có thể tạo hình thù cho nền kinh tế; quốc tế hóa: sự hội nhập kinh tế cũng ngày càng hiệu quả hơn qua các hiệp định thương mại tự do chứng tỏ Việt Nam ngày càng có sự gắn kết hơn với nền kinh tế thế giới.

Bà đưa ra một số xu thế chủ đạo và các kịch bản lớn có thể tác động nhiều đến nền kinh tế Việt Nam bao gồm: kịch bản chuyển đổi số, kịch bản xuất khẩu số, kịch bản tiêu dùng số, kịch bản truyền thống... Mỗi kịch bản đều có khả năng tác động đến tăng trưởng GDP hàng năm của Việt Nam.

Thông qua đó, tiến sĩ cũng đưa ra một số kiến nghị đến Việt Nam là: Xây dựng nền tảng thống nhất kết nối hệ thống đổi mới sáng tạo, tận dụng được sức mạnh các bên, tập trung vào các lĩnh vực chuyên sâu, cung cấp hỗ trợ đổi mới sáng tạo. Việt Nam nên tham gia nhiều diễn đàn trong khu vực, thúc đẩy quỹ đầu tư mạo hiểm; đẩy mạnh quan hệ đối tác về công nghệ và chuyển giao công nghệ, thúc đẩy quan hệ đối tác của chính phủ, khu vực tư nhân

"Chúng tôi tin Việt Nam có cơ hội to lớn trong việc tận dụng công nghệ số để có những đột phá trong thời gian tới nhờ lực lượng lao động trẻ... Vị trí trung tâm của khu vực cũng là lợi thế lớn và nếu có định hướng lớn, Việt Nam có thể đạt được tham vọng của mình", tiến sĩ khẳng định. 

Bốn thách thức phát triển kinh tế xã hội Việt Nam

Tiếp theo chương trình, bà Caitlin Wiesen - Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam phát biểu về phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.

Theo báo cáo "Các chỉ số Phát triển con người Việt Nam" do UNDP thực hiện, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam tăng liên tục trong 27 năm qua. Tính chất bao trùm trong sự tăng trưởng của Việt Nam được thể hiện qua sự phát triển nhanh của nền kinh tế. Những kết quả khả quan đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế số, câu hỏi đặt ra, liệu sự phát triển của Việt Nam có bền vững và người dân có được hưởng lợi từ nền kinh tế hay không. Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn trong sự phát triển kinh tế do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0...
 

Bà Caitlin Wiesen cũng chỉ ra bốn thách thức hiện nay của Việt Nam. Thứ nhất là mô hình tăng trưởng mới, rủi ro trong bẫy thu nhập trung bình thấp. Thách thức chuyển đổi mô hình từ sử dụng tài nguyên thiên nhiên sang mô hình mới khiến Việt Nam gặp nhiều khó khăn. 

Thứ hai là tạo ra việc làm mới. Cuộc cách mạng 4.0 mang lại cơ hội những cũng tạo ra không ít thách thức cho việc tạo ra việc làm. Tự động hóa và trí tuệ nhân tạo được cho ra sẽ cướp đi cơ hội cho nhiều người lao động trong các ngành công nghiệp, điện tử, ngân hàng... Tuy nhiên, nhiều việc làm được tạo ra, đòi hỏi người Việt phải tăng cường đổi mới

Thứ ba là rủi ro về mất bình đẳng. Cách mạng 4.0 có nguy cơ dẫn đến sự gia tăng bất bình đẳng. Lợi nhuận và giá trị từ những kỹ năng mới sẽ cao hơn nhưng lại tạo ra tình trạng bất bình đẳng về thu nhập ngày càng gia tăng...

Thứ tư là rủi ro suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu. Tình trạng ô nhiễm môi trường đang tác động đến triển vọng phát triển bền vững của Việt Nam.

"Việt Nam có tránh được những rủi ro này hay không phụ thuộc nhiều doanh nghiệp tư nhân", bà Caitlin Wiesen bày tỏ.

Trước những thách thức này, đại diện UNDP cho rằng, sự phát triển của Việt Nam phụ thuộc vào việc trang bị các kỹ năng mới cho người Việt để họ nắm bắt cơ hội. Hệ thống an sinh xã hội có thể tăng cường khả năng ứng phó của những người bị tổn thưởng. Nền tảng của phát triển con người là lấy họ làm trung tâm, phát triển vì con người. 

Bên cạnh đó, Việt Nam cần có cách tiếp cận quản trị mới, tạo điều kiện để phát triển con người đồng thời tăng cường khả năng của người dân để nắm bắt nhu cầu mới: xây dựng, đào tạo kỹ năng trong thế kỷ mới.. Việt Nam cần đổi mới hệ thống giáo dục để đổi mới sáng tạo; học theo hướng mở...

"Việt Nam có thể nắm bắt công nghệ để tạo ra bước nhảy vọt trong đổi mới công nghệ, tăng cường đổi mới hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, để tất cả mọi người không bị đẩy lại phía sau",  bà Caitlin Wiesen kỳ vọng.

TS Kym Dongwha: Viện nghiên cứu công nghiệp hùng mạnh sẽ hiện thực hóa công nghệ
Phát biểu tại sự kiện, ông Kym Dongwha - Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc chia sẻ thông điệp: khi xác định được định hướng thì phải đi tới tận cùng và các nước cần có viện nghiên cứu hùng mạnh để hiện thực hoá công nghệ. Ông cũng đưa ví dụ về câu chuyện phát triển của Hàn Quốc. "Chúng tôi đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển công nghệ, những đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực viễn thông. KIST là Viện Khoa học Công nghệ Hàn Quốc, sau đó có thêm ETRI. Khi đó, chúng tôi tập trung vào ba phần: memo call, công nghệ TDX, CDMA", ông chia sẻ.
 

Memo call là công nghệ đầu tiên Hàn Quốc được xây dựng dành cho đường dây nóng tại Nhà Xanh có bảo mật. Tiếp đó là công nghệ TDX, được xây dựng vào những năm 80. Đây là giai đoạn phát triển chậm do tốc độ tăng trưởng của Hàn Quốc bị chững lại. Kế hoạch này kéo dài 5 năm, tập trung vào điện tử và ngành công nghệ thông tin - một trong những trụ cột chính.

Việc xây dựng này xảy ra đồng thời với kế hoạch viễn thông "mỗi gia đình Hàn Quốc chỉ có một điện thoại". Sau đó, Hàn Quốc phát triển công nghệ CDMA - một phần quan trọng, góp phần mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển công nghệ thông tin truyền thông tại Hàn Quốc. CDMA được thương mại hoá từ năm 1991-1996 nhờ sự hợp tác với ETRI và Qualcomm.

"Tại sao cần viện nghiên cứu công nghiệp?". Trả lời câu hỏi này, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc cho biết, viện nghiên cứu công nghiệp sẽ là nhà cung cấp giải pháp công nghệ và sản xuất; là công cụ cho quan hệ đối tác công-tư (PPP); là công cụ đàm phán để nhập khẩu công nghệ và là nguồn đào tạo nhân lực công nghệ cho nước nhà.

Kết thúc bài phát biểu, ông Kym Dongwha khẳng định: "Các viện nghiên cứu công nghiệp trong khối công lập là nền tảng cho chuỗi giá trị trong sản xuất để phát triển nền kinh tế!".

Đổi mới và năng suất là động lực của sự tăng trưởng

Tại hội nghị, ông Ousmane Dione - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Quốc tế tại Việt Nam nhận định, đổi mới sáng tạo và tăng trưởng dựa trên năng suất là yêu cầu cấp thiết, điều này đặc biệt đúng trong bối cảnh của Việt Nam. Ngoài ra, những cải cách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đòi hỏi tiếp cận toàn diện hệ thống đổi mới quốc gia, tập trung vào nâng cao năng lực chính phủ, cơ chế ưu đãi từ bên ngoài và nội bộ doanh nghiệp.
Vị đại diện đưa ra nghịch lý đổi mới, cụ thể là tại các quốc gia tụt hậu về công nghệ và thể chế, doanh nghiệp và năng lực chính phủ yếu hơn, chính sách đổi mới thông thường tỏ ra không hiệu quả. Ông Dione so sánh quá trình này tương tự như quá trình đầu bếp chế biến các món ăn. Các món bánh suffle, pancake đều không thể hoàn thành nếu đầu bếp thiếu kỹ năng và không đủ các loại nguyên liệu chất lượng.

Do đó, "đổi mới sáng tạo cũng như năng suất đóng vai trò rất quan trọng", ông nói và cho rằng sự phát triển của Việt Nam những năm qua rất ấn tượng, tuy nhiên còn thấp so với những "con hổ" trong khu vực. 

Ông Ousmane Dione: "Việt Nam còn nhiều việc phải làm"
Ông Ousmane Dione cho rằng, để tăng năng suất tổng hợp và tăng nguồn vốn nhân lực, Việt Nam cần tập trung xây dựng môi trường thúc đẩy khoa học sáng tạo, cần có sự phối hợp các bộ, cam kết của lãnh đạo cấp cao; cần có cấu trúc quản trị khả thi và bền vững; nâng cao sự tham gia của khu vực tư nhân; tăng cường hệ thống giám sát, đo lường để biết có đạt được thành công hay không.

Đào tạo nhân lực cũng cần được chú trọng do Việt Nam còn thiếu lực lượng lao động lành nghề, tỷ lệ lao động 15 tuổi trở lên có bằng cấp chỉ tăng nhẹ đến năm 2020, chất lượng lực lượng lao động hiện đang tụt hậu so với các nước. 

"45% doanh nghiệp Việt xác định kỹ năng là trở ngại song chỉ có 30% các doanh nghiệp tại nước ngoài có lo ngại tương tự", ông Ousmane Dione cho hay. 

Các công ty khởi nghiệp không thể phát triển nếu không có sự lan tỏa về kiến thức, kĩ năng. Để cải thiện tiếp cận tài chính, cần nhiều loại hình phi tài chính hỗ trợ các công ty, đặc biệt là các startup. 
 

Liên tục nhắc đến công thức làm bánh, ông Ousmane Dione cho rằng, việc phát triển hạ tầng kỹ thuật số cũng tương tự như việc sở hữu các thiết bị hiện đại, nguyên liệu chất lượng để làm ra một chiếc bánh ngon. "Đầu tư hạ tầng kỹ thuật số vững chắc là bắt buộc trong bối cảnh 4.0", ông nhấn mạnh.

Việt Nam đang xếp ngang hàng về tỷ lệ sử dụng mobile và Internet so với nhiều nước. Đây là cơ sở để phát triển hạ tầng kỹ thuật số. Để làm điều đó, Việt Nam có thể tăng cường việc ứng dụng kỹ thuật số của các doanh nghiệp và chính phủ. Bên cạnh đó, chính sách về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo cần đi vào trọng tâm. Hạ tầng kỹ thuật số vững chắc là chìa khóa để thức đẩy công ty khởi nghiệp.

Theo ông, cách tiếp cận toàn diện là cần thiết. Để giải quyết điều này, năng lực của chính phủ hay các công ty tư nhân cần được chú trọng. Việc tăng cường ưu đãi từ bên ngoài cũng là nhân tố quan trọng. Việt Nam cần thiết cơ cấu lại các viện nghiên cứu, giảm số lượng nhưng tăng quy mô, chất lượng. Bên cạnh đó, cần cải cách thủ tục hành chính trong kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Đề xuất giải pháp xây dựng nền kinh tế hàng đầu về đổi mới sáng tạo, ông chỉ ra, trước hết cần tham vấn khu vực tư nhân; hỗ trợ xác định các cơ chế phối hợp và giám sát hiệu quả; nâng cao năng lực thông qua hợp tác (phát triển kỹ năng chuyên sâu, khảo sát ứng dụng công nghệ) và tăng cường giám sát và đánh giá. "Đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ rất quan trọng với Việt Nam", ông nhấn mạnh trước khi kết thúc bài phát biểu.

Bắt đầu phiên thảo luận về thách thức và kiến nghị đối với Việt Nam
Mở đầu phiên thảo luận, bà Alexis Bonnell, Giám đốc Đổi mới sáng tạo USAID khẳng định: "Chúng ta đang cùng nhau đồng hành trên một hành trình, hướng tới thành công và đối mặt thách thức để đổi mới, sáng tạo là điều không tránh khỏi".
 

Vị chuyên gia cũng cho biết, USAID từng đối mặt với nhiều thách thức, rủi ro. Theo bà, rủi ro đưa ra những hậu quả không lường trước và cũng có thể bóp nghẹt các thách thức. Do đó, để có cơ hội phát triển, trước hết, cần giải quyết tốt những rủi ro đó với các cách tiếp cận khác nhau. Bên cạnh đó, trong quá trình giải quyết thách thức, sẽ có những cơ hội mở ra. Điều cần làm ở đây là phải tạo không gian mở để mọi người có thể chia sẻ ý tưởng, đóng góp vào sự phát triển chung.

"Hi vọng, hôm nay chúng ta cũng nhận được những ý tưởng khác nhau từ các tổ chức, ban ngành liên quan. Tôi đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và người dân Việt Nam. Mong rằng các bạn cũng sẽ chia sẻ những ý tưởng và nguồn lực của mình với quốc tế", đại diện USAID nhắn nhủ.

Tiếp lời đại diện USAID, bà Karlee Silver, Giám đốc điều hành Grand Challenges Canada chia sẻ, tổ chức này đã có nhiều hỗ trợ đổi mới cho hơn 90 quốc gia trên thế giới trong nhiều năm qua. Thông qua sự kiện lần này, bà Karlee muốn chia sẻ với Chính phủ 2 kiến nghị.
 

Một là chú ý đến đầu tư vào nguồn lực con người, đặc biệt là trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, trong đó có hệ thống giáo dục - một phần của hệ sinh thái. Theo bà bà Karlee, việc khai thác chất xám của người dân là cần thiết, để có được điều đó, cần xây dựng một hệ thống tập trung vào các điều kiện giúp cho người dân có sức khoẻ, an ninh, giáo dục tốt hơn. "Chúng tôi cũng hỗ trợ các tổ chức ở Việt Nam về đào tạo và phát triển cộng đồng trong 4 năm vừa qua. Mong Bộ Y tế và Giáo dục đẩy mạnh phát triển hơn nữa", bà bày tỏ.

Hai là lưu ý đến phát triển toàn diện, tránh những sai lầm của các quốc gia trước và cần có hệ sinh thái đảm bảo các bên liên quan đều hưởng sự công bằng. 

Bà Deepali Khanna: 'Làm công nghệ sáng tạo không nên lo sợ thất bại'
Theo bà Deepali Khanna, Giám đốc quản lý khu vực châu Á, Quỹ Rockefeller, "Sau 4 năm quay trở lại Hà Nội, tôi đã được chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ của Việt Nam".

Ba vấn đề chính được bà đưa ra là làm thế nào để hợp tác, sử dụng dữ liệu lớn thúc đẩy khoa học công nghệ và làm thế nào tận dụng tốt hơn vai trò của chúng.
 

Hiện tại, Quỹ Rockefeller đang sử dụng công nghệ dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo nhằm tìm ra những đối tượng có nhu cầu về năng lượng, hạ tầng và cung cấp dịch vụ y tế công cho họ. Đối với quá trình này, hệ thống dữ liệu rất quan trọng. 

Theo bà Deepali, Việt Nam có cần tạo ra hệ sinh thái đổi mới sáng tạo thực sự hiệu quả, cần có môi trường tạo sự đổi mới trên quy mô cả nước. "Tôi nhận thấy người Ấn Độ quê hương tôi và Việt Nam đều lo sợ sự thất bại. Nhưng với đổi mới sáng tạo cần vượt qua nỗi sợ hãi đó, cần tự tin hơn, thất bại là chấp nhận được và giúp chúng ta sẽ đưa ra những quyết định sáng suốt hơn", bà nói

Theo đó, Việt Nam cần tạo ra những trung tâm xuất sắc, tạo ra cơ chế một cửa giúp mọi người có thể tiếp cận các tri thức đó. Những trung tâm có thể giúp các nhà sáng tạo có được sự hỗ trợ từ chính phủ, các Bộ ngành cần có hệ sinh thái kết nối chặt chẽ hơn nữa. "Tôi tin Việt Nam có thể xây dựng được mô hình này và chúng tôi mong muốn được là một phần của hành trình đó", đại diện Quỹ Rockefeller nói. 

Thụy Điển dành 3,5% GDP cho đổi mới sáng tạo
Nhắc tới chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến Thụy Điển trong tuần tới, ông Alan Atkisson - Phó Tổng giám đốc SIDA kỳ vọng Thủ tướng có thể quan sát các thành tựu đổi mới sáng tạo của đất nước này.
 

Theo ông Alan Atkisson, trong hơn một thập kỷ qua, Thụy Điển dành 3,5% GDP để phát triển đổi mới sáng tạo trong một thập kỷ. Dành nguồn lực để phát triển quốc tế sẽ thúc đẩy phát triển hợp tác quốc tế, tăng cường đổi mới sáng tạo. Ông mong muốn điều này sẽ được phản ánh qua việc hợp tác 3 bên để tạo ra mục tiêu chung thống nhất.

Đầu tiên, Thụy Điển đảm bảo nhân lực được huy động đầy đủ thông qua Internet và radio. "Nếu không huy động phụ nữ thì bỏ qua 50% lực lượng lao động", ông Alan Atkisson nói và cho rằng cần huy động nhóm người trẻ tham gia các cuộc thi về đổi mới sáng tạo. "Chúng ta cần phân biệt hệ thống và con người trong hệ thống đó. Nếu không có ngưồn nhân lực tốt, được đào tạo bài bản thì hệ thống đó cũng không hiệu quả..

Hiện Thụy Điển tập trung vào 17 mục tiêu lâu dài và các mục tiêu phát triển cũng lồng ghép trong các hoạt động của mình. Trước khi kết thúc bài phát biểu, ông gửi lời cảm ơn bởi học hỏi được những kinh nghiệm của Việt Nam và chào đón chuyến thăm của Thủ tướng tới Thụy Điển sắp tới.

Ông Joshua Tabah: Phụ nữ và trẻ em gái cần tham gia vào quá trình đổi mới

Theo ông Joshua Tabah, Tổng giám đốc Cơ quan Hợp tác Phát triển Canada, Canada là một trong những nền kinh tế dẫn đầu về dữ liệu. "Chúng tôi được đầu tư về giáo dục, khoa học, trong đó, đặc biệt là sự đầu tư dành cho trẻ em gái và phụ nữ để từ đó thấy được tầm quan trọng trong việc phát triển tiềm năng của mọi người. Đó cũng là một mục tiêu trong quá trình bình đẳng giới của Canada. Việt Nam đang chuẩn bị đổi mới, cũng cần để phụ nữ và trẻ em gái được tham gia vào quá trình này", ông nhấn mạnh.
 

Trong quá trình đổi mới, Canada cũng gặp những khó khăn những họ đã có những giải pháp riêng, trong đó có việc nhận hỗ trợ vốn từ Chính phủ. Cụ thể, Chính phủ Canada cam kết đổi mới sáng tạo bằng cách xây dựng các chính sách dựa trên sự tham vấn với các tổ chức cộng đồng, nhà nghiên cứu... Việc chia sẻ dữ liệu mở có vai trò quan trọng trong cả khu vực công và tư. Theo ông Joshua Tabah, Việt Nam có thể cân nhắc điều này.

Việt Nam khó thu hút nguồn vốn đúng thời điểm
Tiếp nối phiên thảo luận, bà Alix Zwane, CEO Quỹ Đổi mới sáng tạo toàn cầu giới thiệu về các giải pháp hỗ trợ của tổ chức này. Quỹ Đổi mới sáng tạo toàn cầu của là quỹ dành cho các nền kinh tế mới nhằm hỗ trợ các sáng kiến giúp các doanh nghiệp nhận được hỗ trợ tài chính từ Mỹ, Anh, Thụy Điển, Australia.
 

"Việt Nam khó thu hút nguồn vốn đúng thời điểm, chúng tôi có một số giải pháp đáp ứng nhu cầu này thông qua chuyển đổi công nghệ cho toàn bộ hệ thống, đảm bảo phát triển bền vững", bà cho biết.

Đơn vị hiện đang đẩy mạnh đầu tư vào y tế, dược phẩm nhằm kết nối các bác sĩ, dược sĩ, bệnh nhân tăng cường năng lực của ngành..."80.000 cơ sở dược phẩm và hàng nghìn khách hàng được kết nối tạo ra nền tảng cho phép các đơn vị dễ dàng tiếp cận và cải thiện dịch vụ. Mô hình này có thể hỗ trợ chính phủ Việt Nam, tạo ra những cơ hội cho doanh nghiệp của Việt Nam", bà cho biết. 

Bài học đổi mới sáng tạo của Vương quốc Anh

Chia sẻ về bài học đổi mới sáng tạo của Vương quốc Anh, ông Ben Kumpf - Giám đốc Đổi mới sáng tạo, Bộ Phát triển quốc tế, UK AID cho biết, đơn vị đã hợp tác với nhiều bên để phát triển hệ sinh thái vững mạnh cho đổi mới sáng tạo.
 

Ông đề xuất, trước hết, cần thúc đẩy sự thay đổi và có tầm nhìn dài hạn. Nhà đổi mới luôn có ý tưởng sáng tạo nên họ cần có khả năng tiếp cận nguồn lực để biến tầm nhìn thành hiện thực. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có thông lệ tốt nhất phù hợp với từng địa phương. Nước Anh cũng đưa ra các dự án thí điểm tại các địa phương và đánh giá hiệu quả của việc đổi mới. Nếu kết quả tốt, các cơ quan sẵn sàng mở rộng còn nếu không phù hợp thì thay đổi.

Thứ hai, cần nâng cao năng lực người dân. Trong bối cảnh mọi thứ diễn ra nhanh chóng, người dân có thể tiếp cận tri thức nhanh chóng và nhiều đổi mới sáng tạo do người dân sáng lập. Năng lực sử dụng có vai trò quan trọng, tiền đề để phát triển năng lực của người dân. Hiện tại, Anh cũng tạo ra mã nguồn mở cho người dân để họ có thể tiếp cận thông tin và đưa ra những ý kiến mới.

Thứ ba, các quốc gia cần phát triển quy định để đổi mới sáng tạo. Nhiều công ty fintech của Anh đưa ra mô hình mới nhưng lại không nằm trong quy định hiện tại. 

"Nếu không có quy định phù hợp với những ý tưởng mới, chúng ta không thể tăng cường đổi mới sáng tạo. Điều này đòi hỏi cần có sự tham gia của Chính phủ và khu vực tư nhân", ông Ben Kumpf đề xuất.

Nền kinh tế số của Việt Nam đã tăng găp 3 lần so với những năm vừa qua

Ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Campuchia, Myanmar và Lào đánh giá cao sự phát triển của Việt Nam trong ngành mobile, mạng băng rộng mobile đã phủ sóng nhiều khu vực. Nền kinh tế số hiện nay củaViệt Nam đã tăng găp 3 lần so với những năm vừa qua. Những truyền thông thông qua di động, kỳ vọng mạng 5G sẽ làm tăng trưởng vượt bậc nhiều lĩnh vực khác.

Theo ông, việc phát triển hệ thống 5G tại Việt Nam cùng các nước khác và hợp tác cùng các bộ là nền tảng để thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ông cũng nhấn mạnh cần đổi mới sáng tạo nhất là với các nghề nghiệp, với khởi nghiệp. Chủ tịch Ericsson cũng cho biết, Ericsson vừa ký thoả thuận tạo trung tâm sáng tạo ở Hoà Lạc.

"Về giáo dục, cách mạng 4.0 khác với các cuộc cách mạng trước đây, chúng ta có ít thời gian nhảy vọt, chúng ta cần nâng cao năng lực thông qua khoa học công nghệ. Chúc mừng Thủ tướng Việt Nam, Chính phủ Việt Nam có những cam kết đưa dữ liệu trở thành một trong những động lực phát triển kinh tế xã hội", ông nói.
 

Việt Nam làm chủ được chính phủ số
Là chủ doanh nghiệp tư nhân nhiều năm hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Nguyễn Thế Trung, CEO Công ty Công nghệ DTT nhắc lại câu chuyện cũ cách đây 15 năm khi đó Thủ tướng Chính phủ là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã chỉ đạo "Cải cách hành chính là điều kiện để phát triển đất nước". Qua nhiều năm phát triển Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng kể, ông Trung đề nghị trên cương vị mới Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đo lường hai chỉ số là "tạo công ăn việc làm nhờ sáng tạo ra công nghệ mới áp dụng vào sản xuất" và "việc áp dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào các bộ, ngành và địa phương" như là những chỉ số đánh giá sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Sau 15 năm với những thăng trầm, Việt Nam đã làm chủ được công nghệ chính phủ điện tử, chính phủ số. Quá trình đó tạo ra nhiều việc làm cho doanh nghiệp. Trong thời gian tới, việc đổi mới sáng tạo sẽ giải quyết bài toán của Việt Nam. Trong khi đó, thế giới nhất trí sáng tạo mở là giải pháp để tất cả các bên có thể tham gia.
 

Theo ông, để làm điều đó, chính phủ cần chú trọng 2 chỉ số quan trọng. Đầu tiên là tạo ra công ăn việc làm nhờ tạo ra công nghệ mới, tránh mất nhân tài. Điều này phải đi qua các doanh nghiệp tư nhân bởi đây là bộ phận tạo ra phần lớn việc làm cho thị trường. Thứ hai là các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ trong tất cả các ngành. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các ý kiến, phát biểu tại sự kiện

Trước khi bắt đầu bài phát biểu, Thủ tướng đặt câu hỏi: "Trên hành tinh này có thứ tài nguyên nào khi càng khai thác sẽ càng nảy nở?". Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng cho biết đó chính là chất xám, là sự sáng tạo, đồng thời dẫn khẩu hiệu của một tập đoàn kinh tế Hàn Quốc "Tài nguyên là luôn có hạn, còn sự sáng tạo của con người là vô hạn".

Thủ tướng cũng đánh giá cao Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Liên minh Đổi mới Phát triển Quốc tế lần đầu tiên tổ chức Hội nghị tại Việt Nam về chủ đề "Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Một trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam".

"Hội nghị là sự kiện quan trọng để Chính phủ tham vấn ý kiến từ các tổ chức tư vấn quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học, phục vụ xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, với mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Đây cũng là cơ hội để các bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp trao đổi, học tập kinh nghiệm quốc tế trong việc sử dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo như một đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
 

Thủ tướng Chính phủ cũng đánh giá cao kết quả hợp tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia và Ngân hàng Thế giới đã nghiên cứu công phu, xây dựng các báo cáo chất lượng về tương lai kinh tế số của Việt Nam và đặc biệt là báo cáo Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo đến năm 2035, đã đưa đánh giá và những khuyến nghị, giải pháp, chính sách cụ thể rất hữu ích cho Việt Nam trong tiến trình hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới và xa hơn nữa.

Công nghệ là yếu tố nội sinh quan trọng của tăng trưởng

Tiếp nối bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, tài nguyên tự nhiên có giới hạn và nhân loại đang đứng trước sự khan hiếm tài nguyên nghiêm trọng. Nếu trông chờ vào thứ tài nguyên hữu hạn đó thì tăng trưởng sẽ sớm cạn kiệt, tăng trưởng sẽ đạt trạng thái dừng. Mô hình tăng trưởng nội sinh (được trao giải Nobel Kinh tế năm 2018) cho thấy, công nghệ là yếu tố nội sinh quan trọng của tăng trưởng; là yếu tố quyết định cho tăng trưởng trong dài hạn, là chìa khóa để đột phá vượt qua trạng thái dừng, thoát bẫy thu nhập trung bình.

"Nhân loại ngày càng khan hiếm tài nguyên tự nhiên để khai thác và Việt Nam cũng vậy, nhưng chúng ta lại có thứ tài nguyên vô tận, đó là chất xám, là sự sáng tạo của con người. Nếu tài nguyên tự nhiên càng khai thác càng cạn kiệt thì tài nguyên sáng tạo của con người càng khai thác sẽ càng sinh sôi nảy nở", Thủ tướng khẳng định. Trong các doanh nghiệp và tổ chức, sự sáng tạo của con người là vốn quý giá nhất.

Theo Thủ tướng, sáng tạo phải từ con người và vì con người. Con người phải là trung tâm của sáng tạo. Người Việt Nam có đầy đủ tố chất bẩm sinh cho sự sáng tạo, nếu có đủ những dưỡng chất tốt sẽ tạo ra những con người xuất sắc cho đất nước và tâm huyết đóng góp vì sự phồn thịnh của đất nước. Theo Báo cáo Chỉ số Hiệu quả Đổi mới sáng tạo, Việt Nam đã thành công trong việc tiếp cận với kiến thức khoa học công nghệ của thế giới và hòa nhập vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo điều kiện cho việc trao đổi tri thức hiệu quả. Một số tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam đã rất quan tâm đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo đã đạt được kết quả tương xứng.

Thủ tướng đặt hàng năm vấn đề cho Bộ Khoa học và Công nghệ
Thủ tướng yêu cầu Bộ Khoa học - Công nghệ trở thành đầu mối phối hợp các bộ, ngành, tổ chức liên quan tham mưu cho Chính phủ 5 vấn đề lớn gồm:

Một là, đề xuất chính sách khuyến khích và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp. Đồng thời cần coi doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo, phát triển mạnh hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp.

Thủ tướng cho rằng, nhận thức này còn nhiều vấn đề bất cập, chính sách cũng chưa làm tốt để phát huy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.

Hai là, phát huy vai trò của các trường đại học, viện nghiên cứu trong việc tăng cường nền tảng vốn con người cho đổi mới sáng tạo. Cần nhất là gắn liền các hoạt động nghiên cứu ứng dụng với nhu cầu doanh nghiệp, nhu cầu của nền kinh tế.

Ba là, thúc đẩy liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước. Ở nước ngoài các trung tâm kết nối trí tuệ đóng vai trò lõi ở các thành phố thông minh và bền vững. Vậy ở Việt Nam phải làm như thế nào? Thủ tướng đặt câu hỏi, các trung tâm đổi mới sáng tạo của các bộ sắp ra đời cần suy nghĩ về việc này như thế nào?

Bốn là, xây dựng năng lực quản trị nhà nước đối với hệ thống đổi mới sáng tạo và hoàn thiện thể chế cho các hoạt động đổi mới sáng tạo. Trong hội nghị hôm nay, các nước đã nêu ra nhiều kinh nghiệm mà Việt Nam có thể học được.

Năm là, tập trung phát triển sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao để hình thành các ngành nghề mới và các sản phẩm mới, giá trị gia tăng cao, nhất là lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh như nông nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ thông tin, dịch vụ...
 

Thủ tướng cho rằng, cần xây dựng khuôn khổ cho việc đo lường và đánh giá hiệu quả của nền kinh tế số, các trường đại học, viện nghiên cứu, các cơ sở có hoạt động khoa học công nghệ.

Thủ tướng đề nghị ngành thống kê cần nghiên cứu phương thức đo lường và thống kê hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ và hoạt động đổi mới sáng tạo theo các chuẩn mực quốc tế. Đồng thời, nghiên cứu thành lập ngân hàng dữ liệu quốc gia về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, Việt Nam cần xây dựng chính sách nhằm thu hút nhân tài. Việc áp dụng mô hình đối tác công - tư (PPP) sẽ khuyến khích doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào các hoạt động đổi mới sáng tạo.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ sớm hoàn thiện "Chỉ thị thúc đẩy, hấp thụ phát triển khoa học công nghệ và hoạt động đổi mới sáng tạo, bao gồm quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp" và đệ trình các chính sách cụ thể.

"Bộ Khoa học và Công nghệ cần phát huy vai trò điều phối, nâng cao hiệu quả công tác giữa các bộ, ngành và giữa các cấp trong phát triển và ứng dụng kết quả khoa học và công nghệ vào phát triển kinh tế - xã hội", Thủ tướng nói.

Thủ tướng mong các bộ, ban, ngành tổ chức, doanh nghiệp sẽ bắt tay hành động cụ thể, thúc đẩy sáng kiến cải tiến, đổi mới sáng tạo, đồng thời, đầu tư và sử dụng hiệu quả khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ giới thiệu báo cáo tương lai kinh tế số

Phát biểu đáp từ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết sẽ tiếp thu những ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, đại diện các tổ chức quốc tế và sẽ khẩn trương triển khai 5 nhóm nhiệm vụ chính nhằm tăng cường vai trò điều phối, phối hợp với các địa phương thúc đẩy các biện pháp này. "Các giải pháp đúng hướng, khả thi cần được nhanh chóng ban hành", Bộ trưởng nói. Ông cũng nhấn mạnh các giải pháp thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cần tập trung giải quyết hai yếu tố chính là con người và công nghệ.

Báo cáo "Tương lai nền kinh tế số Việt Nam hướng đến năm 2030, 2045 cũng được Bộ trưởng giới thiệu. "Đây là luận cứ quan trọng để phát triển, là chiến lược khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo của đất nước trong 10 năm tới", ông Chu Ngọc Anh khẳng định. 

 

Nguồn: VnExpress - Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 3837

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)