Thứ năm, 10/12/2020 11:19 GMT+7

Dấu ấn nổi bật của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2020

Techfest 2020 được cộng đồng khởi nghiệp đánh giá cao, đặc biệt là Diễn đàn đối thoại của Thủ tướng Chính phủ với thanh niên và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; Diễn đàn cấp cao “Kết nối nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” chuỗi các hoạt động của 12 làng công nghệ, Ban kết nối đầu tư; Ban tổ chức cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia 2020, cùng các đối tác trong và ngoài nước trong nhiều tháng trước sự kiện.

Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest Việt Nam 2020) diễn ra xuyên suốt với hơn 40 hội nghị/hội thảo trao đổi trên nhiều lĩnh vực khác nhau thu hút 6.500 lượt người tham gia trực tiếp và 40.000 lượt xem trực tuyến. Trong số đó, điểm nhấn của Techfest Việt Nam 2020 phải kể đến Diễn đàn “Kết nối nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST”. Nếu doanh nghiệp “truyền thống” là trụ cột của nền kinh tế thì startup đóng vai trò là “chất xúc tác”, là “nguồn sáng” để đưa Việt Nam vươn mình, trở thành một trong những quốc gia hàng đầu thế giới. Với tính chất rủi ro, mạo hiểm, tiềm năng tạo đột phá cao, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần sự chung tay hỗ trợ của toàn bộ cộng đồng. Nhận thức được vấn đề này, Diễn đàn được tổ chức trong khuôn khổ Techfest Việt Nam 2020 để nhằm tập trung các nguồn lực, chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp đối thoại, thảo luận, từ đó nâng cao hiệu quả kết nối, tập trung nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo (ĐMST).

Tại Diễn đàn, đại diện Lãnh đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các tổ chức quốc tế đã thảo luận về vai trò của con người trong hệ sinh thái khởi nghiệp, từ những cá nhân đang được giao nhiệm vụ xây dựng chính sách cho hệ sinh thái, những người hỗ trợ khởi nghiệp với lòng nhiệt huyết và sự cống hiến cho thế hệ tương lai đến những tài năng người Việt trong nước và khắp nơi trên thế giới. Một hệ sinh thái không thể chỉ phát triển trên bề mặt qua các hoạt động khởi nghiệp mà rất cần sự đầu tư đúng mức, dài hạn vào giáo dục sáng tạo, tạo điều kiện tham gia hệ sinh thái từ sớm cho các thế hệ tài năng trẻ từ khi còn trong trường phổ thông, trung học, cao đẳng và đại học. Từ đó hình thành các tầng lớp doanh nhân kế cận, nguồn lao động chất lượng cao cho startup cũng như các chủ thể trong hệ sinh thái. “Một hệ sinh thái bền vững cần xây dựng bản đồ hành trình của nhân lực đổi mới sáng tạo từ khi vừa bắt đầu đi học đến khi đã thành công và có thể quay trở về cống hiến, tạo thành một chuỗi giá trị hỗ trợ ĐMST khép kín,” bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch mạng lưới đầu tư thiên thần Việt Nam chia sẻ.
 

 

Mô hình hợp tác giữa Nhà trường - Doanh nghiệp - Nhà nước cũng là một vấn đề được đưa ra thảo luận tại Diễn đàn. Theo ông Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, các trường đại học cần tận dụng mạng lưới cựu sinh viên là những doanh nhân thành đạt để chia sẻ, truyền cảm hứng cho sinh viên để khởi nghiệp. Các cơ quan Nhà nước cần đẩy mạnh hợp tác với các trường đại học để tận dụng hiệu quả mạng lưới giảng viên, nhà nghiên cứu tham gia xây dựng cơ sở lý luận phát triển hệ sinh thái dựa trên đặc điểm riêng của Việt Nam, từ đó tham mưu, xây dựng chính sách hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST phù hợp với từng vùng, từng giai đoạn phát triển. Bên cạnh ba chủ thể này, hệ sinh thái cũng cần có sự tham gia của các quỹ đầu tư mạo hiểm, các tập đoàn lớn để cung cấp nguồn lực tài chính cũng như hỗ trợ các startup phát triển thị trường. “Chúng tôi mong muốn được làm việc, hợp tác chẽ với các trường đại học Việt Nam để chuyển giao những giáo trình và thí điểm một số chương trình đào tạo hạt nhân trong các lĩnh vực như 5G, trí tuệ nhân tạo mà chúng tôi nghĩ là Việt Nam sẽ có nhu cầu rất lớn hiện nay và trong tương lai,” ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào và Campuchia chia sẻ.
 


Đặc biệt, Techfest 2020 mở đầu sự kiện bằng hoạt động trao đổi và khai phá lần đầu tiên tại Việt Nam về lĩnh vực truyền thông – giải trí, hiện là lĩnh vực rất tiềm năng tại Việt Nam cũng như trên thế giới, đã và đang có những bước tiến đáng kể với sự bùng nổ của nền tảng kỹ thuật số và mạng xã hội thông qua Diễn đàn “Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực Giải trí - Truyền thông” được tổ chức bởi Văn phòng Đề án 844, quy tụ đại diện những doanh nghiệp "kì lân", doanh nghiệp triệu đô trong và ngoài nước như TikTok, Yeah1, Netflix, POPS Worldwide, Amanotes, Vietcetera...ĐỊnh giá thị trường truyền thông trực tuyến của Việt Nam tính đến năm 2019 là 2,8 tỉ USD, đứng thứ ba khu vực Đông Nam Á. 
 


Diễn đàn được tổ chức đã quảng bá hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam trong lĩnh vực Giải trí và Truyền thông đến các nhà đầu tư, chuyên gia quốc tế; chia sẻ cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư về mô hình kinh doanh, thuận lợi và rủi ro trong quá trình chuyển đổi số, cơ hội và thách thức của các doanh nghiệp truyền thông - báo chí, phát huy tính sáng tạo, đa dạng hoá về mặt nội dung trong nền tảng số. Bà Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Kinh doanh POPS Worldwide cho biết: "Công nghệ có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình xây dựng và đổi mới nội dung giải trí. Chúng tôi phải luôn theo sát các xu hướng thịnh hành trên nền tảng kĩ thuật số”. Để phát huy tối đa lợi ích mà chuyển đổi số đem lại, cần có sự chuyển đổi về tư duy, xác định mục tiêu của doanh nghiệp và chú trọng yếu tố con người, đặt người dùng làm trung tâm để chuyển đổi số thành công. Bên cạnh đó là chia sẻ về chính sách an toàn, bảo mật, tiếp cận với thị trường mới đến từ TikTok và Netflix - 2 nền tảng giải trí trực tuyến hàng đầu thế giới với cam kết ưu tiên an toàn, bảo mật và chính sách "nội địa hoá" để tiếp cận sâu rộng với các đối tượng người dùng trên thế giới. “Chúng tôi vẫn đang tích cực làm việc với chính phủ Việt Nam để hoàn thiện các quy định có liên quan và hy vọng đem đến cho người dùng tại Việt Nam những trải nghiệm dịch vụ tốt nhất”, khẳng định từ đại diện Netflix - bà Amy Kunrojpanya. Diễn đàn thu hút tổng cộng 320 lượt tham gia và kết nối, trong đó bao gồm đại diện của hơn 150 startup, doanh nghiệp lớn, các nhà đầu tư trong nước, quốc tế cùng đông đảo nhà báo, phóng viên và đại diện từ các cơ quan thông tấn báo chí, đơn vị truyền thông trên cả nước, thu hút 3400 lượt xem trên nền tảng trực tuyến.

Ngay trong Techfest 2020, Hội thảo Kết nối Việt Nam và Silicon Valley được tổ chức thể hiện nỗ lực kết nối của Bộ KH&CN đã tiên phong thực hiện từ năm 2013 để tìm hiểu và kết nối Việt Nam với Silicon Valley. Thành quả kết nối đã được chứng minh ấn tượng trong cuộc Hội thảo với hơn 10 diễn giả đến từ Silicon Valley đã tham gia chia sẻ trực tuyến và 13 chuyên gia vừa trở về Việt Nam từ Silicon Valley, trong đó có đại diện từ 4 quỹ đầu tư: 500 Startups Việt Nam của Bình Trần đã hoàn thành hơn 50 khoản đầu tư, trên nhiều lĩnh vực như fintech, thương mại điện tử, AI và logistics; Genesia Ventures, một quỹ đầu tư mạo hiểm tập trung vào các công ty khởi nghiệp hạt giống/giai đoạn đầu ở Nhật Bản và Đông Nam Á của Yuto Kono và FEBE Ventures - For Entrepreneurs, By Entrepreneurs là Quỹ công nghệ giai đoạn đầu trị giá 25 triệu đô la được đăng ký tại Singapore với trọng tâm là Việt Nam và Đông Nam Á, chủ tịch là Olivier Raussin, Người đồng sáng lập & Đối tác quản lý của FEBE. Justin Nguyễn là Đối tác của Monk’s Hill Ventures, một công ty đầu tư mạo hiểm công nghệ giai đoạn đầu hàng đầu ở Đông Nam Á, nhà đầu tư thiên thần Nhân Nguyễn, người đầu tư đầu tiên vào Beeketing, Giupviec.com… Các doanh nhân startup trở về với các công ty như Genetica của Duyên Bùi, GotIt của Hùng Trần gọi vốn được 27 triệu đôla, Earable của Tâm Vũ, Co-Host của Kim Phạm, Name Space của Minh Đoàn gọi vốn được 18 triệu đôla; Christy Lê Diệp Kiều Trang là Giám đốc tài chính kiêm Chủ tịch Hoạt động Việt Nam của Arevo một công ty sản xuất công nghệ phụ gia tổng hợp tiên tiến đã gọi vốn 24 triệu đô la trong mùa dịch covid 19 vừa qua. Hảo Trần hiện là CEO của Vietcetera một nền tảng xuất bản trực tuyến, những công ty khởi nghiệp này đã gọi được hàng chục triệu đô la vốn đầu tư từ Silicon Valley và tạo ra hơn 300 việc làm tại Việt Nam. Tất cả họ đều là những người đã được tiếp xúc với lãnh đạo của Bộ từ những ngày đầu khi đoàn sang tìm hiểu khảo sát tại Silicon Valley năm 2014 đến 2019 và một điều thú vị là 5 năm sau nhiều người trong số họ đã trở về Việt Nam, khởi nghiệp trên chính quê hương mình, tạo ra nhiều công ăn việc làm và cảm hứng cho giới trẻ trong nước cùng khởi nghiệp với văn hóa của Silicon Valley.
 


Tại Hội thảo, các diễn giả đang sinh sống và làm việc tại các hãng công nghệ lớn ở Silicon Valley như đã chia sẻ những tác động của đại dịch Covid-19 đến cuộc sống và công việc tại các hãng công nghệ lớn. Thuật ngữ "Social Distancing" - "Giãn cách xã hội" cũng được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Tới giờ, các hoạt động offline đã được đẩy hết online. Các công ty ở Mỹ đã thích ứng rất nhanh, thay đổi cách làm việc để vẫn đảm bảo "giãn cách xã hội" mà không bị giảm năng suất lao động. Các công ty khổng lồ với hàng chục ngàn nhân viên trên toàn thế giới với 1 bộ máy quản lý khổng lồ mà chỉ sau 2 tháng đã thay đổi để thích nghi với môi trường làm việc mới. Nhóm các diễn giả gồm: Võ Thanh Minh Tuệ của Sisco, Dio Phùng quản lý cấp cao về AI của Docusign, TS. Minh Đỗ của NASA, TS. Công Trịnh có 15 bằng sáng chế tại Hoa Kỳ là quản lý cấp cao của Applied Material, Tâm Lê hiện đang phụ trách nhóm Dữ liệu & Phân tích tại Healthline Media, cơ sở Y tế số 1 tại Hoa Kỳ với hơn 250 triệu lượt khách truy cập mỗi tháng, Giang Nguyễn kỹ sư tại Facebook, Jeremy Lê hiện là product manager tại Uber, TS. Hiến Tô là kỹ sư phần mềm tại Amazon, Hạnh Phạm và Hạnh Nguyễn là đồng sáng lập Skin AI, một công ty dùng khoa học dữ liệu và AI nhằm tối ưu hóa và cá nhân hóa việc chăm sóc da. Hạnh Phạm cũng là trưởng bộ phận khoa học dữ liệu mua sắm tại Pinterest.

Những thông tin nóng hổi từ Silicon Valley và những chia sẻ trực tiếp từ các diễn giả đã hâm nóng bầu không khí hội thảo, hơn 250 khán giả tại chỗ và hơn 1200 lượt view ngay trong khi hội thảo đang diễn ra. Chủ trì cuộc hội thảo bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, một người đã có 7 năm làm việc tại Văn phòng đại diện KH&CN tại San Francisco chia sẻ rằng các kỹ sư và doanh nhân Việt ở Silicon Valley - Mỹ là một cây cầu khổng lồ bắc qua Thái Bình Dương nối liền Việt Nam với Hoa Kỳ, qua đó chúng ta được khám phá nền văn minh Hoa Kỳ. Họ là một phương tiện kỳ diệu để vận chuyển các ý tưởng sáng tạo từ Silicon Valley đến với Việt Nam. Có thể nói những kỹ sư và doanh nhân này là môi trường tự nhiên nhất và là công cụ hiệu quả nhất để đưa chúng ta đến với văn hóa khởi nghiệp của Silicon Valley hay nói đúng hơn là Văn hóa đổi mới sáng tạo tại Silicon Valley có tác động tuyệt vời đến Hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Cũng trong khuôn khổ Techfest Vietnam 2020, Làng Công nghệ Tiên phong là một trong số 12 làng công nghệ có nhiều hoạt động mới và dẫn đầu trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ngay tại Diễn đàn Vietnam Frontier Tech Summit 2020: Nơi hội tụ những con người kiến tạo tương lai, Làng Công nghệ Tiên phong đã tổ chức chuỗi tọa đàm và kết nối chất lượng tập trung vào các công nghệ của tương lai như IoT, Blockchain, AI/Automation, Thực tại ảo (AR/VR/MR/XR), Biotech/human augmentation, 5G, Hàng không vũ trụ, Tính toán lượng tử… Các sự kiện quy tụ được hơn 100 nhà lãnh đạo cấp cao, nhà phát triển, nghiên cứu, doanh nhân và nhà đầu tư ở Việt Nam, Mỹ, Anh, Singapore, Áo, Úc. Với chia sẻ từ Bà Đoàn Kiều My, Trưởng làng Công nghệ Tiên phong thì “cách tốt nhất để dự đoán tương lai là kiến tạo ra nó”. Trong vài năm qua, Việt Nam đã có những bước đi đáng ghi nhận trong việc phát triển các công nghệ chuyên sâu để giải quyết những vấn đề cốt lõi và góp phần làm thay đổi cuộc sống.  Bên cạnh việc giới thiệu những đột phá công nghệ mới nhất của thế giới, ngay tại Diễn đàn Làng Công nghệ tiên phong đã chia sẻ bản đồ hiện trạng công nghệ tiên phong ở Việt Nam, cũng như mức độ đáp ứng của các startup Việt đối với các xu hướng toàn cầu. Nhiều diễn giả quốc tế đến từ B Capital Group, SGInnovate, QuestVentures… đánh giá cao tiềm năng công nghệ của Việt Nam và bày tỏ mối quan tâm đầu tư trong thời gian tới. Hiện nay, một số sản phẩm Việt đã có tên trên bản đồ thế giới, chẳng hạn như hệ thống tự động hóa quy trình nghiệp vụ akaBot của tập đoàn FPT được Gartner đánh giá là một trong 6 nền tảng robot ảo nổi bật của thế giới và hiện đang có hơn 35 khách hàng lớn tại nhiều châu lục.
 


Đồng thời, diễn đàn cũng thảo luận về những chiến lược phát triển công nghệ trong tương lai, thách thức và cơ hội mà các startup phải đối mặt trong việc số hóa, phát triển công nghệ đón đầu những thay đổi hành vi của con người và thay đổi nhận thức khách hàng. Chia sẻ quan điểm của mình, bà Yuan Yi, đồng sáng lập Hiverlab về công nghệ thực tại ảo tại Singapore, bày tỏ: “Giờ đây các doanh nghiệp không còn là cuộc đua Zero-sum game nữa mà cần phải hợp tác với nhau, từ chỗ đặt câu hỏi ‘nhóm của mình có thể làm được gì’, sang ‘nhóm của mình có thể góp phần thực hiện điều gì trong hệ sinh thái’ bởi mọi thứ đều kết nối trong một tổng thể và công nghệ góp phần củng cố điều đó”. Tại hội thảo, ông David Lang, cố vấn chiến lược công ty AT&T Fortune 100 cũng nhấn mạnh, “Thế giới đã phẳng, ứng dụng nào ở Việt Nam cũng nên suy nghĩ đến việc đưa ra toàn cầu. Nơi nào có khó khăn thì có cơ hội và các startup Việt Nam hãy tìm các ngành đang gặp thách thức để đưa ra giải pháp công nghệ”.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN; Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN

Lượt xem: 4982

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)