Thứ hai, 06/12/2021 11:51 GMT+7

Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế

Sáng 05/12, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình KH&CN cấp quốc gia “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế” giai đoạn 2016-2020 (gọi tắt là Chương trình Tây Nguyên 2016-2020).


Toàn cảnh Hội nghị

 

Nghiên cứu khoa học góp phần phát triển kinh tế xã hội Tây Nguyên

Chương trình Tây Nguyên 2016-2020 là một chương trình khoa học tổng hợp liên ngành khoa học tự nhiên và công nghệ, phòng tránh thiên tai, khoa học xã hội và an ninh quốc phòng. Đây là chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia lần thứ 4 về Tây Nguyên, được Chính phủ giao Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam chủ trì.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên 2016-2020 cho biết, Chương trình tiếp nối Chương trình Tây Nguyên 3 giai đoạn 2011-2015, minh chứng cho chủ trương nhất quán của Đảng và Chính phủ là xây dựng Tây Nguyên thành địa bàn vững chắc về an ninh quốc phòng và vùng trọng điểm về kinh tế của cả nước, trong đó chú trọng đưa KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên.



Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam Châu Văn Minh phát biểu tại Hội nghị

 

Qua 5 năm thực hiện với phương châm bám sát mục tiêu, bám sát thực tiễn Tây Nguyên, Chương trình Tây Nguyên 2016-2020 đã triển khai 32 nhiệm vụ KH&CN thuộc 3 lĩnh vực: Khoa học công nghệ; Khoa học tự nhiên và phòng tránh thiên tai; Khoa học xã hội và an ninh quốc phòng. Các nhiệm vụ đã huy động được sự tham gia của 918 nhà khoa học thuộc 14 bộ, ngành, hội khoa học trên cả nước và từ Trung ương đến địa phương vùng Tây Nguyên. Trong đó, 7 nhiệm vụ khoa học do các trường, viện nghiên cứu đóng tại Tây Nguyên, khu vực Nam Trung Bộ triển khai thực hiện.

Với mục tiêu ứng dụng hiệu quả và chuyển giao công nghệ tiên tiến thích hợp cho Tây Nguyên, Chương trình đã có 27 hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ, trong đó có 13 Bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích và 14 sản phẩm đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, quyền tác giả.

Các nhiệm vụ khoa học đã công bố 35 bài báo trên tạp chí SCI/SCI-E, 36 bài báo trên tạp chí, kỷ yếu hội nghị quốc tế và 226 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành, kỷ yếu hội nghị trong nước cùng với 19 sách chuyên khảo đã được xuất bản. Đặc biệt tập Atlas tổng hợp vùng Tây Nguyên và phụ cận khổ A2, Atlas các hệ sinh thái núi Tây Nguyên khổ A3 lần đầu tiên được xuất bản là những bộ dữ liệu lớn có giá trị nhiều mặt phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên.

Thông qua thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, các nhà khoa học đã hỗ trợ và đào tạo 29 tiến sĩ, 54 thạc sĩ và hàng chục kỹ thuật viên về ứng dụng chuyển giao KH&CN cho Tây Nguyên. Đây là nguồn lực tri thức trình độ cao phục vụ phát triển Tây Nguyên hiện tại và tương lai.

Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của các nhà khoa học, các chủ nhiệm đề tài và cơ quan chủ trì đã vượt qua nhiều khó khăn thách thức, thiên tai, dịch bệnh để hoàn thành tốt các nhiệm vụ khoa học với tất cả lòng đam mê, nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm cao và vì sự phát triển của Tây Nguyên.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang ghi nhận những nỗ lực của các nhà khoa học, các tổ chức chủ trì, cơ quan chủ trì thực hiện Chương trình, đồng thời đánh giá cao các kết quả đã đạt được trong giai đoạn vừa qua. Theo Thứ trưởng, xác định vai trò và tầm quan trọng của KH&CN đối với phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên, ngành KH&CN đã luôn tích cực và chủ động, tham mưu, đề xuất, cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Để có thể đưa các kết quả nghiên cứu của Chương trình vào ứng dụng trong thực tiễn phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên trong giai đoạn tới, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang đề nghị các sở, ban, ngành và cộng đồng doanh nghiệp của 5 tỉnh Tây Nguyên phối hợp Bộ KH&CN, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và các đơn vị nghiên cứu để tiếp nhận kết quả của các nhiệm vụ KH&CN nhằm đáp ứng với yêu cầu  thực tiễn hiện nay và định hướng phát triển bền vững kinh tế - xã hội ở Tây Nguyên trong bối cảnh mới. Đồng thời, đề nghị các tỉnh Tây Nguyên tạo mọi điều kiện thuận lợi để các cơ quan nghiên cứu triển khai, ứng dụng và nhân rộng các mô hình, các dự án thử nghiệm không những từ các nhiệm vụ KH&CN của Chương trình Tây Nguyên 3 và Chương trình Tây Nguyên 2016-2020 mà còn từ các công nghệ tiên tiến hiện nay của Việt Nam và trên thế giới.

Thứ trưởng cho biết, thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ phối hợp Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, các đơn vị nghiên cứu, đặc biệt cùng các địa phương vùng Tây Nguyên tiếp tục tổ chức triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu nhằm phát triển bền vững kinh tế-xã hội Tây Nguyên. Các địa phương Tây Nguyên cần chủ động nghiên cứu, đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ KH&CN phục vụ vùng Tây Nguyên trong thời gian tới.



Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang phát biểu tại Hội nghị

 

Nhân rộng các mô hình KH&CN phục vụ phát triển Tây Nguyên

Tại Hội nghị, các nhà khoa học phụ trách 3 lĩnh vực nghiên cứu của Chương trình Tây Nguyên 2016-2020 đã báo cáo các kết quả nghiên cứu của từng lĩnh vực. Theo đó, các nhiệm vụ khoa học tự nhiên đã phát hiện nhiều điểm mới phục vụ quản trị tài nguyên đất, nước và rừng liên vùng, xuyên biên giới, từ hệ sinh thái núi cao đến hang động núi lửa, như nhiệm vụ nghiên cứu hang động núi lửa Krông Nô – Đắk Nông đã lần đầu tiên phát hiện di chỉ người tiền sử hiếm gặp ở Đông Nam Á. Việc phát hiện di chỉ người tiền sử cùng với các giá trị đa dạng sinh học, địa chất, địa mạo là một phần quan trọng của công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông đã được UNESCO công nhận vào tháng 7/2020 và được bình chọn là một trong 10 sự kiện khoa học nổi bật năm 2018 tại Việt Nam; Phát hiện hàng chục hang động núi lửa là dạng tài nguyên có ý nghĩa khoa học và thực tiễn phục vụ phát triển du lịch, an ninh quốc phòng; Mô hình quân dân y chăm sóc sức khỏe đồng bào biên giới ứng phó với biến đổi khí hậu, biến động dân cư và kiểm soát dịch bệnh đã và đang phát huy tác dụng tích cực.

Điểm nhấn của Chương trình là đi từ nghiên cứu cơ bản đến các mô hình trình diễn nhằm khẳng định tính khoa học, thực tiễn của các kết quả nghiên cứu, từ đó thúc đẩy ứng dụng KH&CN, tạo ra các sản phẩm có giá trị cao. Một số nhiệm vụ KH&CN đã tích hợp các kết quả của giai đoạn trước và liên doanh, liên kết với doanh nghiệp để triển khai, nhân rộng các mô hình kịp thời phục vụ phát triển kinh tế quốc phòng, an ninh biên giới, như các nghiên cứu chuyển giao công nghệ khí sinh học tiên tiến phát điện và sử dụng bùn thải sau lên men yếm khí để sản xuất phân bón hữu cơ, chuyển giao mô hình chiếu sáng điều khiển quang chu kỳ bằng đèn LED chuyên dụng nâng cao hiệu quả sản xuất hoa cúc thương mại, nhiệm vụ xây dựng mô hình khai thác sử dụng hợp lý nguồn năng lượng mặt trời và năng lượng gió phục vụ sản xuất và sinh hoạt góp phần xây dựng “nông thôn mới” Tây Nguyên. Toàn bộ kết quả của Chương trình được số hóa trên hệ thống cơ sở dữ liệu GIS tích hợp thư viện điện tử, Atlas điện tử và được truyền thông rộng rãi.

Các nhiệm vụ khoa học xã hội về đẩy mạnh liên kết vùng Tây Nguyên với các tỉnh Nam Trung Bộ, giải pháp giải quyết tranh chấp đất đai, bảo tồn và phát triển tài sản trí tuệ, hệ thống giải pháp giữ vững ổn định an ninh chính trị Tây Nguyên trong bối cảnh quốc tế mới… đã được tham khảo làm cơ sở định hướng cho chính sách phát triển Tây Nguyên trong giai đoạn tới.

Đáng chú ý, tại Hội nghị, các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp để ứng dụng kết quả nghiên cứu của Chương trình vào thực tiễn. Tiến sĩ Nguyễn Đình Kỳ, Phó Chủ nhiệm, Chánh Văn phòng Chương trình Tây Nguyên 2016-2020 cho biết, gần 100 nhiệm vụ KH&CN của Chương trình Tây Nguyên 3 và Chương trình Tây Nguyên 2016-2020 đã đề xuất hàng trăm kết luận và kiến nghị khoa học tổng hợp, chuyên ngành, liên ngành thể hiện trong báo cáo tổng hợp, báo cáo kiến nghị, cơ sở dữ liệu GIS,… Các luận cứ khoa học, mô hình phát triển và quy trình sản xuất là khối tài sản trí tuệ rất lớn, cần được đầu tư khai thác phục vụ bổ sung chính sách, thể chế, thay đổi cơ chế và thiết chế văn hóa phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên theo kịp cuộc cách mạng 4.0, trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế.



Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị

 

Tại Hội nghị, lãnh đạo các địa phương vùng Tây Nguyên đều khẳng định giá trị của các kết quả nghiên cứu của Chương trình đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, tỉnh Lâm Đồng có tiềm năng về phát triển nông nghiệp, du lịch, do đó, các điều tra cơ bản của Chương trình cho biết thực trạng về chất lượng đất, tài nguyên nước… giúp cho địa phương định hướng phát triển, phát huy các thế mạnh của mình trong điều kiện hội nhập. Thời gian tới, tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện một số giải pháp trước mắt và lâu dài để ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ông Nguyễn Nam Hải, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Gia Lai chia sẻ, các kết quả nghiên cứu của Chương trình Tây Nguyên 2016-2020 là nguồn tài liệu vô cùng quý giá phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của khu vực Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng, trong đó có những nhiệm vụ phục vụ hiệu quả trực tiếp như khai thác hiệu quả Atlas điện tử vùng Tây Nguyên. Để tiếp tục khai thác tốt và hiệu quả cơ sở dữ liệu của Atlas điện tử Tây Nguyên, cần nâng cấp, cập nhật, bổ sung cơ sở dữ liệu chi tiết cho từng lĩnh vực, vùng, lãnh thổ; đồng thời tổ chức đào tạo, tập huấn chuyển giao việc khai thác cho các tỉnh Tây Nguyên…



Các đại biểu tham quan một số ấn phẩm, đề tài của Chương trình được trưng bày tại Hội nghị

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Truyền thông KH&CN - Vụ Khoa học xã hội, nhân văn và tự nhiên

Lượt xem: 1600

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)