Hội thảo thuộc khuôn khổ hoạt động của Làng Thách thức và Sáng tạo Xã hội thuộc TECHFEST 2022, đồng thời hưởng ứng Hưởng ứng Ngày đổi mới sáng tạo thế giới 21/4 trong nỗ lực tạo nên một không gian mở thúc đẩy trao đổi hợp tác giữa các bên liên quan về định hướng, thử nghiệm giải pháp xây dựng thành phố thông minh, phát triển bao trùm, không rào cản cho mọi người, bao gồm người khuyết tật. Đây là dịp để các chuyên gia, những nhà nghiên cứu thảo luận và đưa ra những định hướng trong tương lai, nhằm tạo ra một môi trường thân thiện dành cho người khuyết tật.
Ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh “Sự phát triển của khoa học – công nghệ giúp con người có cuộc sống tốt hơn, tiện lợi và dễ dàng hơn, đem đến lợi ích to lớn. Tuy nhiên điều này cũng có thể gia tăng bất bình đẳng trong xã hội, khi những người thuộc nhóm yếu thế như người khuyết tật, người già không được trang bị kiến thức cũng như thiết bị để theo kịp công nghệ mới, dễ bị bỏ lại phía sau. Việt Nam ta đang phải đối mặt nhiều vấn đề lớn đặc biệt là thời kì hậu COVID 19, các nhóm yếu thế là đối tượng cần được chú trọng và quan tâm hỗ trợ, đây cũng là hạn chế trong giáo dục tiếp cận của Việt Nam. Vì vậy, tôi hi vọng nguy cơ cũng là cơ hội để chúng ta cùng nỗ lực đưa ra các sáng kiến trợ giúp cho đối tượng này.”
Giải thích về khái niệm “thành phố thông minh”, TS Trịnh Tú Anh khẳng định: “Đối với mọi thành phố, đô thị thông minh là hành trình, là con đường, chứ không phải là đích đến cuối cùng. Khi xây dựng thành phố thông minh, chúng ta không đi tìm hay hướng đến sự hoàn hảo, mà là chúng ta ứng dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề phát sinh trong chính thành phố đó, và hướng đến sự phát triển bền vững. “Thành phố thông minh” cần dựa trên các tiêu chí: thuận tự nhiên; nỗ lực xây dựng chính quyền và chính phủ; con người; sự di chuyển thuận lợi và sự sống.”
Khởi động dự án về quyền của người khuyết tật tại Việt Nam
Bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng MSD – United Way Việt Nam chia sẻ Việt Nam hiện có hơn 6 triệu người khuyết tật, chiếm gần 7% dân số. Tuy nhiên, rất hiếm khi thấy họ ra ngoài, mua sắm ở các trung tâm thương mại hay đến những khu vui chơi giải trí. Cũng theo bà Linh, mô hình Shinhan Square Bridge Việt Nam được triển khai dựa trên cách tiếp cận thúc đẩy môi trường thực nghiệm (https://livinglabvietnam.org/vi/home-page/) tạo cơ hội để các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể thử nghiệm các sản phẩm, giải pháp đổi mới sáng tạo trong cộng đồng. Cách tiếp cận này cũng có thể sử dụng trong cách tiếp cận thành phố thông minh với con người là trung tâm. Thành phố thông minh cũng không chỉ phục vụ một vài người, một nhóm người hay những người có ảnh hưởng, có điều kiện tiếp cận, mà đảm bảo không rào cản, tiếp cận bình đẳng và công bằng cho tất cả mọi người, trong đó có người khuyết tật. Ở một mức cơ bản nhất, ở một thành phố vài triệu dân, bạn có thể thấy sự xuất hiện của người khuyết tật được tham gia giao thông, đi lại trong thành phố, đi học, mua sắm, làm việc, giải trí và vui chơi…
Từ kinh nghiệm nhiều năm làm việc và hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập, Ông Nguyễn Văn Cử - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD) chia sẻ chuyển đổi số giúp người khuyết tật có thể giảm bớt rào cản để học tập và nâng cao kiến thức, thậm chí tìm hiểu thông tin của những trường học nghề thông qua điện thoại thông minh. Để không bị bỏ lại phía sau, bản thân người khuyết tật cũng nỗ lực tự nâng cao kiến thức của bản thân để theo kịp sự phát triển của công nghệ và tham gia vào sự phát triển của xã hội, đóng góp vào nền kinh tế của địa phương.
Cuộc hội thảo được khép lại với thông điệp: Sự đoàn kết hợp tác và tinh thần đổi mới sáng tạo là tiền đề để tạo xu hướng, dẫn dắt thay đổi vì sự phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau.