Thứ ba, 10/05/2022 09:33 GMT+7

Hoạt động hỗ trợ các tỉnh, thành phố thực hiện đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất

Ngày 10/12/2019, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 17/2019/TT-BKHCN về việc Hướng dẫn đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất (Thông tư 17/2019/BKHCN). Ngày 11/3/2020, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ban hành Quyết định số 607/QĐ-BKHCN phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Thông tư hướng dẫn đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất, trong đó giao Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ là đầu mối chủ trì phối hợp, hỗ trợ các bộ, ngành và các địa phương triển khai đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất.

Để triển khai Thông tư 17/2019/BKHCN và Quyết định số 607/QĐ-BKHCN, từ năm 2020 đến nay, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Cục ƯDCN) đã hướng dẫn, hỗ trợ hơn 30 tỉnh, thành phố lập kế hoạch, chuẩn bị và thực hiện hoạt động đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất đối với các ngành, lĩnh vực mũi nhọn của địa phương. Các nội dung hướng dẫn, hỗ trợ bao gồm: xây dựng kế hoạch triển khai, xây dựng thuyết minh nội dung và dự toán kinh phí, triển khai điều tra thu thập dữ liệu của doanh nghiệp, tổng hợp và phân tích số liệu, sử dụng phần mềm đánh giá trình độ và năng lực công nghệ. Các hoạt động hỗ trợ bao gồm: tư vấn, đào tạo, tập huấn, hội thảo, hội nghị,... thông qua các hình thức trực tuyến và trực tiếp.
 


Một số hoạt động hỗ trợ Sở khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La qua hình thức trực tuyến và trực tiếp

Kết quả đến nay đã có 05 địa phương đã hoàn thành việc đánh giá trình độ và năng lực công nghệ, 08 địa phương đang triển khai và khoảng 40 địa phương đã lập kế hoạch triển khai trong giai đoạn 2022 - 2025.
 

Các doanh nghiệp được đánh giá thuộc các ngành, lĩnh vực: Cơ khí chế tạo; Điện, điện tử; Công nghiệp hỗ trợ; Cao su và nhựa; Sản xuất thực phẩm; Sản xuất đồ uống; Dệt may; Chế biến gỗ; Vật liệu xây dựng.

Trong quá trình triển khai, các địa phương thường gặp một số khó khăn sau:

- Tình hình dịch covid kéo dài ảnh hưởng đến việc triển khai điều tra, khảo sát, thu thập số liệu tại các doanh nghiệp.

- Do đội ngũ nhân lực triển khai tại các địa phương còn thiếu, chưa được tập huấn chuyên sâu chuyên môn về đánh giá khoa học và công nghệ nói chung và đánh giá theo Thông tư 17/2019/BKHCN nói riêng nên bị hạn chế trong quá trình triển khai

- Hoạt động đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất là nội dung mới, khó, phạm vi rộng, nên để thực hiện được hoạt động này thì cá nhân, tổ chức thực hiện cần phải có sự am hiểu sâu về công nghệ, nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Tuy nhiên, các cá nhân, tổ chức có thể thực hiện được hoạt động trên có số lượng hạn chế gây khó khăn cho việc lựa chọn tổ chức, cá nhân thực hiện.

- Sự phối hợp của các tổ chức, cơ quan có liên quan chưa chặt chẽ dẫn đến tiến độ, chất lượng của công tác khảo sát, thu thập thông tin chưa đạt tiến độ, hiệu quả theo kế hoạch

- Nhận thức của doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc cung cấp thông tin có nhiều hạn chế; một số đơn vị có biểu hiện “giấu” hoặc “che đậy” thông tin về công nghệ, nguyên liệu, nhiên liệu, xử lý môi trường...

- Nhiều đơn vị là đối tượng được điều tra đánh giá kiêm cả khâu phát triển vùng nguyên liệu và khâu chế biến. Vì vậy khó bóc tách số liệu từng năm, số liệu của riêng khâu chế biến để cung cấp thông tin cho cán bộ điều tra đánh giá.

Do đó, trong thời gian tới kế hoạch dự kiến của Cục ƯDCN là tăng cường phối hợp với các địa phương để thực hiện hoạt động đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất theo Thông tư số 17/2019/TT-BKHCN trong đó:

- Đối với các địa phương đã hoàn thành việc đánh giá, Cục sẽ hỗ trợ các địa phương chuẩn hoá số liệu điều tra, hoàn thiện kết quả đánh giá đồng thời sử dụng kết quả đánh giá trình độ và năng lực công nghệ để xây dựng các báo cáo quan trọng phục vụ quản lý nhà nước về KH&CN (Báo cáo đánh giá năng lực hấp thụ công nghệ của các doanh nghiệp trong ngành, lĩnh vực; Báo cáo đánh giá hiệu quả sử dụng công nghệ của doanh nghiệp trong ngành, lĩnh vực; Báo cáo đánh giá năng lực nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp trong ngành, lĩnh vực; Báo cáo đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp trong ngành, lĩnh vực) và xây dựng các chương trình, dự án, đề án hỗ trợ hoạt động chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp tại các địa phương.

- Đối với các địa phương đang và sẽ thực hiện việc đánh giá, Cục sẽ tiếp tục hướng dẫn cụ thể phương pháp đánh giá, quy trình đánh giá để giải quyết những khó khăn, vướng mắc mà địa phương gặp phải, đồng thời hỗ trợ việc xây dựng các báo cáo kết quả đánh giá quan trọng phục vụ quản lý nhà nước về KH&CN của địa phương.

Kết quả đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất theo Thông tư số 17/2019/TT-BKHCN sẽ góp phần vào công tác quản lý nhà nước về KH&CN tại địa phương trong việc xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án, đề án hỗ trợ hoạt động chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp để biến khoa học và công nghệ trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội theo đúng định hướng của Đảng trong các Văn kiện tại Đại hội Đảng lần thứ XIII.

 

Nguồn: Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ

Lượt xem: 1712

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)